Có cần lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án có thay đổi?

(Xây dựng) – Công ty bà Phạm Thùy Linh (Ninh Bình) có nhà máy nhiệt điện than. Công ty đang nghiên cứu phương án đồng đốt vật liệu sinh khối Biomass cùng với than nhằm giảm nồng độ khí thải SO2.

Bà Linh hỏi, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới Luật có liên quan, khi công ty chính thức đưa Biomass vào đồng đốt với than thì công ty có cần thực hiện xin cấp lại giấy phép môi trường hay đánh giá tác động môi trường không?

Có cần lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án có thay đổi?
Phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trong trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Liên quan đến ý kiến của bà Phạm Thùy Linh, do chưa có đầy đủ các thông tin về tình trạng hoạt động cũng như quy mô, tính chất của việc điều chỉnh, nên Bộ chưa có đủ cơ sở để trả lời cụ thể trường hợp này.

Tuy nhiên, đề nghị bà căn cứ tình hình hoạt động của nhà máy và rà soát, đối chiếu với các quy định sau đây để áp dụng phù hợp. Cụ thể:

Trường hợp dự án đầu tư đã được phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành mà có thay đổi thì thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trong trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020 (nội dung này được quy định chi tiết tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường);

(2) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường nếu thuộc đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020;

(3) Tự đánh giá tác động đến môi trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thay đổi khác không thuộc các trường hợp nêu trên.

Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang hoạt động mà có thay đổi thì có thể thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Thực hiện thủ tục môi trường (đánh giá tác động môi trường, đề nghị cấp giấy phép môi trường) cho dự án đầu tư mở rộng (mở rộng quy mô, nâng cao công suất) theo quy định của pháp luật về đầu tư theo quy định tại số thứ tự 12 Phụ lục III hoặc số thứ tự 11 Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;

(2) Phải thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường theo quy định tại các điều 39, 42, 44 Luật Bảo vệ môi trường và các điều 29, 30 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP;

(3) Tự thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không thuộc các trường hợp nêu trên.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích