Chuyên gia đề xuất giải pháp phát triển kinh tế xanh hướng tới chất lượng và phát triển bền vững

Ảnh minh họa.

Tầm quan trọng của phát triển tế xanh

Theo TS. Nguyễn Thị Cẩm Tú – Khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thủy lợi, thống kê cho thấy ngày nay có 1,1 tỷ người sống trong không khí ô nhiễm và không dưới 220 người sống ở các thành phố ở các nước đang phát triển thiếu nước uống; tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức dẫn đến kiệt quệ. Bên cạnh đó, sự bùng nổ dân số đã khiến diện tích rừng bị thu hẹp, suy giảm nghiêm trọng dẫn đến thất thoát. Ví dụ điển hình ở nước ta giai đoạn 2016-2020 tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, có tới 70% rừng ngập mặn bị mất, 11% rạn san hô bị tổn thương hoàn toàn, không có khả năng tự phục hồi”; bên cạnh  đó, bùng nổ dân số còn gây sức ép lớn đối với cơ sở hạ tầng… Tất cả những sự tác động tiêu cực đó đều ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. 

TS. Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: “Quyền được sống trong môi trường trong lành là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được sống trong môi trường sạch đẹp, thuần khiết, chất lượng với hệ sinh thái cân bằng, phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn môi trường; không có ô nhiễm, suy thoái hay sự cố môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và hoạt động bình thường của con người được pháp luật quốc gia cũng như pháp luật quốc tế ghi nhận và bảo vệ”.

Để làm được điều đó, cần thiết phải có những định hướng và giải pháp cụ thể theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Về phía TS. Trần Thị Ngọc Thúy – Giảng viên Khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thủy lợi, kinh tế xanh đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững. Kinh tế xanh không chỉ giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ và tái tạo tài nguyên. Đầu tư vào vốn tự nhiên không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực trong việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, như khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển công nghệ carbon thấp. Điều này không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mà còn cải thiện công bằng xã hội, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030 khẳng định việc phát triển kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hanh Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nêu rõ các chỉ số đánh giá phát triển bền vững và hướng tới việc thí điểm mô hình kinh tế xanh.

Đặc biệt, Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Mục tiêu của chiến lược này là giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao khả năng hấp thụ khí nhà kính, từ đó tạo ra nền kinh tế bền vững và thân thiện với môi trường.

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ, nhưng quá trình phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức. Nhận thức về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh còn hạn chế, nhiều dự án vẫn phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp còn thấp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp cũng là những yếu tố cần được cải thiện.

Thách thức trong thực hiện phát triển xanh

Theo TS. Bùi Đức Hiển, cụ thể hóa các quy định khuyến khích và hỗ trợ cho các hoạt động bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió là những quy định quan trọng, thể hiện vai trò của Nhà nước trong bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay những quy định này chưa toàn diện và chưa phản ánh đúng mức tầm quan trọng của vấn đề.

TS. Bùi Đức Hiển nhận định, trong thời gian dài, Việt Nam đã tập trung phát triển kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa trên lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường. Hệ quả là hiện nay, đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng như cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Để hướng tới phát triển bền vững, ông đề xuất cần đẩy mạnh kinh tế xanh, một mô hình phát triển do Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc (UNEP) khởi xướng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện công bằng xã hội và giảm thiểu rủi ro môi trường.

Kinh tế xanh không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống và đảm bảo công bằng xã hội. Nhiều quốc gia như Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp dụng mô hình này và đạt được những thành tựu đáng kể. Tại Việt Nam, các văn kiện của Đảng từ Đại hội XI đến Đại hội XIII đã nhấn mạnh vai trò của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn trong phát triển bền vững. Ông đề nghị Nhà nước cần cụ thể hóa các quy định về kinh tế xanh trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và các văn bản pháp lý liên quan, đồng thời tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân có thể tham gia phát triển kinh tế xanh một cách hiệu quả hơn, thay vì chỉ dừng lại ở việc khuyến khích.

Phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược của Việt Nam, trong đó tăng trưởng xanh và kinh tế xanh đóng vai trò then chốt. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần có các giải pháp cụ thể và định hướng chính sách rõ ràng, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh với nhiều thách thức hiện hữu.

Giải pháp thúc đẩy phát triển xanh

Để giải quyết các thách thức này, TS. Trần Thị Ngọc Thúy đã đề xuất một số giải pháp cụ thể:

Thứ nhất, cần xây dựng các chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững, giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên hóa thạch và khuyến khích khai thác các nguồn năng lượng tái tạo. Trong quá trình phát triển kinh tế, việc quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và năng lượng hóa thạch, nhất là các ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần có các chính sách và giải pháp công nghệ đảm bảo phát triển đồng bộ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế trong việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng; xây dựng các cơ chế khuyến khích phát triển nhiên liệu hydro gắn với điện gió ngoài khơi. Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất các công cụ tài chính cũng như cơ chế hỗ trợ, giúp tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả.

Các ngành sản xuất công nghiệp cần chú trọng việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch như gió, thủy điện và năng lượng hạt nhân thay thế cho nhiên liệu hóa thạch nhằm giảm lượng phát thải CO2. Thêm vào đó, việc trồng cây xanh và bảo vệ rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thụ CO2 thông qua quá trình quang hợp, giúp giảm lượng khí này trong không khí. Đối với các ngành công nghiệp như nhiệt điện, xi măng, luyện gang thép, sản xuất phân bón và hóa dầu có thể áp dụng công nghệ CCUS (công nghệ thu giữ, lưu trữ và sử dụng carbon) để giảm thiểu phát thải CO2 ra môi trường.

Thứ hai, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, chẳng hạn như giảm thuế, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Trước hết, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế và đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Ví dụ như chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Các chính sách ưu đãi thuế theo hướng chú trọng, khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Xây dựng chính sách thuế tài nguyên áp dụng cho các doanh nghiệp và dự án có những đóng góp tích cực đối với môi trường. Đồng thời, chính phủ cũng có thể tạo lập các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, với nguồn tài trợ từ cả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những nỗ lực này không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo thêm việc làm cho các khu vực nông thôn. Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ nông trại, nông dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, như cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho việc duy trì canh tác hữu cơ, triển khai các chương trình giáo dục và tư vấn, hỗ trợ quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Thứ ba, cần tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về tầm quan trọng và ý nghĩa của tăng trưởng xanh, từ đó thúc đẩy các hành động thiết thực đóng góp vào quá trình này. Công tác tuyên truyền cần tập trung vào việc phổ biến kịp thời các tiến trình thể chế hóa nghị quyết, trong đó chú trọng đăng tải, giải thích và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật của Quốc hội, chính sách của Chính phủ, và chương trình hành động của các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai nghị quyết của Đảng và các chính sách về kinh tế xanh. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan tuyên truyền với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, nhằm đưa ra những kiến nghị với Đảng và Nhà nước trong việc bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách hoặc xây dựng các chính sách mới phù hợp với điều kiện hiện nay để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Thứ tư, cần thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển đổi sang phát triển kinh tế xanh. Việc tăng cường giao lưu và hợp tác với cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, giúp Việt Nam tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để đạt được các mục tiêu phát triển xanh. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ duy trì thanh khoản tài chính trong chuỗi cung ứng, đồng thời hỗ trợ vốn cho các dự án hạ tầng xanh. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn và hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị. Việt Nam cũng nên tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh từ các quốc gia tiên tiến để áp dụng vào điều kiện thực tế trong nước, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dịch bền vững hơn.

TS. Trần Thị Ngọc Thúy nhấn mạnh: “Để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và chủ trương nhằm phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên, đồng thời quản lý hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng phục vụ cho các ngành kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường. Các chính sách này ưu tiên giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, và thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế theo xu hướng xanh, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cũng được chú trọng, cùng với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và khuyến khích thực hiện các giải pháp xanh. Ngoài ra, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu và tăng cường hợp tác quốc tế cũng là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới”.

 Duy Trinh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích