Chuyện về người phụ nữ suýt bị mất nhà
Một ngày đầu tháng 11/2022, anh Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng Biên tập Báo gọi vào phòng, đẩy về phía tôi một lá đơn kèm theo bản án sơ thẩm của Toà án nhân dân huyện Thanh Trì nói: “Anh đọc đơn, nghiên cứu tài liệu xem vụ này làm được không rồi báo cáo Tổng Biên tập”.
Về phòng, tôi bỏ 2 tiếng đồng hồ đọc đơn và bản án sơ thẩm. Là người cũng “va” không ít các vụ việc toà xử, nhưng đối với vụ việc này, ngay ở Thủ đô mà Toà án nhân dân huyện Thanh Trì xử như vậy thì quả thật… lạ lùng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh suýt bị mất nhà bởi phán quyết của Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì. |
Trong đơn, bà Nguyễn Thị Hạnh ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội trình bày: Bố mẹ bà là cụ Nguyễn Văn Đàm và cụ Nguyễn Thị Vượng sinh được 6 người con chung là bà Hạnh, bà Nguyễn Thị Huệ, bà Nguyễn Thị Nguyệt, bà Nguyễn Thị Ngân, bà Nguyễn Thị Tuyết và ông Nguyễn Trung Thành.
Cụ Đàm và cụ Vượng có tài sản là thửa đất số 45, tờ bản đồ số 30, diện tích 176,2m2 tại địa chỉ: Số 17A khu Chợ, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Thửa đất diện tích 156,9m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở số 10123012961 do UBND thành phố Hà Nội cấp đứng tên cụ Nguyễn Văn Đàm, còn 19,3m2 là đất lấn ao chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo bà Hạnh, toàn thể gia đình bà sống tại thửa đất này từ năm 1976 đến nay và không có nhà, đất nào khác. Năm 2000 bà được bố mẹ cho một phần thửa đất = 60m2 đất và lối đi tổng diện tích 12 m2 , nên cùng năm đó vợ chồng bà đã xây dựng một ngôi nhà 3 tầng trên diện tích hơn 30m2 và căn bếp hơn 20m2. Từ đó đến nay, vợ chồng, con cái và các cháu (7 người) đều đang cư trú ổn định tại ngôi nhà này.
Tôi không nghĩ bài báo của mình lại có tác động mạnh mẽ đến phán quyết của toà phúc thẩm (nếu hội đồng xét xử đọc), nhưng chắc chắn một điều, báo Lao động Thủ đô đã ở bên gia đình bà Hạnh những lúc họ chới với nhất vào niềm tin công lý. |
Sau khi các bà Huệ, Nguyệt, Ngân, Tuyết đi lấy chồng, thì chỉ có bà Hạnh và em trai là ông Thành trực tiếp sống tại nhà, đất này. Năm 2001, vợ chồng bà Hạnh xây một ngôi nhà cấp 4 cho bố mẹ ở. Khi các cụ tuổi cao, sức yếu, bị tai biến nằm liệt một chỗ thì vợ chồng bà Hạnh là người trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng…
Cụ Đàm chết năm 2004; cụ Vượng chết năm 2012 không để lại di chúc nên năm 2021, bà Huệ khởi kiện chia thừa kế đối với di sản do các cụ để lại là toàn bộ diện tích đất tại thửa đất số 45, tờ bản đồ số 30 nói trên.
Ngày 31/5/2022, Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và đưa ra phán quyết, phần đất có ngôi nhà 3 tầng mà vợ chồng mà Hạnh bỏ tiền xây dựng và 7 thành viên gia đình bà Hạnh đang sinh sống thì toà lại chia cho các bà Huệ, Ngân, Nguyệt.
Nhận phán quyết của toà mà bà Hạnh vẫn không tin, bởi bà nghĩ toà sẽ công tâm chứ ai lại đẩy 7 người trong gia đình bà ra đường. Nhưng phán quyết là phán quyết và bà Hạnh không còn cách nào khác ngoài việc gửi đơn kháng cáo lên toà phúc thẩm và viết đơn gửi báo Lao động Thủ đô…
Tôi gặp Ban Biên tập báo cáo về những điểm “bất thường” trong phán quyết ở bản án sơ thẩm và đề nghị được thực hiện đề tài này. Mấy ngày sau tôi tìm đến nhà bà Hạnh. Thửa đất này nằm trên mặt đường phố Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, phía bên ngoài là ngôi nhà 4 tầng của ông Thành (nhà mặt phố), bên hông nhà ông Thành chừa lại khoảng 1m đất chạy dài làm lối vào nhà bà Hạnh phía sau nhà ông Thành. Ngôi nhà 3 tầng diện tích mặt sàn khoảng 30m2 mà 7 người trong gia đình bà Hạnh đang ở, dù đã cũ nhưng vẫn còn chắc chắn.
Bà Hạnh dẫn tôi vào cái bếp xập xệ, giọng nghẹn lại: Bố mẹ mất đi không để lại di chúc, dù khi còn sống có tuyên bố cho vợ chồng tôi mấy chục mét đất và vợ chồng tôi bao nhiêu năm chắt bóp gom góp mới xây được lên ngôi nhà này. Giờ người ta bảo phải chia đất thừa kế, chúng tôi cũng nhất trí. Toà đã chia cho gia đình tôi, 44,5m2 đất tại sao không chia đất chỗ tôi xây ngôi nhà này (có diện tích 30m2, còn chưa đủ 44,5m2 mà gia đình bà Hạnh được nhận – PV) mà lại đẩy gia đình tôi xuống căn bếp này? Sao họ “ác” vậy? Sao họ lại tước đi chỗ 7 người trong gia đình tôi?
Đang kể lể với tôi thì bất chợt bà Huệ (nguyên đơn) xuất hiện, bà Hạnh vội nói với tôi: Chú đừng nhận là nhà báo không thì bà ấy lại nổi đoá lên. Tôi gật đầu và nói với bà Hạnh về giá đất. Có lẽ nom tôi cũng giống “cò đất” nên bà Huệ cũng hỏi dăm ba câu về đất cát. Tôi ướm lời hỏi bà Huệ về chuyện chia thừa kế, sao mỗi người không nhường nhau một chút, đưa ra toà tốn hàng trăm triệu tiền án phí làm gì. Bà Huệ gạt phắt đi. Và tôi hiểu khi chị em đã dứt tình thì công lý sẽ đứng ra phân xử.
Ngày 29/11/2022, Chuyên trang Lao động và Pháp luật thuộc báo Lao động Thủ đô đã đăng tải bài viết “Lạ lùng cách chia thừa kế của Toà án nhân dân huyện Thanh Trì” của tôi. Tôi hy vọng bài báo đến được tay vị thẩm phán ngồi ghế chủ toạ phiên phúc thẩm.
Ngày 15/12/2022, Toà án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử việc chia thừa kế của mấy chị em bà Hạnh, rất tiếc tôi bận công tác nên đành nhờ bạn Lê Thắm dự toà. Cuối giờ chiều, Thắm hồ hởi thông báo: Toà xử bà Hạnh được giữ lại ngôi nhà rồi anh ạ.
Có lẽ giờ phút đó gia đình bà Hạnh đang khóc vì sung sướng khi giữ được ngôi nhà của chính mình xây lên. Còn những người làm báo Lao động Thủ đô cũng thấy hạnh phúc khi thực hiện được lời dặn dò của Tổng Biên tập Lê Thị Bích Ngọc là phải luôn viết đúng, viết trúng, bênh vực quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người dân.
Nguồn: Báo lao động thủ đô