Chuyện xưa giờ mới kể

Chuyện xưa giờ mới kể
Cụ Lê Huy Phát – một người hay chữ, thông làu Hán Văn, giỏi tiếng Pháp, tài thao lược võ nghệ siêu phàm, có chính khí yêu nước thương dân, đã từng làm lý trưởng ở quê hương.
Một người hay chữ, thông làu Hán Văn, giỏi tiếng Pháp, tài thao lược võ nghệ siêu phàm, có chính khí yêu nước thương dân, đã từng làm lý trưởng ở quê hương. Nhưng vì bất mãn với cường hào phong kiến, không chịu làm tay sai cho thực dân nên cụ đã trở thành một nghĩa quân tiêu biểu của phong trào khởi nghĩa nông dân Yên Thế hồi thế kỷ 19-20.
Tuy vậy tên tuổi của cụ cũng ít được nhắc tới bởi vì cụ ra nhập nghĩa quân Yên Thế sau muộn, hơn nữa vì trốn tránh sự truy lùng của thực dân nên nhập nghĩa quân Yên Thế cụ đã phải đổi tên để giữ an toàn cho gia tộc, gia đình quê hương. Đó là cụ Lê Huy Phát ở làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
Để có bài viết này, vừa qua tôi đã phải tìm về tận quê hương của cụ để được xem từng trang gia phả với những con cháu, chắt chít dòng tộc của cụ. Mặt khác, cũng cần phải nói lên công trạng của cụ Lê Huy Phát nói riêng và những người có công với quê hương đất nước nói chung, họ là những người làm lên lịch sử cho quê hương, có công với đất nước mà ngày nay hiểu biết về họ quá ít, hoặc sự hiểu và biết về họ chưa thỏa đáng, cần phải có độ ngược dòng thời gian nhất định để tìm lại những giá trị xứng đáng về họ, đã từng bị khuất lấp, bài viết này cũng chỉ khách quan nói ra trường hợp của cụ Lê Huy Phát một đầu lĩnh tin tưởng của thủ lĩnh Đề Thám.

Theo gia phả của gia tộc họ Lê ở Kiêu Kỵ, Gia lâm, Hà Nội ghi rõ: Khởi tổ là Lê Văn Thích, Lê Văn Thích sinh ra Lê Huy Huệ, Lê Huy Huệ sinh ra Lê Huy Vượng, Lê Huy Vượng sinh ra Lê Huy Phát, Lê Huy Phát sinh ra Lê Huy Nhân, Lê Huy Nhân sinh ra Lê Khắc Chất, Lê Khắc Chất sinh ra Lê Khắc Sơn và Lê Khắc Sơn sinh ra Lê Hải Khiên hiện là đương kim phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh.
Trong gia phả họ Lê, Kiêu Kỵ nói về cụ Phát không nhiều, chỉ chép rằng “Cụ Lê Huy Phát rất giỏi võ nghệ lại hay chữ, cụ làm chức lý trưởng ở Kiêu Kỵ. Cụ từng làm nhiều việc tốt giúp cho dân xã nên rất được nhân dân kính trọng. Cụ luôn bênh dân làng, không chịu nghe theo sự o ép của tránh tổng với quân Pháp nên sinh ra mâu thuẫn, cuối cùng cụ cùng với một số gia đinh với vài người thân cận ở làng chuẩn bị tiền của, vàng bạc lên nộp cho Đề Thám và xin đầu quân dưới trướng, làm đầu lĩnh cho nghĩa quân. Nghe nói cụ Phát đã đổi tên khác thành Lý Quang rồi bị quân Pháp săn lùng ráo riết, sau cụ bị bắt và chết ở Yên Thế không về nữa. Sau này có người làng về đón cụ Nhân (con trai cả cụ Phát) lên Yên Thế, đến đồn Hố Chuối chỉ mộ cụ Phát đắp bằng đất”…
Truyền rằng, khi cụ Phát cùng một số gia đinh và người làng mang khá nhiều vàng bạc, tiền của lên nộp cho Đề Thám để được đầu quân chống Pháp. Cụ Thám rất cả mừng và thu nạp cụ Phát làm một đầu lĩnh, giao cho trấn giữ đồn ao Rắn (khu vực đền Thác Thần). Tuy vậy với lý do cụ Phát đang làm quan ở vùng Gia Lâm mà lên đầu quân Đề Thám thì cũng vô lý nên thu nạp đấy nhưng cụ Thám vẫn cử người về tận quê cụ Phát điều tra cho rõ ngọn ngành…
Sau một thời gian điều tra sáng tỏ về thân thế, sự nghiệp cùng với trình độ uyên thâm, võ nghệ cao cường của cụ Lê Huy Phát, tướng quân Hoàng Hoa Thám rất mừng vì nghĩa quân thêm lớn mạnh lại là cộng sự tài giỏi, sau đó cụ Thám đồng ý cho cụ Phát đổi tên thành Lê Huy Quang (sau này mọi người quen gọi là cụ Lý Quang).
Một hôm, với cương vị của người đứng đầu thống lĩnh nghĩa quân, cụ Thám cũng muốn kiểm tra tài ứng khẩu cũng như muốn sát hạch thâm sâu văn chương của một tùy tướng mới của nghĩa quân, nên Đề Thám cho mời 3 đầu lĩnh gồm: Cụ Hoàng Điển Ân (vốn là quân sư của Đề Thám); Cụ Hoàng Minh Trà (vốn là đầu lĩnh nghĩa quân và tác giả bài viết này phải gọi cụ Trà là cụ nội 5 đời); Cụ Lê Huy Phát (là đầu lĩnh mới nhập).
Các quan khách đã có mặt đầy đủ tại đồn Phồn Xương, quân lính canh phòng vòng trong vòng ngoài nghiêm cẩn, ở bên trong Đề Thám cho trình bày thức ăn bao gồm hươu, nai, lợn rừng cùng với một vò rượu men lá đặc sản của vùng thượng Yên Thế. Tất cả được trình bày trong một chiếc mâm đồng lớn được chạm khắc hoa văn tinh xảo bậc nhất với 5 chữ Hán cổ gồm: Chữ Phúc ở giữa mâm, còn lại xung quanh vành mâm có 4 chữ “long, vân, khánh, hội”, nghĩa là sự hội ngộ của rồng từ trên mây… (tạm dịch).
Chiếc mâm được đặt sẵn trên phản sập gỗ cũng chạm trổ điêu khắc tinh vi. Đề Thám ra hiệu mời 4 người ngồi tọa 4 góc và ông tọa vào chữ long, Hoàng Điển Ân tọa vào chữ vân, Hoàng Minh Trà tọa vào chữ khánh và Lê Huy Phát tọa vào chữ hội…
Trong bầu không khí trang nghiêm trịnh trọng, cụ Thám đề nghị mỗi người ra một vế thơ mà chữ đầu là chữ hướng mình ngồi, sao cho 4 chữ thành một bài tứ tuyệt, tất cả vui vẻ đồng ý và người đầu tiên ra vế thơ là cụ Thám ở chữ long:
Cụ Thám: Long phi ư Yên Thế (nghĩa là rồng bay trên Yên Thế)
Cụ Ân: Vân tụ oánh Phồn Xương (nghĩa là mây lành tụ Phồn Xương)
Cụ Trà: Khánh tập đồng nghĩa khí (nghĩa là vui nhóm họp nghĩa khí)
Cụ Phát: Hội kiến lạc Hà Thành (nghĩa là gặp nhau ở Hà Thành)
…Quá kinh khủng khiếp, bài thơ được hoàn tác trong một khung cảnh khá phi thường. Cụ Thám rất đỗi vui mừng liền ra hiệu ẩm thực vào cuộc…
Chả là khi đó đang trong thời kỳ hòa hoãn lần hai giữa nghĩa quân Yên Thế với quân đội thực dân Pháp, nghĩa quân ngày một lớn mạnh, nên Đề Thám đang nhen nhóm âm mưu thực hiện trận đánh lớn tiêu diệt bọn thực dân, gây tiếng vang trong phong trào khởi nghĩa và mở rộng địa bàn về Hà Thành. Tứ thơ hôm đó được cụ Lê Huy Phát đọc ra đúng câu cuối (Hội kiến lạc Hà Thành)… gãi đúng chỗ ngứa làm cụ Thám vui mừng khôn xiết… cụ nghĩ, có lẽ ông trời đã giúp ta gặp được hiền tài để thực hiện việc lớn…!
Kể từ hôm ấy, Đề Thám thường xuyên cho mời cụ Phát vào đồn Phồn Xương để bàn tính việc lớn. Cho đến mùa thu năm 1907 Đề Thám hội kiến các tướng lĩnh và chính thức giao cho tướng Lê Huy Phát dưới cái tên là (Lý Quang) về lại vùng Hà Nội, để gây dựng cơ sở, tìm mối liên lạc thực hiện kế hoạch đầu độc quân lính người Pháp để chiếm lại Hà Nội theo ý nguyện của Phan Bội Châu và Hoàng Hoa Thám từ lâu…
Qua đó, cụ Phát (Lý Quang) đã bí mật về Hà Nội liên lạc với các đầu bếp người Việt từ các trại lính, để tiến hành một cuộc đầu độc lính Pháp bằng cà độc dược. Bên cạnh đó cụ cùng kết nối với Đặng Đình Nhân (đội Nhân) người đứng đầu đội quân khố đỏ làm nội ứng… vào ngày 27/6/1906, các đầu bếp tiến hành đầu độc làm 125 lính Pháp trúng độc dược bị mê man bất tỉnh, nhưng tất cả nội ứng, ngoại ứng đều chưa có hiệu lệnh tấn công thì bị lộ. Chúng tiến hành bao vây toàn thành và bắt khá nhiều nghĩa quân bao gồm cả đội lính khố đỏ cùng với nghĩa quân Yên Thế 20 người, đều bị nhốt giam vào Hỏa Lò.
Một thời gian ngắn sau chúng đưa ra xét xử và khép tội chết cho 13 người, trong đó có Lê Huy Phát (Lý Quang) là nghĩa quân Yên Thế, nên chúng đã dẫn độ cụ về đồn Hố Chuối để chặt đầu, đem bêu ngoài chợ Gồ. Như vậy cụ Lê Huy Phát sinh 1859 đến năm 1909 thì bị hy sinh ở tuổi 49-50.

Nhân đó, cuối năm 1909 quân đội thực dân đã huy động toàn lực lượng hành quân lên vùng thượng Yên Thế để bình định nghĩa quân cho đến năm 1913 mới chấm dứt được hoàn toàn cuộc nổi dậy của nghĩa quân Yên Thế. Cũng trong thời kỳ đó, có một nghĩa quân người làng từng theo cụ Phát lên Yên Thế chiến đấu, khi nghĩa quân tan dã, ông đã trốn thoát về làng báo tin cho người nhà và đưa người lên Hố Chuối chỉ mộ cụ Phát, đó là ngôi mộ đắp bằng đất to cùng một số ngôi mộ gần đấy.

Vậy đó, một nghĩa quân quả cảm, một chính khí cao cả. Tuy rằng mưu sự không thành nhưng đã cho ta thấy rằng, tầm hoạt động của cụ Phát ngang hàng với các Vị tướng. Cuối cùng còn lại là một cái xác không có đầu, nằm sâu trong ngôi mộ đất… thật bi tráng nhưng rất đỗi tự hào của một dân tộc anh hùng.
Đất nước chìm đắm chiến tranh, phải đến hơn 1 thế kỷ sau, cho tới năm 2015, nhà nước tri ân công trạng tổ chức đi tìm hài cốt của các nghĩa quân từ khắp nơi chuyển về đồn Hố Chuối để xây cất mộ phần. Nhân đó, hậu duệ cháu chắt của cụ Phát từ Hà Nội và khắp nơi cũng tụ về tổ chức sang cát cho cụ, sau khi khai quật ngôi mộ chỉ còn lại một số ít xương cốt gồm: Xương bả vai, vài đốt xương sống và ít mảnh xương ống chân, ống tay, nhưng không tìm thấy xương đầu? đó là tội ác chiến tranh của thực dân xâm lược. Ngày nay ngôi mộ cụ Lê Huy Phát (tức Lý Quang) cũng được xây kè bằng đá đẹp đẽ với đôi câu đối xứng tầm của cụ ở hai bên tường bao mộ:
Ngọc cốt tàng linh địa
Chính khí tráng sơn hà
Mộ phần của cụ Lê Huy Phát đã làm tăng thêm ý nghĩa thiêng liêng của đồn Hố Chuối, Di tích đặc biệt của quốc gia.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị