Chuyên gia khuyến cáo cấp cứu và phòng ngừa ngạt khói do hỏa hoạn
Chuyên gia khuyến cáo cấp cứu và phòng ngừa ngạt khói do hỏa hoạn
Có những phản ứng nhanh chóng, chính xác sẽ giúp hạn chế tối đa thương vong, đồng thời mang đến cơ hội sống sót cao hơn trong các trường hợp khẩn cấp. Dưới đây là khuyến nghị bởi các chuyên gia.
Nên làm gì để tránh hít phải khói trong trường hợp có hỏa hoạn?
Trong trường hợp bị mắc kẹt ở khu vực xuất hiện hỏa hoạn, việc suy nghĩ và đưa ra quyết định nhanh chóng sẽ giúp ngăn ngừa, giảm thiểu hậu quả, đặc biệt là tử vong. Để ngăn ngừa nguy cơ tổn thương phổi và ngộ độc khói có thể dẫn đến tử vong, hãy thực hiện các bước sau:
1. Hành động ngay khi cảm thấy nguy hiểm xuất hiện. Đầu tiên là tìm kiếm các lối thoát hiểm gần đó nhất.
2. Ưu tiên tìm kiếm một lối thoát thay vì tìm một nơi an toàn trong nhà và tự nhốt mình trong đó.
3. Ngồi, nằm, thậm chí là bò dưới sàn để tránh khí độc khi khói và khí độc bốc lên.
4. Lấy một mảnh vải hoặc một chiếc khăn lớn, hay quần áo lớn bất kỳ, tẩm ướt và che mũi, miệng. Nước sẽ giúp lọc phần nào các loại khí độc, hỗ trợ việc giảm hít phải khí độc.
5. Tránh các khu vực cháy dữ dội, định hình rõ ràng các khu vực cháy để có thể báo cáo cho lực lượng hỗ trợ khi có thể.
6. Trong trường hợp bị mắc kẹt trong phòng, hãy đóng cửa lại để ngăn khói xâm nhập và lót khoảng trống xung quanh khung cửa bằng vải ướt hoặc băng dính để hạn chế khói xâm nhập. Sau đó, tìm cách liên hệ với cứu hộ.
7. Nếu quần áo bắt lửa, dùng nước dập nếu có thể, hoặc lăn trên sàn nhà cho cho đến khi ngọn lửa được dập tắt.
Cần làm gì sau khi thoát khỏi đám cháy?
Khi đã rời khỏi đám cháy, hãy báo cho nhân viên y tế hoặc những người có mặt tại hiện trường. Ưu tiên hàng đầu sẽ là giảm mức độ carboxyhaemoglobin (CO-Hem) trong máu. Vì vậy, việc sử dụng mặt nạ oxy hỗ trợ có thể được áp dụng để đảm bảo lưu lượng oxy trong máu. Nếu chưa có lực lượng hỗ trợ, nhanh chóng di chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Trong trường hợp gặp phải tình trạng bỏng hay chấn thương, cần có người hỗ trợ đến các cơ sở y tế.
Ngoài ra, việc sơ cứu cho người bị nạn cũng cần được lưu tâm nếu đang trong trạng thái đủ điều kiện sức khỏe, giúp tăng khả năng sống sót cho người bị nạn xung quanh. Các bước bao gồm:
1. Đưa người bị nạn ra khỏi hiện trường, đến vị trí có nhiều không khí.
2. Hãy chắc chắn rằng việc cứu trợ sẽ không đặt bản thân vào trạng thái nguy hiểm trước, khi cố gắng kéo ai đó khỏi hiện trường. Trong trường hợp quá nguy hiểm, hãy đợi sự giúp đỡ từ các đội cứu hộ chuyên nghiệp.
3. Nếu cần thiết, cần hô hấp nhân tạo cho người bị nạn đến khi có đội ngũ y tế can thiệp.
Điều trị khi ngạt khói
Một số phương pháp điều trị có thể được áp dụng bao gồm:
1. Thở Oxy
Thở Oxy là phương pháp điều trị chính cho mọi trường hợp ngạt khói. Oxy có thể được sử dụng dưới dạng gọng kính mũi, mặt nạ kín, hoặc thông qua một ống trực tiếp xuống cổ họng. Nếu người bị nạn có các dấu hiệu và triệu chứng tại đường thở trên, việc đặt nội khí quản có thể được áp dụng. Ngoài ra, các nạn nhân bất tỉnh cũng được hút chất nhầy để không bị nghẹn do dịch tiết.
2. Nội soi phế quản
Nội soi phế quản là một phương pháp để đánh giá trực tiếp mức độ tổn thương của đường thở và cho phép hút dịch tiết cũng như các mảnh vụn gây tổn thương phổi ở mức độ nhỏ nếu có. Thông thường, nội soi phế quản được thực hiện thông qua một ống nội khí quản, sau khi bệnh nhân được an thần và giảm đau đầy đủ. Nội soi phế quản cũng có thể áp dụng nếu bệnh nhân bị suy hô hấp, không cho thấy sự cải thiện trên lâm sàng hoặc một vùng phổi vẫn bị xẹp.
3. Oxy cao áp
Đối với các nạn nhân bị ngộ độc carbon monoxide (CO), có thể cân nhắc sử dụng oxy hóa cao áp. Oxy hóa cao áp là một phương pháp điều trị trong đó bệnh nhân được cung cấp oxy trong buồng nén cao áp. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng oxy cao áp làm giảm các triệu chứng trên hệ thần kinh và nếu người bệnh bị ngộ độc carbon monoxide, phương pháp này có thể giúp phục hồi nhanh hơn.
Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng hít phải khói độc?
Phòng ngừa cháy nổ là chìa khóa khi muốn nói về việc tránh hít phải khói độc do các vụ hỏa hoạn. Ngoài ra, cũng có rất nhiều biện pháp phòng ngừa có thể được sử dụng để tránh tiếp xúc với khói.
1. Máy phát hiện khói nên được đặt trong mỗi phòng của các tòa nhà cao tầng. Điều này sẽ đảm bảo phát hiện sớm khói để có nhiều thời gian sơ tán và xử trí.
2. Máy dò khí carbon monoxide (CO) nên được đặt ở những vị trí có nguy cơ phơi nhiễm carbon monoxide (chẳng hạn như từ lò nung bị trục trặc, máy nước nóng sử dụng khí đốt, máy sưởi bằng dầu, bếp chạy bằng propan, máy phát điện chạy xăng hoặc diesel hay các khu động cơ kín chạy máy nổ).
3. Thiết kế nhiều lối thoát hiểm và đưa ra các kế hoạch về cách thoát hiểm cụ thể. Tập huấn và đào tạo cho mọi người về cách thức thoát hiểm và nhắc đi nhắc lại nhiều lần về vấn đề này.
4. Để thông tin liên lạc cho đội ngũ cứu hỏa, hỗ trợ, y tế và công an thuận tiện để có thể liên lạc và tìm kiếm sự trợ giúp nhanh nhất có thể.
Tổng kết
Để ngăn ngừa tình trạng hỏa hoạn có thể xảy ra, việc đảm bảo không cắt giảm các thiết bị an toàn, thiết bị cảnh báo và hệ thống cứu hộ cứu nạn là điều cần được lưu ý, không chỉ tại gia đình mà là các chung cư, nhà cao tầng, quán xá đặc trưng bởi nhiều phòng kín. Việc kiểm tra các bất thường về điện và khắc phục càng sớm càng tốt cũng cần được quan tâm và duy trì thường xuyên, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tức thì. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân việc cất giữ các đồ vật dễ cháy ở những nơi an toàn ngoài tầm với của trẻ em, không khuyến khích các hành vi không an toàn không được giám sát tại những khu vực nguy hiểm./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị