Chuyên gia đưa giải pháp chống ngập úng cho Hà Nội
(Xây dựng) – Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi hệ thống thoát nước đô thị chưa hoàn chỉnh đã khiến tình trạng ngập úng tại Hà Nội ngày càng trở nên nghiêm trọng. Các chuyên gia phân tích, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đề cao vấn đề quy hoạch; quy hoạch phải được thực hiện nghiêm túc, tránh điều chỉnh tùy tiện, dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và tính thống nhất của hạ tầng thoát nước.
Điểm ngập tại ngã tư Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu. |
Lượng mưa thực tế vượt quy hoạch
Đây là nguyên nhân chính khiến Hà Nội trở nên ngập cục bộ chỉ sau vài tiếng mưa rào. Nhiều con phố di chuyển khó khăn, xe cộ chết máy, người dân chật vật cả ngày trên đường.
Lý giải nguyên nhân gây úng ngập cục bộ, Phó trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) Hoàng Thị Mai Hương thông tin: “Nguyên nhân khiến Hà Nội ngập úng nghiêm trọng mỗi khi mưa lớn là do một số vị trí điểm trũng, xa nguồn xả, cao độ nền thấp hơn khu vực xung quanh nên khi mưa lớn, nước chảy theo mặt đường, dồn cục bộ về các điểm trũng gây úng ngập. Thực tế, lượng mưa lớn vượt công suất thiết kế của hệ thống cống (thiết kế hệ thống cống theo quy hoạch 70mm/h), điều này gây tình trạng úng mỗi khi mưa lớn với thời lượng ngập từ 30 đến 45 phút.
Thêm vào đó, quá trình đô thị hóa nhanh nhưng công tác đầu tư hệ thống thoát nước chưa theo kịp, đặc biệt khu vực ngoại thành tại các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Hệ thống hồ điều hòa theo quy hoạch còn thiếu, nhiều ao hồ bị thu hẹp diện tích do phát triển đô thị hoặc chưa tham gia tích nước điều hòa thoát nước đô thị. Điển hình mới đây, trận mưa ngày 29/5 lượng mưa lớn trên diện rộng, vượt công suất thiết kế của hệ thống thoát nước, lượng mưa phổ biến trên 100mm, đặc biệt trên địa bàn quận Cầu Giấy có lượng mưa trên 180mm…, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều khu vực trên địa bàn Thành phố bị ngập sâu sau những trận mưa lớn”.
Cũng theo bà Hoàng Thị Mai Hương, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, do thời gian thực hiện lâu dài, giải phóng mặt bằng khó khăn, cơ chế đầu tư xã hội chưa hoàn chỉnh nên không có sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
“Hiện vẫn còn điểm úng ngập tại các tuyến phố chính và một số điểm ngập nhỏ lẻ khác tại các ngõ ngách nội đô, khu dân cư là do hệ thống thoát nước xây dựng từ lâu đã bị xuống cấp, một số đoạn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ chưa có hệ thống thoát nước đô thị”, bà Hương cho biết thêm.
Luận bàn với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, tình trạng úng ngập vẫn còn xảy ra tại khu vực nội đô là do tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi các công trình hạ tầng đầu mối, các tuyến tiêu thoát nước chính chưa được xây dựng hoặc chưa hoàn thiện. Hiện nay, nhiều dự án công trình kỹ thuật đang thi công kéo dài như nhà ga tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, hầm chui nút giao Lê Văn Lương – Vành đai 3, dự án xây dựng bể điều tiết ngầm chống úng ngập bằng công nghệ Crosswave (trước cửa chợ Hàng Da)… Trong khi đó, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao, vẫn xả rác thải bừa bãi xuống hệ thống kênh, cống thoát nước, gây tắc nghẽn các ga thu nước, xây dựng cầu dẫn lên vỉa hè gây cản trở dòng chảy.
Hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ
Thực tế việc Hà Nội ngập úng, một phần là do vấn đề quy hoạch, việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước còn chậm. Hiện nay chỉ thực hiện đầu tư cơ bản, hoàn chỉnh hệ thống thoát nước khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô lịch với diện tích 77,5km2 (dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – Dự án I + II); còn lại các khu vực khác mới bắt đầu hoặc đang nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước như khu vực Tả Nhuệ (có 03 trạm bơm thoát nước Cổ Nhuế, Đồng Bông 1 và Đồng Bông 2 mới được đầu tư), khu Hữu Nhuệ; khu vực các quận Long Biên, quận Hà Đông.
Trong khi đó, một số trạm bơm tiêu chính và các công trình đầu mối kèm theo như kênh dẫn, kênh xả, hồ điều hòa, trạm bơm Liên Mạc (170m3/s), Yên Thái (54m3/s), Đào Nguyên (25m3/s), Đông Mỹ (35m3/s), Gia Thượng (50m3/s), Cự Khối (15m3/s)… chưa được đầu tư xây dựng. Trạm bơm Yên Nghĩa công suất 120m3/s đã hoàn thành nhưng chưa phát huy hiệu quả, do hệ thống kênh dẫn, hồ điều hòa…, còn chưa được đầu tư đồng bộ…
Nhìn nhận dưới góc độ quy hoạch, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho rằng, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện nay có nhiều vấn đề. Trong quy hoạch, các lưu vực thoát nước được gắn kết với các dòng sông và chia ra 3 lưu vực thoát nước là lưu vực sông Nhuệ, lưu vực sông Hồng, lưu vực sông Tích. Hiện hệ thống cống ngầm, cống hở không đảm bảo, tính trong nội thành có hơn 100 hồ điều hòa và ngoại thành có hơn 80 hồ điều hòa, chỉ đạt 2% diện tích tự nhiên. Tuy nhiên, theo tính toán khoa học và kinh nghiệm nước ngoài, để điều hòa nguồn nước mặt chảy, các đô thị cần có 5-6% diện tích tự nhiên là diện tích mặt nước, như vậy chúng ta thiếu phần diện tích này để bảo đảm điều hòa.
Một số doanh nghiệp, hội khoa học đề nghị khôi phục lại các dòng sông để đảm bảo độ sâu và lưu lượng chảy, song tách nước thải và nước mặn ra để đảm bảo cảnh quan. Tại các hồ đầu mối mỗi lưu vực phải có hồ nhất định, hiện nay được chia làm 9 vùng thoát nước đầu mối, không đảm bảo trữ lượng nước để bơm ra ngoài. Mặt khác, có khoảng 20 hồ nước trong thời gian qua đã bị san lấp và nhiều hồ nước bị thu nhỏ diện tích, chính việc thiếu diện tích để điều hòa mặt nước và lấp đi một số hồ tự nhiên đã gây khó khăn cho việc thoát nước, đây chính là lý do gây úng ngập.
Cần những giải pháp cụ thể
Để đảm bảo công tác thoát nước, chống úng ngập trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đại diện phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) đưa ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, cần lập đường dây nóng giữa các đơn vị để tiếp nhận và giải quyết kịp thời các sự cố thoát nước gây úng ngập, tổ chức ứng trực 24/24h, tập kết và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, thiết bị đảm bảo tại các vị trí xảy ra úng ngập.
Tăng cường duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh thoát nước, mương, sông; duy trì, thu dọn rác thải trên các tuyến phố tránh để rác làm tắc các ga thu nước, cống rãnh, thải ảnh hưởng đến thoát nước khi mưa to.
Cùng với đó, phải kiểm soát, thường xuyên giữ mực nước đệm trên hệ thống các hồ điều hòa thoát nước, khai thác triệt để năng lực các hồ điều hòa, việc quản lý, vận hành các hồ phải đáp ứng nhiệm vụ kép, bảo dưỡng sửa chữa đảm bảo vận hành 100% công suất các trạm bơm; thực hiện cải tạo, sửa chữa hệ thống thoát nước khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn thành phố.
Nghiên cứu bổ sung xây dựng các bể điều tiết ngầm để giảm thiểu úng ngập tại nơi có địa hình trũng và xa nguồn xả. Trước mắt khảo sát phương án xử lý thoát nước đô thị tại một số khu vực hầm chui dân sinh đại lộ Thăng Long…
TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Hà Nội cần nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Trước tiên, không thể xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải xem xét đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố, cần có sự kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị.
“Vấn đề thoát nước cho Hà Nội lâu nay vẫn là bài toán khó, về mặt lâu dài, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam, Long Biên. Vấn đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch cần được thực hiện nghiêm túc, tránh điều chỉnh tùy tiện dẫn đến phá vỡ tính tổng thể và thống nhất của hạ tầng thoát nước…” – TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm nói.
Bên cạnh những giải pháp cục bộ, để giải quyết tình trạng úng ngập, thiết nghĩ, các dự án thoát nước đô thị cần được nâng cấp để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn, đảm bảo đời sống người dân cũng như bộ mặt đô thị.
Với tầm nhìn dài hạn, Hà Nội cần nghiên cứu và thống nhất lại toàn bộ hệ thống hạ tầng thoát nước trong phạm vi thành phố.
Nguồn: Báo xây dựng