Có được tách thửa diện tích đất không có lối đi không?
(TN&MT) – Bạn đọc Nguyễn Huy Khánh (Thái Bình) hỏi: Tôi được biết, hiện nay, một số tỉnh thành không cho người dân tách thửa đất ở, đất nông nghiệp. Xin hỏi, ở những tỉnh không có chủ trương đó thì người dân được tự do tách thửa đúng không? Nếu đất nhà tôi sau khi tách thửa mà không có lối đi thì có được tách thửa hay không?
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:
Đúng như bạn đã biết, hiện nay, một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đồng Xoài; Khánh Hòa, Lâm Đồng… đã ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa đối với một số loại đất nhất định.
Ở các địa phương chưa có chủ trương trên thì người dân được tách thửa với những diện tích đất đáp ứng đủ các điều kiện của pháp luật.
Căn cứ Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, để được tách thửa trước hết thửa đất phải đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của các tỉnh, thành.
Bên cạnh đó, tùy vào mục đích tách thửa (tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất,…) cần phải đáp ứng thêm các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 như sau: Có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng); Đất không có tranh chấp; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Đất còn thời hạn sử dụng.
Đặc biệt, một số tỉnh, thành điều kiện tách thửa không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nghĩa là ngay cả khi thửa đất đó chưa được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được phép tách thửa nếu đủ điều kiện được cấp sổ.
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quyền lối đi Điều 254 như sau: Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại Khoản 2 Điều này mà không có đền bù.
Theo đó, khi một thửa đất được chia thành nhiều thửa khác nhau thì khi chia (tách) phải dành lối đi cần thiết cho người ở phía trong mà không có đền bù. Nghĩa là phải có lối đi và người sử dụng đất bị vây bọc không phải đền bù cho người sử dụng đất ở phía ngoài.
Như vậy, bên cạnh những điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật đất đai thì khi tách thửa phải có lối đi. Nói cách khác, đất không có lối đi sẽ không được tách thửa.