Chuyện những người khuyết tật ‘xây’ niềm tin, giúp người cùng cảnh ngộ

Những năm gần đây có rất nhiều hợp tác xã do những người khuyết tật thành lập, hoạt động hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người cùng cảnh ngộ.

Chị Lương Thị Minh Nguyệt- Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Tân Dân (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) là một tấm gương như thế. Nhìn chị, một người phụ nữ bị liệt cả hai chân không ai nghĩ rằng đấy là bà chủ của Hợp tác xã Sức sống xanh, kiêm “giảng viên” trung tâm đào tạo và dạy nghề cho người khuyết tật.

Sẵn có khu đất rộng 13.000m2, chị Nguyệt quyết định mở mô hình vườn- ao- chuồng trồng đủ các loại rau, cây ăn quả… Hiện Hợp tác xã là nơi sinh hoạt thường xuyên của 17 xã viên không chỉ của xã Tân Dân, của huyện Sóc Sơn mà đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

(Ảnh: Dân Trí)

Những nhân viên tại đây được phân công công việc rõ ràng, phù hơp. Người khuyết tật nhẹ có thể trồng, chăm sóc các loại cây như mít, bưởi, đinh lăng… Còn người khuyết tật nặng (liệt hai chi hoặc tứ chi), đi lại khó khăn đảm nhận việc bán hàng qua mạng, tiêu thụ sản phẩm như: Tinh bột nghệ, mầm đậu nành, ngũ cốc dinh dưỡng, tinh bột sắn dây…  của Hợp tác xã và của người khuyết tật ở các đơn vị khác. bên cạnh đó, hợp tác xã của chị cũng hướng dẫn làm ra những bức tranh Phật đính đá phục vụ Phật tử đi lễ chùa…

Lớp học của chị Nguyệt đào tạo, phát triển những kỹ năng cho các học viên khuyết tật (Ảnh: Dân Trí)

Không chỉ là nơi làm việc, tạo ra kinh tế cho người khuyết tật mà Hợp tác xã Sức sống xanh còn trở thành “mái nhà chung”, gắn kết nghĩa tình.

 Để có được thành công như hôm nay, chị Nguyệt đã không ít lần gặp thất bại,  khi mà gà đến ngày bán thì bị dịch chết hết còn cá nuôi khi thu lên cũng chẳng thấy đâu… Song không nản, chị Nguyệt lại tiếp tục tìm tòi, phát triển hướng đi mới.

Hiện tại, cơ sở Hợp tác xã Sức sống xanh của chị Nguyệt đã chuyển trụ sở về quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để thuận tiện cho việc đi lại, giao dịch. Song song, chị còn mở lớp đào tạo miễn phí  các khoá học thiết kế đồ họa, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, làm sạch nội thất ô tô, làm hương (nhang), xoa bóp bấm huyệt,… cho người khuyết tật. Các học viên được bố trí chỗ ăn ngủ, sinh hoạt miễn phí tại trung tâm. Đặc biệt hơn, sau khi tốt nghiệp khóa học các học viên sẽ được giới thiệu việc hoặc có thể làm việc trực tiếp tại trung tâm. 

“Tôi chỉ mong nơi đây sẽ là điểm hội ngộ của những người kiên cường biết vượt lên số phận, những người “tàn nhưng không phế”, chị Nguyệt bộc bạch.

Cũng hoàn cảnh tương tự như chị Nguyệt, chị Trần Thị Thuần – Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc, có địa chỉ tại thôn Bến, xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội là tấm gương vượt khó đáng ngưỡng mộ.

Hợp tác xã Tâm Ngọc thành lập năm 2019, khi mới thành lập HTX có 7 thành viên, qua hơn 2 năm hoạt động đến nay hợp tác xã có 30 thành viên, bao gồm người khuyết tật  trồng và sản xuất cây dược  liệu. Mô hình của chị Ngọc đã tạo thu nhập  ổn định từ 2,5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Hay như anh Lê Thái Bình (SN 1988, ở xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) dù khuyết tật nhưng đam mê thiện nguyện. Từ mong mỏi muốn giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ, anh chàng đã mày mò và thành lập lớp đào tạo tin học cho người khuyết tật. Không chỉ thế, anh Bình còn cùng “Nhóm hướng thiện từ trái tim” ổ chức chương trình từ thiện giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Anh Bình và những người bạn tích cực trong công tác thiện nguyện (Ảnh: Gia đình.net.vn)

Ngoài tham gia vì cộng đồng, Bình còn dành 15m2 trong cơ sở tin học của mình để mở tủ sách với tên gọi “Không gian đọc sách Thái Bình”. Tủ sách của anh hiện có hơn 2.000 cuốn sách về nhiều thể loại như văn học, truyện đọc thiếu nhi, sách khởi nghiệp, kỹ năng sống… 2 năm đi vào hoạt động, tủ sách của anh thu hút hơn hàng ngàn độc giả là học sinh, thanh niên và người dân trên địa bàn tìm đến đọc và mượn sách.

Tấm gương của những con người khuyết tật trên đã tạo nên những giá trị tinh thần to  lớn với cộng đồng.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích