Chuyên gia Úc chỉ ra những loại rau tốt nhất mọi thời đại, Việt Nam có loại rau đứng đầu bảng

Đầu năm 2025, báo Úc The Sydney Morning Herald đăng tải một bài viết liệt kê danh sách 10 loại rau tốt nhất mọi thời đại. Mở đầu bài viết, Susie Burrell, một trong những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Úc, viết: “Hầu hết mọi người đều hiểu rằng rau tốt cho sức khỏe và do đó chúng ta nên ăn nhiều rau hơn. Nhưng tại Úc, chưa đến 1/10 người Úc ăn đủ rau theo lượng khuyến cáo. Do đó, hầu hết chúng ta sẽ được hưởng lợi từ việc tăng lượng rau tiêu thụ”.
Theo vị chuyên gia, tất cả thực phẩm tươi đều tốt cho chúng ta, nhưng 10 loại rau trong danh sách này chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu đến mức chúng được ví như siêu thực phẩm. Vì vậy, nếu sức khỏe là điều bạn quan tâm, thì đây là những loại rau nên bổ sung.
Trong danh sách 10 loại rau tốt nhất mọi thời đại, có rất nhiều loại rau quen thuộc với người Việt Nam, ví dụ như cải xoong (xếp thứ 10), bắp cải tím (8), bông cải xanh (7), rau chân vịt (5), cà rốt (4). Và loại rau đứng thứ nhất cũng không hề xa lạ với chúng ta, đó chính là cải xoăn (hay còn được gọi là cải kale).
Chuyên gia dinh dưỡng Susie viết: “Thường được chú ý vì thành phần dinh dưỡng phong phú, cải xoăn đặc biệt giàu vitamin K, kali và folate, và chứa rất ít calo. Cải xoăn là một loại rau họ cải, cùng họ với bắp cải và bông cải xanh. “Nhóm rau xanh này thường được coi là siêu thực phẩm do chứa các phân tử chống ung thư mạnh mẽ với hàm lượng cô đặc, được biết đến là giúp bảo vệ các tế bào của cơ thể khỏi bị tổn thương”.

Rau cải xoăn được đứng đầu danh sách các loại rau tốt nhất thế giới. Ảnh minh họa
Mặc dù cải xoăn có thể có vị đắng, nhưng vẫn có thể thưởng thức cải xoăn tươi trong hỗn hợp salad trộn với dầu giấm để giảm bớt vị khó chịu, chuyên gia gợi ý. Ngoài ra, bạn cũng có thể nướng cải xoăn với dầu ô liu nguyên chất và một ít muối để có những lát rau giòn và bổ dưỡng.
Cải xoăn là loại rau không hề xa lạ ở Việt Nam có thể dễ dàng tìm thấy loại rau bổ dưỡng này tại các siêu thị, chợ dân sinh. Cải xoăn có nguồn gốc từ phương Tây, ban đầu chủ yếu được trồng ở Đà Lạt. Sau đó, một số địa phương vùng cao có khí hậu mát mẻ cũng bắt đầu trồng cải xoăn, giúp nông dân thu lãi trăm triệu trên một ha.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện trồng cải xoăn của thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Năm 2017, ngành nông nghiệp Bắc Hà đã nhập giống cải xoăn về trồng thí điểm thành công. Nhận thấy đây là giống cải cho giá trị kinh tế cao, nông dân Bắc Hà đã từng bước nhân rộng diện tích.
Hiện tại, trên địa bàn thị trấn và các xã Na Hối, Tà Chải, Bản Phố, loại rau này đã được trồng khá phổ biến. Qua hơn nhiều năm phát triển, mô hình trồng cải xoăn đã khẳng định thích hợp với đồng đất vùng cao Bắc Hà. Đặc biệt, cải xoăn còn cho giá trị kinh tế cao, cây trồng 1 lần có thể thu hoạch lâu dài, mỗi ha lãi gần 200 triệu đồng.
Dù tốt cho sức khỏe nhưng theo thông tin từ Dược Phẩm FPT Long Châu, do trong cải xoăn có nhiều vitamin K giúp thúc đẩy quá trình đông máu. Vì vậy, đối với những người đang dùng thuốc chống đông máu như bệnh nhân tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn cải xoăn.
Cải xoăn là những thực phẩm chứa nhiều kali nên không tốt cho người bị bệnh thận. Thận bị suy yếu nên không thể loại bỏ lượng kali dư thừa ra khỏi máu có thể gây tử vong nếu lượng kali trong máu vượt quá mức cho phép.
Nếu có vấn đề về tuyến giáp, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cải xoăn. Vì cải xoăn có chứa thiocyanate, gây cản trở cơ thể hấp thụ i-ốt. Khi cơ thể thiếu i-ốt, tuyến giáp không thể hoạt động bình thường có thể dẫn đến suy giáp.
Ngoài ra do cải xoăn có hàm lượng vitamin C rất cao, thậm chí nhiều hơn lượng vitamin C trong cam. Nếu dùng quá nhiều cải xoăn có thể bị thừa vitamin C, gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi ở phụ nữ mang thai. Do đó, muốn sử dụng cải xoăn khi mang thai, bà bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Do đó nên sử dụng cải xoăn với liều lượng vừa đủ và phù hợp với để đảm bảo cơ thể nhận được toàn bộ chất dinh dưỡng nhưng vẫn không gây ra tác dụng phụ. Không nấu cải xoăn quá lâu hoặc ở nhiệt độ quá cao vì sẽ mất hết chất dinh dưỡng trong rau. Khi chế biến thêm một chút dầu ô liu, muối và tiêu để tăng thêm hương vị, không chọn lá già để chế biến thức ăn vì sẽ có vị đắng và dai.
Nguy cơ cải xoăn gây dị ứng không cao tuy nhiên, những người bị dị ứng với các loại cải khác thì không nên ăn cải xoăn. Các triệu chứng dị ứng thường gặp là ngứa, sưng phù, nổi mề đay, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, khó chịu trong miệng,… Nếu bạn gặp các triệu chứng nghiêm trên hoặc các triệu chứng này không biến mất trong một thời gian dài, hãy đi khám bác sĩ.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12827:2023 truy xuất nguồn gốc rau quả tươi
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc. Áp dụng cho các biện pháp truy xuất nguồn gốc từ cơ sở trồng trọt ban đầu đến cơ sở bán lẻ hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (truy xuất nguồn gốc bên ngoài) và điểm bán lẻ cho người tiêu dùng, để hỗ trợ các sự kiện theo dõi trọng yếu (CTE) như thu hoạch, đóng gói (đóng gói lại) sản phẩm, vận chuyển, tiếp nhận hàng, sơ chế và bán hàng.
Xem xét các biện pháp truy xuất nguồn gốc bắt đầu từ cơ sở trồng trọt; Áp dụng cho tất cả các sản phẩm rau quả tươi dùng làm thực phẩm; Áp dụng cho mọi cấp độ được định danh đơn nhất bao gồm sản phẩm ban đầu hoặc thương phẩm (ví dụ: hộp/thùng cac-tông, vật phẩm tiêu dùng), đơn vị logistic (ví dụ: thùng hàng, công-ten-nơ); Bao gồm tất cả các bên tham gia chuỗi cung ứng: cơ sở trồng trọt, cơ sở đóng gói/cơ sở đóng gói lại, nhà phân phối, nhà bán buôn, cơ sở bán lẻ và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi chuỗi cung ứng có thể được tạo thành từ một số hoặc tất cả các bên nêu trên.
Mô hình chuỗi cung ứng rau quả tươi nêu trong tiêu chuẩn này là mô hình ứng dụng hệ thống GS1 (GS1 là một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận phát triển và duy trì các tiêu chuẩn riêng của mình cho mã vạch và các tiền tố công ty phát hành tương ứng) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đáp ứng các yêu cầu theo tiêu chuẩn trên thì theo quy định hiện nay, muốn lưu hành sản phẩm từ rau, củ, quả ra thị trường doanh nghiệp cần phải xét nghiệm và công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP do Bộ Y tế ban hành để đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường. Do đó kiểm nghiệm rau củ quả trái cây tươi là khâu quan trọng bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Ngoài ra, việc kiểm nghiệm các sản phẩm từ rau, củ, quả phải tiến hành định kỳ 06 tháng/lần đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ rau, củ, quả nhằm kiểm soát chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đối với người tiêu dùng kiểm nghiệm rau củ quả nhằm đánh giá mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm giúp cho người tiêu dùng an tâm với sự lựa chọn của mình, ngăn chặn vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa ra thị trường.
Vân Thảo (T/h)