Chuyên gia nói gì về thông tin hàng nghìn cú sét đánh xuống Hà Nội sáng nay?

Chuyên gia nói gì về thông tin hàng nghìn cú sét đánh xuống Hà Nội sáng nay?

Theo số liệu quan trắc sét từ mạng lưới định vị sét quốc gia, sáng 5/6, mưa lớn tại khu vực Hà Nội đã kèm theo hơn 7.000 lượt sét đánh xuống mặt đất.

Vào sáng sớm ngày 5 tháng 6, Hà Nội đã trải qua một trận mưa lớn trên diện rộng kèm theo dông sét tại nhiều khu vực. Ngay lập tức, một số trang mạng đưa tin rằng Hà Nội đã phải chịu 454 lần sét đánh trong vòng 10 phút. Thông tin này sau đó được một số trang báo dẫn lại. Thậm chí, có trang báo còn ước tính tổng số lần sét đánh tại khu vực Hà Nội lên đến 7.000 lần.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Đức Phương – Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia (thuộc Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường).

tm-img-alt
Ông Nguyễn Đức Phương – Trưởng phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia (thuộc Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Ông Phương cho biết, hiện nay mạng lưới định vị sét của Việt Nam có 18 trạm định vị sét. Mạng lưới định vị sét này được kết nối với hệ thống định vị sét quốc tế. Mạng lưới định vị sét của nước ta hiện nay được thiết kế để phát hiện, định vị, phân tích, hiển thị, lưu trữ và phân phối số liệu theo thời gian thực các sự kiện sét trong mây và xuống mặt đất (CG) và trong mây (IC).

Với mạng lưới các đầu đo hiện tại thì khoảng cách mà các đầu đo có thể phát hiện được sét trong dải từ 400-600km. Như vậy ngoài khu vực đất liền của Việt Nam thì các trạm định vị sét có thể phát hiện cả sét trên biển và khu vực gần biên giới của các nước lân cận Việt Nam.

Theo ông Phương, với một khoảng không gian rộng như trên thì việc thống kê được 400 cú sét đánh xuống đất là trong vòng 10 phút là hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, nếu thông kê cho khu vực, thì chúng ta cần chọn khu vực (theo kinh vĩ độ) để xác định số lượng sét xảy ra tại khu vực đó trong khoảng thời gian nhất định.

“Theo thống kê nhanh của chúng tôi từ 6 giờ đến 9 giờ tại khu vực Hà Nội và một phần lãnh thổ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên (dải mây gây ra sét trong sáng nay) cho thấy, từ 7h đến 8 giờ (thời điểm nhiều dông sét nhất) có tới 2855 cú sét. (chia trung bình ra 10 phút có 475 cú sét đánh xuống đất tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận). Có thời điểm trong 1 giây có tới 10 cú sét được ghi nhận (lúc 8 giờ 25 phút 47 giây)” – ông Phương phân tích.

tm-img-alt
Ảnh: Internet

Trưởng Phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết thêm, hiện tại, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia đang vận hành hệ thống mạng lưới phát hiện, định vị, sét hiển thị website: hymetnet.gov.vn. Trang web này có thể thực hiện việc theo dõi liên tục các thông tin về sét và rada thời tiết. Người dân có thể theo dõi các cảnh báo nguy cơ sét trên trang web và các vùng cảnh báo phản hồi vô tuyến mây của rada thời tiết. Người dân có thể tham khảo để có thể phòng, tránh các rủi ro do do dông sét gây ra.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Phòng Rada thời tiết, Trung tâm Mạng lưới KTTV quốc gia còn đưa ra thống kê một số đợt dông sét khác tại khu nam Đồng bằng bắc bộ (trọng tâm tại các tỉnh Nam Định , Thái Bình, Hà Nam) và tại Yên Bái từ 15 giờ đến 18h ngày 19/5/ 2024. Từ đó cho thấy, với số lượng sét như vậy (475 cú/10 phút) tại khu vực Hà Nội vào sáng 5/6 là hoàn toàn bình thường khi so sánh với 2 đợt  ở 2 khu vực trên.

“Đặc biệt khi so sánh với số liệu từ 16 đến 17h ngày 19/5/2024 tại khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ có đến 3.040 cú sét/10 phút. Hiện tại từ 12h đến 13gio ngày 5/6/2024 tại khu vực biển Quảng Ninh gần Vịnh Hạ Long cũng có 1.866 cú sét đánh xuống đất. Trung bình là 311 cú /10 phút” – ông Phương nhận định.

Các chuyên gia khuyến cáo, dông sét là hiện tượng phóng điện giữa đám mây dông tích điện xuống mặt đất. Để phòng tránh dông, sét, người dân cần tránh xa các đồ dùng điện, các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết; rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông.

Người dân khi ở ngoài trời, nếu không tìm được chỗ trú ẩn, phải tránh xa các cây cao, không đứng ở đỉnh đồi, ở các vùng đất trống trải, không đứng, ngồi cạnh cột điện hoặc đường dây tải điện, đồng thời vứt bỏ các vật dụng kim loại trong người.

Trong trường hợp người dân đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai… Nếu ở trong rừng, người dân cần tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh; không đứng thành nhóm người gần nhau…

Sấm sét thường xuất hiện nhiều trong giai đoạn đầu mùa mưa, sau một thời gian nắng nóng, khô hạn. Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á – một trong ba tâm dông trên thế giới, có hoạt động dông sét mạnh. Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày dông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới 2 triệu cú sét. Tần suất sét lớn hơn ở vùng núi, vùng trung du phía Bắc và đồng bằng Nam Bộ…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích