Chuyển sản xuất sang phi tập trung sẽ đảm bảo nguồn cung lao động
Chuyển sản xuất sang phi tập trung
Dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất luôn “treo” lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp, nặng nề nhất là thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thống kê, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% doanh nghiệp EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông – ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.
Theo dự kiến đến tháng 10/2021, tình hình chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh mới có những bước khả quan, doanh nghiệp có thể dần quay lại hoạt động.
Tuy nhiên, trước đó lượng người rời bỏ thành phố về quê rất đông, thời điểm khôi phục sản xuất lại rơi vào giai đoạn cận Tết, cùng với tâm lý lo lắng về dịch bệnh, người lao động sẽ chần chừ trong việc quay lại các đô thị để làm việc. Trong khi các địa phương khác cũng đang hỗ trợ người lao động trở về quê ổn định cuộc sống. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động sau dịch ở các tỉnh công nghiệp. Đây là bài toán khó đặt ra cho chính quyền các tỉnh và doanh nghiệp phía Nam, đặc biệt là những đơn vị sản xuất cần số lượng lao động lớn.
Ông Lương Hoàng Hưng – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam cho rằng, mất một thời gian hoạt động sản xuất mới có thể ổn định, nhưng đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi cách nhìn trong sản xuất, kinh doanh. Đã đến lúc các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có số lượng lao động lớn phải thay đổi từ kinh doanh tập trung sang phi tập trung.
“Một số doanh nghiệp trước dịch đã hoạt động dưới hình thức phi tập trung, nhà xưởng, kho bãi phân tán khắp nơi, không tụ vào một mối. Nên khi dịch xảy ra, dù các tỉnh phía Nam phong tỏa siết chặt, họ vẫn có thể tổ chức hoạt động, giao hàng khắp nơi mà không bị đứt gãy chuỗi sản xuất”, ông Hưng nói.
Một doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo sản xuất trong điều kiện dịch bệnh. Ảnh Lê Hương |
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Thắng – Phó chủ tịch Hội Truyền Thông Số Việt Nam nhận xét, trước đây các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn chỉ muốn sản xuất tập trung để giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, dịch xảy ra đã làm thay đổi gần như toàn bộ nhận thức kinh doanh cũ. Doanh nghiệp cần suy nghĩ đến việc phân tán nhà máy sản xuất, đặc biệt khi câu chuyện đưa các ca nhiễm Covid-19 về số 0 là điều không thể.
“Càng tập trung càng dễ lây nhiễm, bị phong tỏa toàn bộ. Trong khi đó, sản xuất phi tập trung nguồn hàng tốt hơn, không bị đứt gãy nguồn lao động. Khi một nơi bị phong tỏa, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh sản xuất ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa”, ông Thắng nói.
Khẩn trương chuyển đổi số
Dịch bệnh đã chứng minh những doanh nghiệp nào hoạt động dưới hình thức truyền thống gần như rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Trong khi đó, các doanh nghiệp đã và đang áp dụng công nghệ vẫn có thể vận hành, duy trì nhịp làm việc đều đặn.
Giáo sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management chia sẻ, Việt Nam đang phát triển ngoạn mục về nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trước 2019, Việt Nam luôn có tốc độ phát triển GDP ở mức 5 – 7%. Dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến tốc độ tăng trưởng bị giảm sút đáng kể, và khó phục hồi vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tin rằng, nếu Chính phủ có thể khống chế dịch bệnh, Việt Nam sẽ sớm phục hồi tốt, quay lại mốc tăng trưởng cũ.
Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần phải “khởi nghiệp” lại, xây dựng lại chiến lược và tầm nhìn làm việc để không bị các thị trường từ bỏ. Nhất là khi xu hướng thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ.
“Chúng ta phải thay đổi cung cách làm việc, bỏ đi những “hành lý” nặng nề, đừng để nó kéo ngã doanh nghiệp. Chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, muốn hay không mà đã là điều bắt buộc phải làm. Doanh nghiệp phải đi tiên phong, đổi mới triết lý, phương pháp kinh doanh để có thể làm lại tốt hơn”, GS Vinh nhận định.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Truyền Thông Số Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Truyền Thông Số Việt Nam cũng cho rằng, chuyển đổi số là hành trình dài, buộc các quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân phải chạy đua để thay đổi toàn diện.
Tuy nhiên, ở nước có thu nhập trung bình thấp như Việt Nam quá trình này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, khung pháp lý cho doanh nghiệp chưa hoàn thiện, hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ và nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu do giáo dục đào tạo chưa đáp ứng được cũng khiến việc chuyển đổi số chậm hơn kỳ vọng.
“Dù khó khăn, doanh nghiệp vẫn phải là đơn vị tiên phong chuyển đổi số, đi đầu trong nền kinh tế số, không chỉ để phát triển kinh doanh, mà còn vì tính sống còn. Đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân có thể dễ dàng sử dụng và tạo ra nguồn lực đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số vì không phụ thuộc vào Nhà nước.
Chúng ta đi sau nên có thể rút được kinh nghiệm, không bị áp lực mô hình cũ; tỷ lệ người dùng điện thoại, internet, điện thoại rất tốt, hạ tầng công nghệ tốt, nguồn nhân lực trẻ, đó là tất cả những thuận lợi giúp chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô