Chuyện về quán cơm đặc biệt dành cho người yếu thế

Những suất cơm nghĩa tình

Đều đặn, mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, thành viên của Quỹ Thiện nguyện Tâm Thương lại tập trung tại địa chỉ 405 Bạch Đằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chuẩn bị những suất cơm ấm nóng, giàu dinh dưỡng tới người có hoàn cảnh khó khăn. Tờ mờ sáng, các thành viên đã đi chợ, chuẩn bị sơ chế thực phẩm. Ai nấy đều nhanh tay, chủ động thu vén phần việc của mình.

Giữa ngày hè đổ lửa của Hà Nội, mặc cho thời tiết nắng nóng và những giọt mồ hôi thấm đẫm trên gương mặt, các thành viên của Quỹ Thiện nguyện vẫn luôn nở nụ cười rạng rỡ, hạnh phúc, ân cần trao tận tay những hộp cơm còn đang ấm nóng cho người dân nghèo.

Chuyện về quán cơm đặc biệt dành cho người yếu thế
Giữa cái nóng tháng 7, các thành viên Quỹ Thiện nguyện Tâm Thương vẫn ân cần trao suất cơm 1.000 đồng cho người lao động nghèo.

Luôn đồng hành trong mọi hoạt động của Quỹ, anh Nguyễn Anh Vũ – người sáng lập Quỹ Thiện nguyện Tâm Thương vừa tận tình thăm hỏi vừa không quên dặn dò các cô, bác cần phải ăn uống đầy đủ, giữ sức khỏe.

Được biết, anh Nguyễn Anh Vũ đã có kinh nghiệm hơn 7 năm tham gia hành trình thiện nguyện và từng có thời gian dài làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, bắt gặp nhiều mô hình thiện nguyện nên anh luôn ấp ủ sẽ triển khai mô hình tương tự tại Hà Nội.

Thời gian đầu khi mới mở quán, anh Vũ khá lo lắng về việc mọi người vì mặc cảm mà không dám nhận các suất cơm của Quỹ. Anh Vũ cho biết, “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, để xóa bỏ rào cản tâm lý cho người dân khi nhận những bữa cơm miễn phí 0 đồng, Quỹ Thiện nguyện Tâm Thương triển khai chương trình bán những suất cơm đầy đặn, đủ dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm với giá chỉ 1.000 đồng.

Chuyện về quán cơm đặc biệt dành cho người yếu thế
Những món ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Những ngày đầu không ít người hoài nghi về chất lượng của bữa ăn 1.000 đồng ngay tại một quận trung tâm của Hà Nội. Để mọi người biết đến, anh Vũ cùng các thành viên đã phân chia, nhờ người đưa các tờ rơi ở các khu vực ở xung quanh có nhiều người lao động. Đến nay, quán cơm của Quỹ Thiện nguyện đã trở thành điểm đến tin cậy của không ít thực khác.

Người đến với quán cơm là những người bán hàng rong, người “chạy xe ôm”, bệnh nhân nghèo và cả các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn… Mỗi người mang trong mình những lo toan, vất vả riêng, tìm đến đây đều nhận được sự chia sẻ, động viên, dù nhỏ mà thiết thực.

Cầm trên tay suất cơm đầy đặn chỉ 1.000 đồng, chị Hoàng Mai Hương (một người bán hàng rong quê ở Phú Thọ) xúc động chia sẻ: “Giữa trưa lỡ bữa, đến đây nhận về 2 suất cơm cho mình và con, với số tiền gần như không thể mua được gì trong thời buổi này, tôi cảm thấy mình được động viên, an ủi rất nhiều. Những người nghèo như chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều hơn những mô hình thiện nguyện như vậy, giúp người nghèo vơi bớt gánh nặng mưu sinh”.

Lan tỏa tinh thần tương thân tương ái

Theo tìm hiểu của phóng viên, những món ăn tại quán đều là những món ăn dân dã như thịt kho tàu, cá kho… Dù chỉ với giá 1.000 đồng nhưng nguyên liệu chế biến món ăn đều được các thành viên lựa chọn kỹ lưỡng, mùa nào thức ấy. Từ thịt, cá đến rau, củ quả đều rõ nguồn gốc xuất xứ, các thực phẩm được chế biến và sử dụng trong ngày nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các suất cơm được các thành viên bày biện sạch sẽ, chỉn chu, đẹp mắt với mong muốn giúp cho người nhận những suất ăn vừa cảm nhận được sự ấm áp yêu thương vừa ngon miệng, ngon mắt. Qua đó, mọi người cũng cảm nhận được rõ hơn sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng.

Chuyện về quán cơm đặc biệt dành cho người yếu thế
Khách hàng của quán là những người lao động nghèo, sinh viên khó khăn…

Được biết, trung bình mỗi ngày, quán cơm “405 Bạch Đằng” bán ra từ 70 – 80 suất cơm cho những khách hàng đặc biệt và chi phí để duy trì hoạt động của quán đều từ nguồn đóng góp của các thành viên Quỹ Thiện nguyện, người thân, bạn bè, những người cùng chung nguyện vọng dành những quan tâm, sẻ chia ý nghĩa với người nghèo.

Theo anh Nguyễn Anh Vũ, toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động bán những suất ăn giá 1.000 đồng sẽ được nhóm tổng hợp, công khai rồi đưa vào mục đích thiện nguyện tiếp theo. Nhiều người dân khi đến mua suất ăn 1.000 đồng thấy chương trình ý nghĩa cũng xin được đóng góp thêm với tinh thần “lá lành ít đùm lá rách nhiều”.

Khi được hỏi về mục tiêu trong tương lai, anh Nguyễn Anh Vũ cho biết, anh và thành viên đều hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng hơn nữa. “Trước sự đón nhận của người dân, chúng tôi đang ấp ủ kế hoạch nhân lên số buổi phát cơm trong tuần, thay vì chỉ phát trong một ngày duy nhất như hiện giờ”, anh Nguyễn Anh Vũ chia sẻ.

Còn theo chị Hoàng Dung, thành viên nhóm Quỹ thiện nguyện Tâm Thương: Đồng hành với những người cùng chung tâm nguyện, lại rất chỉn chu, trách nhiệm trong từng công việc được giao, tôi thực sự rất vui và cảm kích, sẵn lòng hỗ trợ hết mình, chia sẻ công việc với các thành viên để việc làm này tiếp tục được lan tỏa, giúp cho những người lao động nghèo có thể tiết kiệm thêm chút tiền để trang trải cuộc sống mà vẫn có một bữa ăn no, ngon lành.

Cũng theo chị Dung, chứng kiến những người lao động nghèo lam lũ, đón nhận những suất cơm và ăn ngon lành, chị cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã góp được một chút công sức mang lại niềm vui nho nhỏ cho những người lao động nghèo đang vất vả mưu sinh.

Chuyện về quán cơm đặc biệt dành cho người yếu thế
Ngoài quán cơm 1.000 đồng nhiều thành viên của Quỹ thiện nguyện còn triển khai các hoạt động từ thiện ý nghĩa khác.

Ngoài quán cơm 1.000 đồng duy trì vào thứ 2 hằng tuần, anh Nguyễn Anh Vũ cùng các thành viên trong nhóm còn triển khai nhiều hoạt động từ thiện ý nghĩa khác, như: Mở tủ đồ miễn phí; tổ chức chuyến xe nghĩa tình đưa bà con làm ăn xa về quê ăn Tết; tổ chức các hoạt động quyên góp, chuyên chở thực phẩm, đồ dùng… tới các vùng sâu, vùng xa dành tặng đồng bào nghèo…

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Chương Dương Vũ Thị Bích Hằng, chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các hoạt động thiện nguyện vì người nghèo, bởi đây là việc làm có ý nghĩa, thiết thực với xã hội.

Với các mô hình góp phần lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”, tất cả các thành viên của Quỹ Thiện nguyện Tâm Thương chỉ mong góp phần san sẻ gánh nặng cho những người lao động nghèo, những người khó khăn phải “chạy ăn từng bữa” để họ có thêm động lực vượt qua khó khăn của cuộc sống.

L.T

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích