Chuyên gia khuyến cáo và hướng dẫn cách dùng bã cà phê tẩy tế bào chết giúp da mịn màng
Lưu ý khi dùng bã cà phê tẩy tế bào chết
Dược sĩ Đỗ Xuân Hòa, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bã cà phê sau khi chế biến có thể thoa trực tiếp lên da như một cách chăm sóc da. Phần bã này chứa nhiều hợp chất alkaloid, caffeine, magie, sắt, axit, có công dụng loại bỏ tế bào da chết, xóa thâm, làm trắng, dưỡng da, giảm mụn trứng cá và quầng thâm mắt… Kết hợp cà phê với một số nguyên liệu khác như dầu dừa, sữa tươi, sữa chua, đường trắng, dầu ô liu, mật ong để tăng hiệu quả.
Theo dược sĩ Hòa, tẩy tế bào chết bằng bã cà phê còn đem đến nhiều công dụng như cải thiện lưu thông máu. Đây là cách tác động nhẹ nhàng để làm sạch và kích thích lưu thông máu, giúp da khỏe mạnh, hồng hào hơn. Bã cà phê giàu thành phần axit chlorogenic và melanoidin có tác dụng giảm sưng, kháng viêm nhanh chóng.
Tẩy tế bào chết bằng bã cà phê kích thích sự phát triển của tế bào, dưỡng ẩm và tăng độ đàn hồi cho da. Bã cà phê kết hợp cùng các nguyên liệu khác như dầu dừa, sữa chua, muối, mật ong… có thể làm đều màu và mịn da, cải thiện tình trạng thâm nám. Bã cà phê còn cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết để tăng sức đề kháng, kích thích sản sinh collagen, làm đều màu và nâng cao độ đàn hồi, khắc phục tình trạng rạn da.
Cà phê chứa chất oxy hóa dồi dào, kể cả khi uống hay thoa bã cà phê lên da. Chúng có khả năng chống lại các gốc tự do, tăng độ đàn hồi và giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, thâm nám, tàn nhang.
Sử dụng bã cà phê tẩy tế bào chết phải đúng cách để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Ảnh minh họa
Cải thiện chứng cellulite- đây là tình trạng các mô mỡ dưới da bị phình khiến cho bề mặt da vùng mặt, mông, đùi và bụng bị sần sùi. Dùng bã cà phê kết hợp với massage giúp làm giãn các mạch máu dưới da, kích thích lưu thông máu và da mềm mịn hơn.
Hàm lượng caffeine cùng các hợp chất methylxanthine giúp lợi tiểu, giảm phù nề và loại bỏ nước dư thừa ở các vùng mô bị sưng. Bên cạnh đó, cafe giúp lưu thông máu, loại bỏ tình trạng sưng phù. Sử dụng bã cà phê kết hợp với một số nguyên liệu tự nhiên khác giúp lưu thông máu quanh mắt và chống lại các gốc tự do để mắt bớt thâm quầng và xuất hiện nếp nhăn.
Các chất chống oxy hóa sẽ giúp phục hồi làn da bị tổn thương, loại bỏ tế bào chết gây xỉn màu. Các chất chống viêm sẽ ức chế sự sưng tấy của các mô và vùng da bị bong tróc, tăng cường lưu thông máu giúp làn da luôn mịn màng, trắng sáng.
Sử dụng cà phê để tẩy tế bào chết là cách giúp da mịn màng là lựa chọn của khá nhiều chị em. Bởi tẩy da chết là một bước chăm sóc da quan trọng trong quy trình dưỡng da. Sau khi loại bỏ tế bào da chết và những tạp chất bám sâu trên da, thì các quy trình chăm sóc tiếp theo sẽ khiến da hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Xong theo dược sĩ Hòa lưu ý làm đẹp, tẩy tế bào da chết bằng bã cà phê khá an toàn nhưng hiệu quả có thể chậm, cần thực hiện ít nhất trong vài tuần. Phụ nữ có thể áp dụng 1-2 lần mỗi tuần, tránh cọ xát quá mạnh gây tổn thương bề mặt da thậm chí còn gây xạm nám nhiều hơn. Phái đẹp cũng nên bổ sung thêm các tinh chất thiên nhiên như L-Glutathione, sakura (chiết xuất hoa anh đào Nhật Bản), pomegranate (chiết xuất quả lựu đỏ Địa Trung Hải), white peony (chiết xuất hoa mẫu đơn trắng), P. leucotomos (chiết xuất dương xỉ) và collagen peptide… Chúng có khả năng tác động đến tế bào da, giúp da sáng mịn.
Trong cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa như acid hydrocinnamic và polyphenol. Các chất này rất hiệu quả trong việc trung hòa các gốc tự do và ngăn ngừa stress oxy hóa nhưng không nên sử dụng bột cà phê mà chỉ nên dùng bã cà phê để làm nguyên liệu. Cần sử dụng cà phê sạch, rang nguyên chất, không trộn lẫn với bơ hoặc các tạp chất khác.
Các phương pháp tẩy da chết bằng bã cà phê hiệu quả
Kết hợp bã cà phê và sữa chua: Trong thành phần của sữa chua chứa nhiều vitamin A, vitamin E, vitamin nhóm B,… giúp tăng cường độ ẩm và ngăn ngừa lão hóa da. Vì thế, bạn có thể kết hợp sữa chua với bã cà phê để tạo thành hỗn hợp tẩy da chết an toàn, ít bị kích ứng, dị ứng. Cách tẩy da chết bằng bã cà phê và sữa chua cực kỳ đơn giản. Đầu tiên cho 1/2 chén bã cà phê và 1/2 hộp sữa chua không đường vào chén. Sau đó trộn đều lên tạo thành một hỗn hợp dạng sệt. Tiếp theo vệ sinh toàn thân sạch sẽ bằng nước và lau khô bằng khăn sạch. Kế tiếp nên thoa đều hỗn hợp cà phê và sữa chua lên toàn thân, kết hợp massage nhẹ nhàng. Cuối cùng, bạn tắm lại bằng nước sạch.
Hỗn hợp dầu dừa và cà phê: Bã cà phê và dầu dừa khi kết hợp với nhau cũng tạo thành một hỗn hợp tẩy da chết toàn thân hiệu quả và an toàn. Bã cà phê giúp làm sạch da, giúp lỗ chân lông hạn chế bít tắc, còn dầu dừa sẽ cấp ẩm và vitamin giúp nuôi dưỡng da, giảm hình thành sắc tố Melanin. Nhờ đó, sau khi tẩy tế bào chết, làn da toàn thân sẽ sáng mịn và mềm mượt hơn.
Tẩy da chết bằng bã cà phê và đường nâu: Đường nâu có hàm lượng chứa nhiều Acid Glycolic và Acid Alpha-Hydroxy nên thường được dùng nhiều làm thành phần của các sản phẩm chăm sóc da, trong đó có các sản phẩm tẩy tế bào chết. Vì thế, nếu kết hợp bã cà phê cùng với đường nâu, thì cũng sẽ có một hỗn hợp tẩy da chết an toàn, hiệu quả.
Đầu tiên cần trộn đều 1 chén bã cà phê cùng với 1/2 chén đường nâu. Sau khi tắm rửa như bình thường thoa đều hỗn hợp vừa trộn lên toàn thân, đừng quên massage nhẹ nhàng để loại bỏ da chết, đồng thời thúc đẩy tuần hoàn máu. Cuối cùng, tắm lại với nước ấm.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13836:2023 cà phê và sản phẩm cà phê – Xác định cỡ hạt cà phê rang xay
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này để đưa các phương pháp phân tích cỡ hạt của cà phê rang xay (cà phê bột) bằng phương pháp lắc ngang sử dụng sàng có chổi tròn để giảm thiểu hạt bị tắc, kết vón và kết dính. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc chung liên quan đến thiết bị, cách tiến hành và biểu thị kết quả. Phương pháp này có thể áp dụng cho cà phê rang xay có cỡ hạt trong dải từ 150 μm đến 2 μm.
Về nguyên tắc tiêu chuẩn này hướng dẫn việc tách mẫu cà phê rang xay bằng máy sàng ngang có chổi tròn trên từng sàng thử nghiệm để có được phép phân tích đáng tin cậy.
Sử dụng phương pháp lấy mẫu sao cho mẫu thu được mẫu đại diện báo cáo kết quả theo ISO 9276-1, ISO 9276-2, ISO 9276-3 hoặc ISO 9276-4.
Quá trình báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau: Bất kỳ thông tin cần thiết để nhận biết về mẫu (kiểu, xuất xứ và tên gọi của mẫu); ngày và kiểu quy trình lấy mẫu (nếu biết); ngày nhận mẫu; ngày thử nghiệm; các kết quả thử nghiệm và các đơn vị biểu thị kết quả cũng như thông tin thống kê về độ chính xác của các kết quả này, nếu được yêu cầu; bất kỳ phát hiện đặc biệt được thực hiện trong quá trình thử nghiệm; bất kỳ thao tác nào của quy trình không được quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được coi là tùy chọn, có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Vân Thảo (T/h)