Chuyện những ngôi nhà nổi ở Amsterdam và con đường đến thành phố “không carbon”
Khi phát triển bền vững là lựa chọn duy nhất
Hà Lan là quốc gia nằm thấp nhất so với mực nước biển trên thế giới. Có đến 1/3 diện tích của quốc gia Bắc Âu này nằm dưới mực nước biển và 60% lãnh thổ luôn nằm trong nguy cơ đe dọa nghiêm trọng bởi lũ lụt.
Thủ đô Amsterdam của Hà Lan cũng là thành phố cảng với mạng lưới đường thủy chằng chịt, do đó, cũng không nằm ngoài bất kỳ nguy cơ nào về hiểm họa tự nhiên, đe dọa trực tiếp đến kinh tế, xã hội và con người.
Trong thập kỷ gần đây, đặc biệt trong 2 năm đại dịch Covid-19 trở thành cơn ác mộng trên toàn thế giới, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Những trận lụt kinh hoàng tại Đức, Bỉ hồi tháng 6 hay tại New York (Mỹ) hồi tháng 9 năm nay đã cho thấy một sự thật hiển nhiên: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu diễn ra trên quy mô toàn cầu, bất kể là quốc gia giàu hay nghèo.
Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hiện tượng biến đổi khí hậu và đặc biệt là nóng lên toàn cầu xuất phát từ lượng khí nhà kính (chủ yếu là CO2) khổng lồ thải ra từ hoạt động sản xuất, vận chuyển, sinh hoạt của con người. Đồng thời, do nạn phá rừng, hỏa hoạn, đô thị hóa, phát triển cộng đồng không có quy hoạch bền vững,… diện tích rừng và cây xanh giảm mạnh, dẫn đến không có nguồn tiêu thụ CO2 từ cây xanh quang hợp.
Từ đó, lượng khí CO2 phát thải tích tụ tại khí quyển khiến một phần bức xạ bị mắc kẹt, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nhiệt độ tăng bất thường khiến toàn bộ hệ sinh thái bị ảnh hưởng. Trong đó, hai cực Nam – Bắc chứng kiến hiện tượng băng tan trên diện rộng, khiến cho nước biển dâng cao và lũ lụt từ đó hình thành.
Nếu tình trạng tồi tệ như vậy cứ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ, Hà Lan sẽ là quốc gia đầu tiên bị nhấn chìm hoàn toàn. Chỉ cần nước biển dâng cao thêm 2m, thành phố Amsterdam sẽ nằm hoàn toàn dưới biển sâu. Đó cũng chính là động lực cơ bản khiến thành phố này không thể không hành động vì khí hậu, để ngăn ngừa việc một trong những quốc gia giàu có nhất châu Âu biến mất.
Cùng với đó, chiến lược ngăn chặn lũ lụt không phải là hành động có hiệu quả lâu dài. Cho dù Hà Lan có thể xây dựng hệ thống đê ngăn lũ và hệ thống bảo vệ con người trước thiên tai hiện đại đến mấy, cũng không thể hoàn toàn chống lại sức mạnh của tự nhiên.
Do đó, Amsterdam đã sớm xây dựng một kế hoạch phát triển bền vững và thành phố thông minh từ năm 2009 và lựa chọn hướng đi “con người sống cùng thiên nhiên”. Cùng với bản kế hoạch đồ sộ và quyết liệt, lĩnh vực xây dựng – kiến trúc tại thành phố này cũng có sự thay đổi đồng bộ.
Kiến trúc “tiêu cực với carbon”
Các kiến trúc sư và công ty kiến trúc tại Amsterdam đã dần tiếp cận khái niệm “kiến trúc bền vững” theo một hướng khác khi họ ý thức được sự đóng góp của ngành công nghiệp xây dựng vào cuộc khủng hoảng khí hậu. Trước đó, ngành xây dựng chỉ tiếp cận khái niệm bền vững như một phương pháp thay thế “ít lãng phí hơn” cho những phương pháp xây dựng và thiết kế thông thường.
Tuy nhiên, với thế hệ kiến trúc sư ngày nay, “ít lãng phí hơn” là chưa đủ. Đối với họ, kiến trúc không nên cản trở quá trình vận hành và sự tiến hóa của hệ sinh thái. Kiến trúc nên đóng góp tích cực vào quá trình ấy và cải thiện môi trường, để cả con người và tự nhiên đều trở nên tốt hơn.
Kiến trúc sư Jurrian Knijtijzer, nhà sáng lập Finch Buildings – công ty kiến trúc có trụ sở tại Hà Lan nhận định, ở châu Âu, kiến trúc chịu trách nhiệm cho 36% lượng khí thải carbon, xuất phát từ khí phát thải từ sản xuất bê tông, sự lãng phí trong duy trì và vận hành các tòa nhà và vòng đời ngắn của nhiều công trình kiến trúc thông thường.
“Chúng ta xây dựng sai, vận hành sai và phá dỡ sai”, ông Knijtijzer chia sẻ với Tạp chí Kiến trúc Architectural Digest. Với lời khẳng định “chúng tôi tiêu cực với carbon”, ông đã điều hành Finch Buildings chuyển sang sử dụng thanh gỗ ép (CLT – một loại gỗ được đúc sẵn, có nguồn gốc bền vững và không cần đốt nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất) và hoàn toàn không sử dụng bê tông cho các công trình mà công ty đảm nhiệm xây dựng.
Không chỉ triệt để giảm thiểu lượng khí phát thải từ bê tông, công ty Finch Buildings cũng đặc biệt quan tâm đến vòng đời của công trình kiến trúc. Công ty này cung cấp một hệ thống mô-đun để kiểm soát việc đúc, ép và chế tạo gỗ CLT chính xác theo yêu cầu tùy chỉnh của khách hàng.
Đồng thời, hệ thống này cũng theo dõi và lưu trữ thông tin để kiểm soát chất lượng của các tòa nhà, cho phép tháo rời, thay thế từng bộ phận hoặc phá dỡ và tái chế toàn bộ. Hiểu một cách đơn giản, những tòa nhà xây dựng bằng gỗ CLT có thể được sửa chữa từng bộ phận để sử dụng lâu dài, hoặc tháo dỡ toàn bộ và tái chế vật liệu xây dựng để phục vụ cho công trình khác. Cách làm này không chỉ kéo dài vòng đời sử dụng của công trình, mà còn tránh lãng phí tài nguyên và hạn chế phát thải.
Tiếp cận kiến trúc bền vững theo một phương pháp khác, công ty Space & Matter, một công ty kiến trúc của Hà Lan được thành lập từ năm 2009 đã đề xuất một sáng kiến sáng tạo cho Amsterdam sau khi đọc được các báo cáo về lượng chất thải và khí thải khổng lồ từ việc phá bỏ các công trình xây dựng.
Khi thành phố Amsterdam chuyển sang sử dụng công nghệ tự động hóa cho hệ thống cầu bắc ngang kênh rạch, có nghĩa là không cần người điều khiển việc nâng cầu hay mở cầu mỗi khi có tàu thuyền đi qua, dẫn đến mạng lưới trạm điều khiển trở thành thừa thãi. Thay vì dỡ bỏ những trạm điều khiển này, công ty Space & Matter đã nảy ra sáng kiến cải tạo chúng trở thành những căn phòng khách sạn có tầm nhìn độc đáo.
Ý tưởng này đã được hiện thực hóa và trở thành mạng lưới khách sạn Sweets với 28 phòng rải khắp Amsterdam. Không chỉ giải quyết nhu cầu lưu trú của du khách khi đến với thành phố, ý tưởng này còn đem lại sức sống mới cho những trạm điều khiển bằng việc thay đổi thiết kế và tân trang theo phong cách hiện đại.
Kiến trúc giúp con người sống dài hạn cùng tự nhiên
Amsterdam là một thành phố cảng, đồng thời có hệ thống kênh rạch, đường thủy chằng chịt. Đương nhiên, thành phố này phải đối mặt thường xuyên với hiện tượng ngập lụt và thiếu diện tích đất ở. Để giải quyết vấn đề, thay vì cố chấp xây dựng hệ thống ngăn chặn dòng nước xâm nhập vào cuộc sống của con người, chính quyền Amsterdam đã lựa chọn sống chung với nó.
Nhà nổi ở Amsterdam là một nét văn hóa độc đáo, cũng đồng thời là sản phẩm thông minh của kiến trúc trên con đường tìm kiếm một phong cách sống hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Các kiến trúc sư Hà Lan đã xây dựng một chiến lược sống bền vững cho cộng đồng sống trong nhà nổi từ hệ thống chuyển đổi chất thải thành năng lượng, hệ thống hấp thụ nhiệt từ nước, hệ thống ứng phó với nước dâng… và nhiều hệ thống kỹ thuật xây dựng khác.
Schoonschip, cộng đồng 46 ngôi nhà trên mặt nước là một trong những dự án nhà nổi có tầm nhìn bền vững nhất Amsterdam. Đây là nơi sinh sống của khoảng 150 cư dân, trong đó có khoảng 40 trẻ em. Hệ thống nhà nổi được đặt trên 30 con tàu.
Bắt đầu xây dựng từ năm 2010 và chính thức hoàn thành vào năm nay, Schoonschip mất một thập kỷ để chứng minh sự thành công của mô hình kiến trúc thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án cung cấp những ngôi nhà được thiết kế khác nhau, cho phép chủ nhân sáng tạo và lựa chọn phong cách cho ngôi nhà của mình.
Điểm chung trong kiến trúc của những căn nhà nổi là chúng có mái nghiêng được lắp đặt hệ thống điện mặt trời, và được xây dựng bằng phương pháp xây dựng tiền chế – chế tạo các bộ phận tại nhà máy và lắp ráp chúng tại khu vực đã đăng ký. Bề rộng của nhà nổi không được vượt quá 6,5m theo quy định, do đó đồ nội thất cũng thuộc dạng tháo lắp linh hoạt để tiết kiệm không gian.
Hệ thống nhà được kết nối bằng một cây cầu tạo thành đường đi chung, cho phép cư dân kết nối, giao lưu với nhau. Hệ thống lưới năng lượng mặt trời toàn diện cũng đồng thời cho phép các gia đình chia sẻ năng lượng. Cùng với đó, các kỹ sư cũng ứng dụng công nghệ trao đổi nhiệt chìm cho phép điều chỉnh nhiệt độ của nước, xử lý nước thải để tạo ra năng lượng.
Tất cả công nghệ hiện đại được ứng dụng trong dự án nhà này đều hướng tới duy nhất một mục đích là tạo ra một vòng tròn phát triển cho cộng đồng cư dân, khi con người tiêu thụ toàn bộ những gì mình thải ra và không làm hại đến môi trường. Điều đó cũng có nghĩa là, con người có thể sống thoải mái cùng tự nhiên trong những căn nhà nổi hiện đại trên sông.
Những khu nhà nổi hiện đại giờ đây đã gia tăng số lượng và trở nên phổ biến ở Amsterdam và Rotterdam, hai thành phố nằm dưới mực nước biển của Hà Lan. Chính phủ Hà Lan cũng hỗ trợ cư dân sống trong nhà nổi bằng việc thay đổi luật sở hữu nhà, chuyển hạng mục nhà nổi thành nhà ở cố định chứ không phải tàu thuyền để rút ngắn thời gian xin giấy phép thi công.
Ông Marthijn Pool, đồng sáng lập công ty Space & Matter, công ty thiết kế và thi công một phần dự án Schoonschip chia sẻ trong một bài báo của tờ The Washington Post, rằng những căn nhà nổi tiết kiệm hàng tỷ đô cho thành phố về chi phí khắc phục hậu quả do lũ lụt.
Những công ty kiến trúc khởi xướng dự án Schoonschip như Space & Matter, Waterstudio cũng đã bắt đầu xuất khẩu ý tưởng nhà nổi sang các quốc gia và thành phố như New York (Mỹ), Bangladesh, Male (Maldives), các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất…
Không thể phủ nhận, những căn nhà nổi cùng với hệ thống vòng tròn năng lượng đã trở thành một giải pháp hiệu quả giúp con người sống hòa đồng cùng thiên nhiên với tiêu chí cả 2 bên cùng có lợi.
Chính phủ Hà Lan không chỉ vạch đường cho kiến trúc bền vững phát triển tại Amsterdam, mà còn có kế hoạch biến thành phố này thành thành phố trung hòa carbon vào năm 2050. Tầm nhìn toàn diện của chính phủ đặt ra với Amsterdam là thực hiện “không carbon” và “vòng tròn bền vững” với tất cả lĩnh vực và hạng mục quy hoạch như giao thông vận tải, xử lý chất thải, không gian công cộng, trường học,… đồng thời xây dựng nền kinh tế tuần hoàn bền vững giai đoạn 2025 – 2030.
Có thể rút ra, ở Amsterdam, mọi mâu thuẫn giữa kiến trúc và môi trường đều có một hoặc nhiều cách giải quyết để con người, kiến trúc, năng lượng và tự nhiên nằm trong một vòng tròn phát triển tuần hoàn, có trình tự và có lợi cho các bên. Vòng tuần hoàn đó chính là giá trị cốt lõi của phát triển bền vững, giúp con người được sống trong một thế giới an toàn cùng với môi trường thiên nhiên./.