Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, với nhiều chính sách ưu đãi để thúc đẩy việc hình thành và phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2022, số doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ mới có 712 doanh nghiệp.

Lý giải nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn hạn chế, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Trần Xuân Đích cho biết, trước đây, Chiến lược phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ được triển khai thực hiện theo Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000.

Đến năm 2013, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, theo đó tiêu chí về doanh nghiệp khoa học và công nghệ khác so với tiêu chí trước đây. Chính vì vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thay đổi tiêu chí công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho phù hợp Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, dẫn đến chậm phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam nêu một số nguyên nhân khác khiến các doanh nghiệp không mặn mà đăng ký thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngay từ khâu đầu tiên đăng ký trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã tồn tại những quy định phức tạp và làm khó doanh nghiệp như: doanh nghiệp phải chứng minh quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, phải giải trình quá trình ươm tạo và làm chủ khoa học và công nghệ. Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng làm được và sẵn sàng chia sẻ bí quyết công nghệ.

Ảnh minh hoạ

Trong khi đó, doanh nghiệp khoa học và công nghệ vẫn chưa được hưởng đầy đủ ưu đãi theo quy định. Ví dụ, doanh nghiệp cần ưu đãi về đất đai nhưng quỹ đất trong khu công nghiệp, khu sản xuất còn hạn chế, cho nên quy định miễn tiền thuê đất khó áp dụng được. Để doanh nghiệp nhận ưu đãi về thuế cũng khá khó khăn khi doanh nghiệp phải bảo đảm mức tăng trưởng và doanh thu từ khoa học và công nghệ.

Về ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tài sản trí tuệ nhưng không thể đem tài sản trí tuệ ra thế chấp vay vốn. Đặc biệt là vấn đề thuế thu nhập cá nhân chưa công bằng, chưa khuyến khích được động lực sáng tạo. Những nhà khoa học tự bỏ tiền, chịu rủi ro để nghiên cứu, thử nghiệm rồi thương mại sản phẩm khoa học và công nghệ cũng đóng thuế bằng người làm nghiên cứu dự án từ vốn Nhà nước, được hưởng lương từ Nhà nước…

Thời gian qua, nhằm tập trung và tạo hành lang cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ phát triển, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chú trọng đẩy mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh mối liên kết nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Bộ cũng phấn đấu hoàn thiện quy định về cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao; giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ…

Phối hợp với địa phương, đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, với mục tiêu hướng tới là ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, nâng cao mức độ tự động hóa trong các khâu của quy trình sản xuất, các sản phẩm tạo ra có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Từ thực tiễn trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trong thời gian tới, cần thêm những giải pháp thiết thực từ doanh nghiệp, ngành chức năng, chính quyền các cấp và các địa phương. Trong đó, cần xác định việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải được đặt trong tổng thể mô hình phát triển doanh nghiệp của mỗi địa phương.

Vai trò, vị trí của doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở từng ngành, lĩnh vực, vùng và từng địa phương phải gắn bó chặt chẽ với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bên cạnh việc phát triển về số lượng, phải quan tâm đến chất lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, làm cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thật sự trở thành nền tảng và động lực cho phát triển sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao. Cùng với đó, thường xuyên đánh giá và cập nhật nhanh chóng cơ chế chính sách phù hợp thực tiễn của sự phát triển.

Ngành khoa học và công nghệ cần quy hoạch và phát triển các khu ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong mỗi địa phương và đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý. Theo đó, có thể triển khai các khu ươm tạo theo hình thức hợp tác công tư để tăng cường nguồn lực đóng góp từ xã hội, với sự tham gia của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, khuyến khích đầu tư mạo hiểm cho một số ngành và lĩnh vực mới có nhiều triển vọng.

Ngoài ra, để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp giữa các cơ quan thực hiện chức năng xây dựng cơ chế, chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ cũng cần được đặc biệt quan tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cần được quan tâm hơn và nên cải tiến, lựa chọn hình thức phù hợp từng đối tượng, qua đó, tạo ra làn sóng mới trong phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích