Chuyển sang tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo

Chiến lược xây dựng sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội

Phát biểu tại Hội thảo “Góp ý dự thảo chiến lược phát triển Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030”, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Bùi Thế Duy, Chiến lược được xây dựng bài bản trong suốt 3 năm với nhiều thảo luận, góp ý từ các tổ chức trong và ngoài nước. Các giải pháp của Chiến lược xoay quanh xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong đó doanh nghiệp là trung tâm, tạo ra cơ chế thúc đẩy, tạo điều kiện, tạo cảm hứng cho doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Trong Chiến lược đặt ra giai đoạn đến 2030 sẽ đưa trường đại học thực sự trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh. Hiện nay, chúng ta mới xác định viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh, chỉ một vài trường có nghiên cứu, đa số các trường chỉ có nhiệm vụ đào tạo là chính.

Thực tế, nghiên cứu mà không có đào tạo thì không có lực lượng nghiên cứu sinh, không gắn với đào tạo thì không duy trì lâu được. Hiện nay, Hàn Quốc hay một số nước có nền khoa học phát triển, các nghiên cứu chính đến từ các trường đại học. Viện nghiên cứu chỉ đóng vai trò một phần nhất định.

Tới đây, Bộ KH&CN cũng rà soát các đơn vị nghiên cứu khoa học công lập. Tái cấu trúc theo hướng đơn vị nghiên cứu nào mạnh thì Nhà nước hỗ trợ nhiều, chỗ nào không hiệu quả thì giải thể. “Không thể duy trì tình trạng như hiện nay, đơn vị nào mạnh, tự chủ được thì Nhà nước không hỗ trợ nữa. Viện nghiên cứu mạnh cứ “teo tóp” vì cơ chế là bởi như thế”, ông Duy nói.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hiểu Lam

Về xu thế chuyển đổi số, ông Duy cho rằng đó là sự kết hợp của đổi mới công nghệ và thay đổi mô hình, năng lực quản lý để phù hợp với công nghệ mới. “Đưa công nghệ mới vào thì cách thức làm việc phải khác… Video bài giảng, tài liệu phải gửi trước, học sinh xem trước. Thời gian học đó phải là thời gian để tương tác, trao đổi, hỏi bài. Chúng ta lại đi số hóa quá trình giảng bài truyền thống thì không phải là chuyển đổi số”, ông Duy nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chiến lược xây dựng sát với chiến lược phát triển kinh tế xã hội, trong đó có đổi mới mô hình tăng trưởng. Thay vì tăng trưởng bằng lao động giá rẻ, phải chuyển sang tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo. Nội dung chiến lược cũng xây dựng từ việc xác định những xu thế chính của thế giới gồm xu thế toàn cầu hoá, xu thế chuyển đổi số và xu thế về biến đổi khí hậu, các thách thức an ninh phi truyền thống.

Hiện trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa bắt kịp với doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp phần đông vẫn đang dừng ở công nghệ 2.0, tự động hoá thấp. Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp lĩnh vực tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông… có thể ứng dụng robot hay AI. Do vậy, chúng ta phải chọn một số lĩnh vực để làm chủ chứ không đủ năng lực để đi đầu trong 10 năm tới ở tất cả các lĩnh vực công nghệ.

Đồng tình với quan điểm xây dựng Chiến lược, song GS Chu Đình Thuý, Hội Vật lý Việt Nam cho rằng một số mục tiêu đặt ra đang ở mức cao. Cụ thể, Chiến lược xác định đến năm 2030 có 60 tổ chức KHCN được xếp hàng khu vực và thế giới là quá mức so với thực tế. “Con số này chỉ nên là 30”, GS Thúy cho biết.

Về mục tiêu tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước, ông Thúy cũng cho rằng khó khả thi. “Đặt mục tiêu tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8-10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ cao hơn hẳn mức trung bình của thế giới là 5%”, ông Thúy nhấn mạnh.

Đồng tình với điều này, TS Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam góp ý cần xây dựng mục tiêu của Chiến lược lần này với các con số có tính khả thi cao. Ngoài ra, nên có phần dự báo các kịch bản không mong muốn có thể xảy ra, tránh được hạn chế đã xảy ra ở giai đoạn trước.

Còn TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đề xuất đưa vào Chiến lược yêu cầu thành lập hội đồng KH&CN quốc gia do Thủ tướng đứng đầu, chủ tịch UBND các tỉnh, thành là thành viên. Theo ông Rao, khi đó các chính sách của địa phương sẽ dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, triển khai nhanh hơn.

Đối với việc phát triển các tổ chức KH&CN, ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam đề nghị cân nhắc giải pháp hình thành các đơn vị/nhóm đặc trách KH&CN đa ngành. Các nhóm này có mục tiêu ứng dụng một nhiệm vụ nào đó, ví dụ như phát triển đường sắt cao tốc, vệ tinh cỡ nhỏ hay xây dựng đô thị thông minh…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nhật Phong

Ý kiến đóng góp của các nhà khoa học sẽ được tập hợp để gửi đến Ban soạn thảo Chiến lược. Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, Chiến lược đang ở trong giai đoạn 2 xin ý kiến các bộ ngành, trường đại học, viện nghiên cứu… Trong tuần tới dự kiến sẽ tổ chức 1-2 buổi lấy ý kiến của các nhà khoa học, doanh nghiệp. Dự kiến tháng 11, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ Chiến lược này.

Dự thảo chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) là đơn vị chủ trì soạn thảo. Dự thảo đặt mục tiêu đến năm 2030, KH&CN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng – an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể là duy trì và nâng cao đóng góp của KHCN, ĐMST vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức 45 – 50%. Gia tăng đóng góp của đổi mới công nghệ, nhân lực, quản trị, tổ chức ở doanh nghiệp, đóng góp của các hoạt động nghiên cứu và phát triển của các viện nghiên cứu và trường đại học hướng tới phục vụ đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới. Tỉ lệ tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1 – 2% GDP, trong đó đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu phát triển chiếm từ 65 – 70%. Đến năm 2030, số cán bộ nghiên cứu phát triển (quy đổi toàn thời gian) đạt 12 người/vạn dân. Hệ thống tổ chức KH&CN được cơ cấu lại theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả.

Phấn đấu có 60 tổ chức KH&CN được xếp hàng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước.

Số lượng công bố quốc tế tăng khoảng hai lần so với năm 2020. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16 – 18%/năm, số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 – 14%/năm. Tỷ lệ sáng chế được khai thác thương mại đạt 8 -10% số sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích