Có 300 triệu quyết mua nhà gần 2 tỷ: Mặc ai kêu liều, vợ chồng trẻ thấy sáng suốt

Để trả khoản nợ mua nhà lên tới tiền tỷ, vợ chồng trẻ ở Hà Nội phải cật lực “cày cuốc”, cắt giảm hết các khoản chi tiêu trong suốt 2-3 năm.

Giữa năm 2021, chị Thu Lan (Hà Nội) bắt đầu có ý định mua nhà. Khi ấy, trong tay hai vợ chồng chị chỉ có 300 triệu đồng tiền tiết kiệm. Nhưng cặp đôi vẫn quyết mua, vì nhận định thu nhập của họ sẽ tăng không kịp với tốc độ tăng của giá nhà.

Thực tế cho thấy, tại thời điểm chị Lan đi xem dự án lần đầu vào tháng 10/2021 rồi đến tháng 1/2022 mới chốt mua, giá nhà của dự án đó đã tăng 100 triệu đồng.

“Con mình khi đó 2 tuổi, đang sống ở quê cùng ông bà ngoại để tránh dịch Covid-19. Vợ chồng mình khát khao hết dịch sẽ đưa con lên ở cùng, muốn con có không gian sống rộng rãi hơn, nhiều tiện ích hơn thay vì căn phòng trọ 30m2 lúc ấy”.

Với động lực đó, anh chị chốt mua một căn chung cư 2 phòng ngủ có giá 1,7 tỷ đồng ở khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Cộng thêm cả chi phí mua sắm nội thất, căn hộ có giá xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Ngoài số tiền tiết kiệm, anh chị vay người thân 400 triệu, không cần trả lãi nhưng cần trả sớm trong vòng 1-2 năm. Ông bà nội cho thêm 50 triệu đồng, số còn lại vay ngân hàng. Nghĩ lại, chị Lan vẫn thấy quyết định ngày ấy thật là “liều lĩnh”.

Có 300 triệu quyết mua nhà gần 2 tỷ: Mặc ai kêu liều, vợ chồng trẻ thấy sáng suốt
Giá nhà tăng chóng mặt nên nhiều gia đình trẻ quyết định mua nhà khi trong tay chỉ có một phần tiền nhỏ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Chị Lan là nhân viên của một công ty truyền thông. Chồng chị là kỹ sư xây dựng. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng khi đó là gần 40 triệu đồng/tháng.

Từ khi ký hợp đồng mua nhà, anh chị bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu tiết kiệm để trả nợ, đồng thời tìm cách tăng thu nhập. “Mức sinh hoạt của gia đình mình rơi vào khoảng 15 triệu/tháng gồm tiền ăn, tiền học cho con, phí dịch vụ, điện nước và các chi phí khác.

Vì thế, mình để lại 15 triệu chi tiêu và dự phòng khoảng 3 – 5 triệu. Còn lại mình ‘tất tay’ vào trả nợ hết”, chị chia sẻ.

Với số nợ lên tới 1,4 tỷ đồng, anh chị chọn trả họ hàng trước vì năm đầu tiên, ngân hàng không tính lãi. “Năm thứ 2, mình toát mồ hôi hột vì số tiền lãi ngân hàng bắt đầu phải gánh, có tháng lên đến hơn 9 triệu tiền lãi. Hai vợ chồng hối hả bắt đầu trả lãi và tiền gốc cho ngân hàng với suy nghĩ trả càng chậm thì lãi càng nhiều.

Suốt cả một năm, ngoài chi tiêu, ăn uống, sinh hoạt và nuôi con, nhà mình gần như không tiết kiệm được đồng nào mà dồn tất cả vào trả nợ ngân hàng”.

Cùng với việc tiết kiệm trả nợ, anh chị tìm cách tăng thu nhập bằng 2 cách. Thứ nhất là làm thật tốt và tạo ra nhiều giá trị cho công việc hiện tại để được ghi nhận, thăng chức và tăng lương.

Cả hai vợ chồng chị thời điểm đó đều đã cố gắng làm tốt được điều này. Cách thứ hai là chị tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng để làm công việc khác liên quan đến viết lách vào buổi tối và cuối tuần.

Công việc suôn sẻ và ổn định nên thu nhập của vợ chồng chị tăng lên, mỗi tháng đều đặn trả nợ được khoảng 35 – 60 triệu đồng cho ngân hàng. Đến năm nay, vợ chồng chị vẫn cật lực trả nốt khoản nợ ngân hàng nhưng số nợ đã thấp hơn.

Chị Lan bắt đầu nghĩ đến việc tích cóp, tiết kiệm. Mỗi tháng chị giữ lại một khoản 5 triệu để chuẩn bị cho việc sinh em bé thứ 2, đặc biệt là giai đoạn chị sẽ nghỉ sinh ít nhất 6 tháng.

Bà mẹ 34 tuổi thú nhận, thực ra trước đó chị không phải là người giỏi tiết kiệm. “Trước khi mua nhà, vợ chồng mình sống rất ‘thoáng’, ăn hàng quán liên tục, mua những món đồ vài triệu trong khi thu nhập khi đó chỉ bằng một nửa hiện tại. Nhưng khi mua nhà và có khoản nợ 1 tỷ, mình tự ý thức lại để thay đổi lối sống”.

Đến giờ, khi nghĩ lại, chị thấy quyết định mua nhà ở thời điểm đó là rất sáng suốt. “Bây giờ, giá nhà tăng chóng mặt. Giá chung cư mình ở cũng tăng vọt so với lúc mua. Nếu cứ chần chừ, thì có khả năng bây giờ nhà mình vẫn còn đang ở trọ”.

Kinh nghiệm của chị cho thấy áp lực sẽ tạo nên kim cương. “Chỉ khi có một khoản nợ treo lủng lẳng trên đầu thì mình mới nỗ lực làm việc và tiết kiệm được. Tất nhiên, cũng có rất nhiều đánh đổi.

Chồng mình đã từng phải đi làm cả tuần, không có ngày nghỉ. Còn mình cũng kiêm 2 – 3 công việc để tạo ra nhiều nguồn thu nhập cùng lúc. Ngày đi làm, tối vẫn dạy học, thức đến 1h sáng kiểm tra bài cho học viên là bình thường.

Nhưng khi thức dậy ở ngôi nhà của mình, đứng trên ban công nhìn ra xa, hay thấy con bạn có không gian để chạy nhảy, nô đùa, bạn sẽ thấy tất cả đều xứng đáng!”.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích