Chuyên gia góp ý các QCVN về nước thải dự kiến ban hành năm 2021
Chuyên gia góp ý các QCVN về nước thải dự kiến ban hành năm 2021
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự kiến ban hành 3 Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) về nước thải trong năm 2021. Được biết, của của các chuyên gia, các nhà khoa học đang có nhiều ý kiến góp ý về các QCVN nói trên.
3 Quy chuẩn đó là Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp, Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải chăn nuôi, Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nuớc thải sinh hoạt và nuớc thải đô thị.
Chuyên trang Quản lý môi trường ,Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam xin chia sẻ ý kiến góp ý của của GS.TS Trần Đức Hạ về các QCVN mà Bộ TN&MT dự kiến ban hành trong năm nay. GS.TS Trần Đức Hạ đang là giảng viên cao cấp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, nguyên thành viên Ban soạn thảo Tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng nước do Tổng cục Đo lường và Tiêu chuẩn chủ trì.
Ý kiến chung cho cả 3 dự thảo QCVN
– Nhất trí với việc tổ hợp các quy định về chất lượng nước thải xả vào môi trường vào 2 QCVN về nước thải công nghiệp, nước thải đô thị, nước thải sinh hoạt và 1 QCVN về nước thải đặc thù là nước thải chăn nuôi. Các đối tượng (vùng) tiếp nhận nước thải được phân thành 3 nhóm tương đối hợp lý cho công tác kiểm soát ô nhiễm và quản lý nguồn nước. Tuy nhiên sự phân nhóm vùng tiếp nhận nước thải cần phù hợp với các QCVN về chất lượng nước mặt (hiện nay chưa có dự thảo).
– Việc có QCVN về nước thải đô thị, khu dân cư tập trung là rất hợp lý và cần thiết vì giải quyết những bất cập từ trước đến nay khi triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) tập trung vì các chủ đầu tư, chính quyền và các cơ quan quản lý môi trường địa phương rất lúng túng khi lựa chọn các thông số XLNT theo các quy chuẩn về nước thải (QCVN 14:2008, QCVN 40:2011 hay TCVN 7222:2002).
– Quy định chất lượng nước thải công nghiệp, nước thải các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, nước thải chăn nuôi,… khi đấu nối hệ thống thoát nước thải có XLNT tập trung phải theo quy định của chủ đầu tư công trình thoát nước và XLNT hoặc của chính quyền địa phương là hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư hệ thống thoát nước và XLNT quản lý và vận hành hiệu quả công trình, thực hiện đúng Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về Thoát nước và XLNT. Mặt khác, mặc dù đã có quy định trong QCVN riêng, nhưng khi nước thải sinh hoạt, nước thải khu dân cư,… nhập chung vào với dòng nước thải công nghiệp thì dòng chung này được quản lý như nước thải công nghiệp là hợp lý.
Một số vấn đề nên xem xét đối với từng QCVN để hoàn thiện trước khi ban hành
Đối với QCVN… :2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về nuớc thải chăn nuôi
– Giá trị BOD5 trong nước thải chăn nuôi khi xả vào nguồn tiếp nhận vùng C (biển ven bờ, các vùng nước mặt) là 130 mg/l là quá lớn vì nồng độ BOD như thế này vùng nước mặt tiếp nhận rất dễ bị thiếu hụt oxy. Mặt khác với BOD trong nước thải xả vào vùng nước biển ven bờ với nước biển ven bờ thường có hàm lượng SO42- cao thường xảy ra quá trình khử sulfate để ô xy hóa (hô hấp kị khí) các chất hữu cơ (BOD) trong nước thải, dẫn đến hình thành H2S gây mùi hôi vùng tiếp nhận nước thải. Vì vậy BOD5 trong nước thải chăn nuôi xả vào vùng C này phải dưới 100 mg/l.
– Khi xả nước thải chăn nuôi vào nguồn tiếp nhận là nước mặt vùng A (có thể sử dụng cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt tập trung) thì giá trị coliform cần phải dưới 1000 MPN/100ml như các loại nước thải khác. Vấn đề khử trùng nước thải căn nuôi không có gì phức tạp, mặt khác nước thải chăn nuôi là nguồn mầm bệnh tiềm tàng có thể gây mầm bệnh dịch trong nguồn cấp nước sinh hoạt.
– Đây là QCVN về chất lượng nước thải nên mục 2.2: Quy định đối với cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng miễn đăng ký môi trường không đưa vào nội dung quy chuẩn mà nên đưa vào văn bản quản lý khác.
Đối với QCVN… :2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp
– Cần làm rõ thêm đối tượng điều chỉnh của QCVN này là có nước thải bệnh viện, trạm y tế (mã kinh tế Q861) và nước thải phòng khám đa khoa, chuyên khoa (mã kinh tế Q862).
– Nên dùng Q là lưu lượng nước thải (m3/ngày) thay cho F vì đây là ký hiệu nhất quán trong các tài liệu kỹ thuật.
– Trong Bảng 1: Giá trị tối đa cho phép của BOD5, COD, TSS , với vùng C có BOD5 và TSS là 120 mg/l (khi F≤500 m3/ngày) và 80 mg/l (khi F>500 m3/ngày) là quá cao, dễ gây ô nhiễm hữu cơ, gây mùi và thiếu hụt oxy cho khu vực tiếp nhận nước thải. Kiến nghị các giá trị BOD5, COD và TSS cho nước thải công nghiệp như sau:
– Trong Bảng 2: Giá trị tối đa cho phép của các chất ô nhiễm đặc trưng theo loại hình sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giá trị thông số TN trong nước thải khi xả vào vùng B và vùng C nên không quá 40 mg/l. Trong các ao, hồ, đầm (vực nước tịnh) ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, N không phải là yếu tố tới hạn của quá trình phú dưỡng (trong các vực nước tịnh này P mới là yếu tố gây phú dưỡng) vì vậy không cần quý định giá trị trong () cho TN khi xả nước thải vào vùng nước B và C (không phải cấp nước sinh hoạt tập trung).
– Phụ lục 2: Các chất ô nhiễm đặc trưng của loại hình sản xuất. Số TT 13 – Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (mã ngành kinh tế C17) cần bổ sung thêm Độ màu. Số TT45 – Khai thác, xử lý và cung cấp nước (mã ngành kinh tế E36): không có ô nhiễm amoni từ quá trình xử lý và cung cấp nước.
Đối với QCVN…:2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải sinh hoạt và đô thị
– Giải thích thuật ngữ chưa rõ ràng. Thuật ngữ nước thải đô thị trong 1.3.2: là nước thải phát sinh từ đô thị, khu dân cư tập trung đưa về hệ thống thoát nước và XLNT tập trung nhưng trong 1.3.3 nguồn tiếp nhận nước thải vùng B lại có hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung chưa có hệ thống XLNT. Đây là QCVN về nước thải đô thị xả vào môi trường vì vậy nên loại bỏ hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư tập trung chưa có hệ thống XLNT là nguồn tiếp nhận nước thải. Các loại nước thải sinh hoạt, sản xuất dịch vụ kinh doanh,… trong đô thị, khu dân cư tập trung khi xả vào hệ thống thoát nước tập trung chưa có XLNT thì được điều phối có lộ trình bằng QCVN…:2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp hoặc theo mục 2.2 đối với nước thải sinh hoạt của QCVN này.
– Hiện nay Việt Nam có gần 900 đô thị từ loại V đến loại đặc biệt và hàng nghìn khu dân cư tập trung. Theo định hướng phát triển thoát nước đô thị đến năm 2030 khoảng 45 triệu dân số đô thị với khoảng 12 triệu m3 nước thải/ngày (theo các Báo cáo Hiện trạng môi trường nước thải sinh hoạt trong đô thị chiếm khoảng 80-85%) cũng sẽ có hàng nghìn trạm/nhà máy XLNT tập trung, công suất từ vài trăm m3/ngày đến gần 1triệu m3/ngày (tuy nhiên hiện nay chỉ mới có 71 nhà máy XLNT đô thị hoạt động với tổng công suất thiết kế 1.383.000 m3/ngày, trung bình công suất 19.500 m3/ngày/nhà máy).
Khác với nước thải công nghiệp tại các nhà máy, cụm công nghiệp, khu công nghiệp,… chỉ từ một trăm đến vài chục nghìn m3/ngày, công suất xử lý tập trung nước thải đô thị, khu dân cư không thể chỉ phân ra 2 nhóm có F≤500 m3/ngày và F>500 m3/ngày mà phải chia ra công suất nhỏ F≤1500 m3/ngày (thường là trạm XLNT khu dân cư tập trung, đô thị loại V), công suất trung bình F=(1500÷20.000) m3/ngày và công suất lớn F>20.000 m3/ngày để từ đấy có được các giá trị thông số chất lượng nước thải hợp lý.
– Trong Bảng 1. Giá trị tối đa cho phép các chất ô nhiễm trong nước thải đô thị, các giá trị TSS, BOD5, COD và TN quy định xả vào các vùng tiếp nhận nước thải nhóm A, B và C đều không hợp lý và quá khắt khe. Theo các số liệu của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) và của Hội Cấp thoát nước Việt Nam, hiện nay các nhà máy XLNT đô thị ở Việt Nam sử dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến và phổ biến trên thế giới (hầu hết các nhà máy XLNT đều từ nguồn vốn ODA) đều chỉ xử lý tối đa BOD5 đến 20 mg/l, TSS đến 25 mg/l, TN đến 20 mg/l khi xả nước thải vào nguồn nước mặt loại A. Theo kinh
nghiệm của Nhật Bản, trong Luật Thoát nước của Nhật Bản, để xử lý nước thải đô thị đến BOD5≤10 mg/l, TN≤10 mg/l và TP ≤3 mg/l phải yêu cầu công nghệ XLNT bậc cao với các quá trình A (yếm khí) – A (thiếu khí) – O (hiếu khí) kèm theo MBR hoặc keo tụ – lọc,… kèm theo.
Mặt khác, đối với nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị Việt Nam, TKN thường dao động từ 40 đến 55 mg/l, để xử lý để TN còn lại dưới 10 mg/l (30-45 mg/l chuyển thành N2 bay đi) thì hệ số tuần hoàn bùn nitrat từ bể lắng thứ cấp về công trình thiếu khí rất lớn (gấp 0,5-1,5 lần lượng nước thải) làm cho thể tích các công trình tăng lên. Quá trình khử nitrat đến mức triệt để tại công trình thiếu khí còn sẽ gặp các bất cập là không cân bằng được C:N nên thường phải bổ sung cơ chất cho nó. Việc kéo dài thời gian thổi khí để BOD5 trong nước thải giảm xuống dưới 20 mg/l rất khó khăn.
Vì vậy quy định BOD5≤10 mg/l, TN≤10 mg/l và TP ≤3 mg/l trong nước thải khi xả ra môi trường có thể sẽ làm cho suất vốn đầu tư xây dựng và chi phí vận hành bảo trì hệ thống XLNT đô thị tăng lên đến 1,3-1,8 lần so với hiện nay. Trong khi đó đầu tư xây dựng hệ thống XLNT đô thị, khu dân cư tập trung là đầu tư công và chi phí cho quản lý vận hành nhà máy XLNT đô thị theo quy định của Nghị định 80/2014/NĐ-CP là thu theo giá dịch vụ từ người dân đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước.
– Có sự bất hợp lý trong quy định các giá trị thông số BOD5, COD và SS trong nước thải công nghiệp và nước thải đô thị như sau:
Bảng các giá trị BOD5, COD và TSS trong QCVN…:2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải công nghiệp:
Bảng các giá trị BOD5, COD và TSS trong QCVN…:2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải đô thị:
Cần nói thêm rằng: khi nước thải có nhiều thông số ô nhiễm xả vào nguồn nước thì mức tác động tiêu cực của nó đối với môi trường càng tăng nên yêu cầu nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải công nghiệp càng phải khắt khe hơn so với nước thải đô thị và nước thải sinh hoạt.
– Kiến nghị thay đổi giá các thông số BOD5, COD, TSS, TN, TSS và TP trong Bảng 1 của QCVN…:2021/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật môi truờng quốc gia về nuớc thải đô thị.
– Cần quy định rõ nước thải sinh hoạt và các loại nước thải kinh doanh, dịch vụ theo phụ lục 1 được xử lý tại trạm XLNT phi tập trung (không có hệ thống thu gom nước thải tập trung) với giá trị tối đa nồng độ các chất ô nhiễm khi xả vào các nguồn tiếp nhận vùng A, vùng B và vùng C nêu trong Bảng 2. Các giá trị BOD5, COD, TSS, TN, TSS và TP trong Bảng 2 kiến nghị thay đổi như sau:
Trên đây là các ý kiến góp ý của GS.TS Trần Đức Hạ về các Quy chuẩn kỹ thuật môi trường QCVN về nước thải sinh hoạt và nước thải đô thị dự kiến sẽ được Bộ TN&MT ban hành trong năm 2021. Hy vọng các quy chuẩn trên sắp tới sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, góp phần làm cho công tác quản lý vấn đề nước thải đạt hiệu quả hơn.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị