Chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận

Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm “Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ.”

chuyen trong tam tu quoc hoi tham luan sang thao luan va tranh luan
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, sáng 17/8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).

Làm rõ khái niệm “tranh luận,” “chất vấn,” “chất vấn lại”

Trình bày Báo cáo Thẩm tra sơ bộ về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ Tờ trình nêu 24 vấn đề mới được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp, trong đó có 5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nội quy kỳ họp; tán thành với đề xuất của Ban soạn thảo và quy định thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp đối với 3/5 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, bao gồm quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 7 phút (Điều 16); quy định về tranh luận với người bị chất vấn (Điều 17); quy định về cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế-xã hội trình Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp (Điều 50) với các lý do đã được nêu trong Tờ trình của Ban soạn thảo

Về vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung quy định về quyền của Chủ tọa, người điều hành phiên họp trong việc điều hành linh hoạt phiên họp toàn thể tại Hội trường như thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên quy định việc điều chỉnh thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội, bởi vì quyền phát biểu tại phiên họp là một quyền quan trọng của đại biểu, là phương thức thể hiện tính chất dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.

Do đó, cần bảo đảm đủ thời gian cần thiết để đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường, bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu thông qua việc áp dụng nguyên tắc phát biểu theo đúng thứ tự đăng ký.

Trường hợp có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, có thể kéo dài thời gian phiên họp để bảo đảm tất cả đại biểu đăng ký đều được phát biểu.

Cùng với đó, trong trình tự chất vấn, biểu quyết, tổ chức phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Điều 17, 18, 19, dự thảo Nội quy kỳ họp quy định theo hướng “Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp” thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn tại các điều này.

chuyen trong tam tu quoc hoi tham luan sang thao luan va tranh luan
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, quy định như vậy không rõ trong trường hợp nào Chủ tọa thực hiện thẩm quyền, trường hợp nào là người điều hành phiên họp thực hiện.

Để bảo đảm thuận lợi, minh bạch trong thủ tục điều hành phiên họp, đề nghị chỉnh lý lại dự thảo Nội quy kỳ họp theo hướng: Chủ thể điều hành phiên họp tại các Điều 17, 18, 19 là “người điều hành phiên họp”; đồng thời, chỉnh lý lại khoản 2 Điều 15 để xác định rõ “Chủ tịch Quốc hội chủ tọa và điều hành các phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp trù bị của Quốc hội; các Phó Chủ tịch Quốc hội giúp Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội.”

Như vậy, với vai trò “Chủ tọa,” Chủ tịch Quốc hội có thể trực tiếp điều hành phiên họp hoặc phân công Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp và có ý kiến cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công để điều hành phiên họp trong trường hợp cần thiết.

Quy định theo hướng này vừa bảo đảm vai trò chủ tọa, điều hành của Chủ tịch Quốc hội, vừa bảo đảm linh hoạt trong việc Chủ tịch Quốc hội phân công Phó Chủ tịch Quốc hội thực hiện một số hoặc toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn điều hành phiên họp.

Ngoài ra, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu, làm rõ khái niệm “tranh luận,” “chất vấn,” “chất vấn lại” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; bổ sung quy định đầy đủ và cụ thể hơn về việc tổ chức các phiên họp, cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội…

Chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận

Cơ bản tán thành mục tiêu, quan điểm và phạm vi sửa đổi đã nêu, tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ cần nhấn mạnh và bám sát quan điểm lớn: Bảo đảm tính đầy đủ trong quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành kỳ họp Quốc hội; đồng thời, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, công khai, minh bạch, khoa học, hợp lý và hiệu quả; cùng với đó là thích ứng linh hoạt với tình hình thực tế; phân định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan hữu quan tại kỳ họp; bám sát định hướng đổi mới, phương thức tổ chức để bảo đảm quyền và nâng cao trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; tiếp tục cải tiến cách thức điều hành, chuyển trọng tâm từ Quốc hội tham luận sang thảo luận và tranh luận; áp dụng công nghệ thông tin và xây dựng Quốc hội điện tử; chính thức hóa nội dung đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm và đồng thuận cao…

chuyen trong tam tu quoc hoi tham luan sang thao luan va tranh luan
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Với tinh thần nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát kỹ các điều khoản để bảo đảm tính tương thích, thống nhất với hệ thống pháp luật, phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan; đồng thời gợi ý bổ sung trách nhiệm của Tổng Thư ký Quốc hội và Ban Thư ký tại Kỳ họp.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ chúng ta đã rút ngắn thời gian phát biểu so với thời gian trước đây, do đó, thời gian phát biểu 7 phút là phù hợp, không nên rút ngắn thêm.

Tuy nhiên, dự thảo cũng cần có những quy định để làm sao có nhiều người tham gia phát biểu, nhất là tại những phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. Nếu Quốc hội đồng ý, chủ tọa/người điều hành có thể giảm thời gian phát biểu xuống, nếu giảm không dưới 5 phút.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội gợi ý việc dành quyền linh hoạt cho chủ tọa và Quốc hội, thực hiện phương châm “Quốc hội làm hết việc chứ không phải làm hết giờ”; qua đó mở rộng hơn nữa quyền của đại biểu Quốc hội.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị, để bảo đảm quyền của đại biểu trong thể hiện chính kiến của mình, đặc biệt tại các phiên thảo luận trên hội trường, thể hiện trách nhiệm với cử tri nơi ứng cử, cần bảo đảm thời gian cần thiết phát biểu của đại biểu.

“Cần làm rõ trường hợp nào là tranh luận giữa đại biểu với đại biểu, trường hợp đại biểu chất vấn lại khi nhận thấy trả lời của bộ trưởng với chất vấn của đại biểu khác chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri, đại biểu,” ông Vũ Hồng Thanh nêu.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy nêu rõ, thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể nên giữ 7 phút bởi, các ý kiến phát biểu của đại biểu có thể bao gồm một hoặc nhiềm nhóm vấn đề.

Nếu thời gian ngắn quá, đại biểu không đủ thời gian để lập luận. Đồng thời, Chủ tọa cần có sự linh hoạt, chủ động trong khi theo dõi không khí, đặc điểm từng phiên họp để chất lượng phiên thảo luận hiệu quả./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích