Chuyện mua điện giá 0 đồng!

Chuyện mua điện giá 0 đồng!

Bộ Công Thương cho rằng, nếu tiếp tục phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời không theo quy hoạch, có thể dẫn tới hệ lụy, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia.

tm-img-alt

Những ngày gần đây, công luận lại nổi sóng về chuyện dùng điện. Không như khoảng những ngày này năm ngoái là chuyện cấp điện phập phù khi trời nóng như thiêu đốt, năm nay là ồn ã bởi lời tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên rằng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua điện mặt trời mái nhà của người dân với giá 0 đồng(?!).

Hoàn toàn đúng với ngôn ngữ của chuyên ngành thương mại, không thể dùng những từ phi tiền bạc, như tặng, hiến, cho… mà phải là những từ như mua, bán, tạm ứng, bù trừ… cho dù nó là 0 đồng.

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nhằm mục đích tự sử dụng, tự cung tự cấp cho nhu cầu của chính mình, giảm bớt mua điện từ hệ thống điện quốc gia, giảm áp lực cho hệ thống điện.

Để hiểu được vì sao giá 0 đồng, ông Diên cho rằng, chúng ta cần đặt ngược lại vấn đề “Nếu cho phép phát điện điện mặt trời mái nhà được mua bán điện thì điều gì sẽ xảy ra?”. Ông Diên khẳng định, sẽ gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt sẽ dẫn tới tình trạng mất cân đối nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, mất an toàn lưới điện.

Ông còn khẳng định: “Điều này dẫn đến thay đổi, tăng giảm nhanh của hệ thống, khiến nguồn điện chạy nền không ổn định. Nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà, thì vô hình trung chúng ta cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách, bởi đối tượng này không phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành”…

Chuyện mua điện giá 0 đồng!

Câu hỏi được đặt ra: Một khi EVN quay lưng với người dân trong việc sản xuất điện mặt trời, liệu có khi nào, EVN cần lại họ không?

Thực ra, việc EVN lúng túng với sản xuất và kinh doanh điện mặt trời đã xảy ra từ năm 2021 khi EVN dự kiến sẽ cắt giảm 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo, trong khi gánh nặng tiền vay ngân hàng ở lĩnh vực này lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Mà điện năng là một mặt hàng rất oái oăm, phát ra là phải dùng, không dùng là vứt đi, cho không ai nhận, tặng không ai lấy. Không có người dùng sản phẩm của mình, cả nhà máy điện khổng lồ sẽ trở thành một đống rác thải.

Kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển dự án điện mặt trời, trong đó yêu cầu EVN có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đ/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/KWh), dòng tiền đầu tư chảy vào lĩnh vực này mãnh liệt chưa từng có.

Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ mới đến năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019. Về tín dụng, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời.

Tại sao lại xuất hiện một làn sóng đầu tư như xuất hiện một cơn sóng thần chỉ trong một thời gian ngắn như vậy?

Nguyên nhân cũng dễ hiểu, trước đó ít lâu, một thông tin “khủng” được phát đi đã làm chấn động giới đầu tư năng lượng toàn cầu: Vương quốc Dubai (thuộc Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất – UAE) vừa thiết lập kỷ lục thế giới mới về giá điện mặt trời. Công ty Dubai Electricity and Water Authority (DEWA) đã nhận được mức bỏ thầu cho dự án Nhà máy điện Mặt trời Sheikh Maktoum Solar Park Phase III với mức giá thấp kỷ lục, chỉ 3,00 US cent/KWh (tương đương 666 VNĐ) cho mỗi KWh điện.

Tại thời điểm mở thầu, DEWA chỉ dự định cho một cơ sở sản xuất 200 MW điện xoay chiều, nhưng với kết quả này, trong những giai đoạn tiếp theo, dự án đang có tiềm năng trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới với công suất 800 MW.

Kỷ lục này đã mở toang cánh của không chỉ trong nhận thức mà dự báo cả trong làn sóng đầu tư trong tương lai của loài người về lĩnh vực năng lượng mặt trời. Nó chắc chắn sẽ làm chấn động không chỉ ở những nước giàu có mà ngay với Việt Nam, một quốc gia đang có nguồn tài nguyên vô hạn trong lĩnh vực này.

Có lẽ mức chênh lệch giá điện mặt trời kia đã khiến các dự án đầu tư trong lĩnh vực này bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian ngắn chưa từng thấy. Chẳng thế mà xuất hiện một con số kinh hoàng, chỉ tính riêng năm 2020, vốn trái phiếu huy động cho các dự án điện mặt trời lên đến 29.900 tỷ đồng, tăng 254% so với năm 2019!

Nay EVN từ chối mua một phần công suất điện của các dự án điện mặt trời cũng có những lý do của mình. Trong 1,3 tỷ KWh điện năng lượng tái tạo bị cắt giảm trong năm 2021 có hơn 500 triệu KWh cắt giảm do thừa nguồn điện mặt trời vào buổi trưa và quá tải đường dây 500 KV.

Cũng có ý kiến cho rằng, EVN vốn chẳng mấy mặn mà với năng lượng tái tạo này vì “thiệt đơn thiệt kép”, vừa phải mua điện với giá cao được áp đặt từ trên xuống, vừa phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu nối điện, vừa phải tốn nhân công để theo dõi, kiểm ta, xem xét và thanh toán tiền điện cho “đối thủ cạnh tranh”… Vì thế, mọi động lực đối với bản năng sinh tồn của bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ bị triệt tiêu.

Đấy là chuyện nội tại của EVN, còn bản thân việc sản xuất điện trên mái nhà cũng có những nhược điểm “phập phù” bất khả kháng mà nhiều nước có nền kinh tế phát triển cũng đau đầu vì nó. Chính quyền bang California (Mỹ) hện đang khốn khổ vì điện mặt trời mái nhà bị dư thừa.

Chuyện mua điện giá 0 đồng!
Những ngôi nhà phủ đầy pin mặt trời ở California. Ảnh: Adobe

Tờ Washington Post cho hay, bang California đầy nắng, pin mặt trời có ở khắp mọi nơi. Chúng nằm giữa sa mạc khô cằn ở vùng Central Valley và không hiếm trên những mái nhà ở trung tâm đô thị Los Angeles.

Theo tính toán mới nhất, California có gần 47 GW công suất điện mặt trời lắp đặt, đủ để cung cấp cho 13,9 triệu hộ gia đình và đáp ứng hơn 1/4 lượng điện ở bang. Nhưng hiện nay, chính quyền bang và đơn vị vận hành lưới điện đang vật lộn với tình thế kỳ quặc.

Quá nhiều điện mặt trời vào những ngày nắng khi nhu cầu không quá cao dẫn tới giá điện âm (!). Có nghĩa là có cho không cũng không ai lấy!

Cách đây hơn 15 năm, nhóm nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia lập mô hình điện mặt trời phổ biến trong tương lai và nhận ra điều kỳ lạ. Khi có nhiều điện mặt trời trong lưới điện, chênh lệch giữa như cầu về điện và năng lượng tái tạo có hình chữ U.

Nhu cầu cao vọt vào buổi sáng sẽ bị thay thế bởi nhu cầu gần như bằng 0 vào buổi trưa, khi điện mặt trời có thể sản xuất tất cả lượng điện mà người dân cần. Sau đó, khi mặt trời lặn, nhu cầu lại tăng vọt lần nữa. Để xử lý, California ngừng khuyến khích lắp pin mặt trời trên mái nhà và giảm tốc độ lắp đặt…

Trở lại vấn đề của Việt Nam, khi tỷ lệ điện mặt trời hiện còn đang rất khiêm tốn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia thì đã cần “phanh gấp” như hiện nay chưa?

Theo Bộ Công Thương, mục đích phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua cũng chủ yếu là bán điện cho EVN, không nhằm mục đích tự sử dụng, tự sản tự tiêu. Nguồn điện này lại phát triển không đồng đều, tập trung quá nhiều ở vùng có nhu cầu điện thấp, gây nên sự mất cân đối trong điều độ, vận hành hệ thống điện và ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng, nếu tiếp tục phát triển nóng các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời không theo quy hoạch, có thể dẫn tới hệ lụy, phá vỡ quy hoạch và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện quốc gia.

Ai cũng hy vọng rằng nguyên nhân trên đây sẽ không phải là chiếc bình phong che lấp những khiếm khuyết trong hạ tầng và những yếu kém trong quản lý vận hành của EVN.

Tại cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam “thông cảm” với việc EVN chưa tính toán được toàn bộ lợi ích, chi phí và các hệ lụy của việc các hộ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bán điện vào lưới và “ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng” với Bộ Công Thương

Ông bày tỏ quan điểm, “giá 0 đồng” là có tính chất thận trọng, tạm thời, chống trục lợi chính sách trong khi chưa có những kinh nghiệm thực tế áp dụng và cho rằng, cần có quy định về thời gian áp dụng mức giá 0 đồng này, nên chăng chỉ ở giai đoạn 3 năm từ 2024 – 2027, còn sau năm 2027 cần có cơ chế giá khác trong bối cảnh đang rất cần bổ sung thêm nguồn điện – điện mặt trời mái nhà là nguồn điện có thể triển khai nhanh.

Có một ý kiến rất đáng chú ý khi phản biện lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà, thì vô hình trung chúng ta cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách” thì cũng phải chống tình trạng “trục lợi chính sách” có thể xảy ra khi EVN được mua điện giá 0 đồng nhưng lại bán với giá kinh doanh để thu lợi!

Còn với câu hỏi được đặt ra: “Một khi EVN quay lưng với người dân trong việc sản xuất điện mặt trời, liệu có khi nào, EVN cần lại họ không?” thì mong rằng EVN hãy tự cân nhắc bởi lẽ từ xưa đến nay, mọi việc có xu hướng quay lưng với người dân luôn luôn là điều cấm kỵ!

Có một ý kiến rất đáng chú ý khi phản biện lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Nếu cho phép mua bán điện mặt trời mái nhà, thì vô hình trung chúng ta cổ súy cho tình trạng trục lợi chính sách” thì cũng phải chống tình trạng “trục lợi chính sách” có thể xảy ra khi EVN được mua điện giá 0 đồng nhưng lại bán với giá kinh doanh để thu lợi.

Nguyễn Hoàng Linh 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích