Chuyên gia: Cần đảm bảo chất lượng pháp lý cho chung cư trung-cao cấp

Để phục hồi, phát triển thị trường chung cư trung – cao cấp, giới chuyên gia cho rằng giải pháp quan trọng hiện nay là cần phải đẩy nhanh việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý.

Chuyên gia: Cần đảm bảo chất lượng pháp lý cho chung cư trung-cao cấp
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhận định phân khúc chung cư trung – cao cấp tại Việt Nam đang có nhiều triển vọng bởi xu hướng thuê nhà của nhóm khách hàng mới (chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam đầu tư, làm việc) ngày càng đông, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng để phát huy lợi thế nguồn “cầu” này, các dự án đầu tư bất động sản cần nhanh chóng được gỡ khó và đảm bảo chất lượng về pháp lý.

Triển vọng từ nhóm khách hàng “ngoại”

Tại Tọa đàm thường niên về đánh giá triển vọng thị trường chung cư Hà Nội, diễn ra ngày 12/4, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, cho rằng 2010-2022 là giai đoạn Việt Nam tăng cường mở rộng kinh tế đối ngoại thông qua các hiệp ước thương mại với các tổ chức, quốc gia, cộng đồng. Nhờ đó, Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Thành cho biết theo thông tin từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có gần 100.000 lao động nước ngoài (110 quốc gia và vùng lãnh thổ) thuộc diện được cấp giấy phép lao động làm việc tại Việt Nam.

Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, số lượng lao động đến từ châu Á luôn chiếm hàng đầu. Điển hình như Trung Quốc chiếm khoảng 20%, Hàn Quốc khoảng 18%, Nhật Bản khoảng 10%, còn lại là lao động đến từ các quốc gia khác.

Về tỷ lệ về chuyên môn, có khoảng 12,0% người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giữ vị trí quản lý; 9,0% giám đốc điều hành; 56,0% chuyên gia kỹ thuật; còn lại là làm công việc khác. Chất lượng của lao động nước ngoài vào Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng nâng cao chất lượng về trình độ kỹ thuật, quản lý.

“Nhìn vào sự gia tăng của ‘tệp’ khách trên, có thể thấy nhu cầu mua và thuê căn hộ cao cấp ngày càng gia tăng. Đặc biệt, đa phần người nước ngoài đến Việt Nam sẽ lựa chọn phương án thuê trả tiền ngắn hạn hoặc thuê mua dài hạn trong khoảng 50 năm. Vì thế, những sản phẩm cho thuê, thuê mua dài hạn nay đang được nhiều chủ đầu tư quan tâm, phát triển, nhất là các chung cư trung-cao cấp,” ông Thành nói.

Ông Jeffhery Foo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Singapore, đánh giá Việt Nam hiện đã có những toà chung cư cao cấp, không chỉ có sức hút với người dân trong nước mà còn cả người nước ngoài có nhu cầu đến và sinh sống tại Việt Nam.

“Tôi vừa có chuyến đi đến Thành phố Hồ Chí Minh và tôi nhận thấy rằng đây là một thị trường rất tiềm năng cho việc phát triển bất động sản. Vì vậy, tôi dự đoán giá bất động sản tại thị trường này sẽ tăng trong thời gian tới,” ông Jeffhery Foo nói.

Có nhận định, ông Yoshi Nori Takita, đại diện Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ, cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam hiện nay rất phổ biến.

Tuy nhiên, để tăng thêm tính cạnh tranh, thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài “đổ” về mua căn hộ chung cư trung – cao cấp, thì các chủ đầu tư Việt Nam cần tăng thêm các tiện ích như trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm thương mại…

Ngoài ra, để tăng thêm sức hấp dẫn của các chung cư cao cấp, các chủ đầu tư xây dựng cần hướng đến nhu cầu của khách hàng; cần xác định nhu cầu của khách hàng cần hiện nay là gì để tập trung vào đấy và đáp đúng ứng nhu cầu của họ.

Kỳ vọng từ việc “gỡ rào” pháp lý

Nhìn nhận về góc độ pháp lý, phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuyến – Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng ngoài chất lượng hạ tầng, dịch vụ, thì vấn đề pháp lý cho thị trường bất động sản cũng rất quan trọng.

Chuyên gia: Cần đảm bảo chất lượng pháp lý cho chung cư trung-cao cấp
Ảnh minh họa. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo ông Tuyến, thực chất của việc mua – bán bất động sản là mua bán quyền sở hữu và quyền sử dụng, vì thế để đảm bảo quyền này thì phải có pháp lý công nhận, bảo hộ. Bất động sản (nhất là các phân khúc cao cấp) có pháp lý rõ ràng cũng sẽ thúc đẩy môi trường đầu tư trở nên minh bạch, rõ ràng hơn.

“Bây giờ không còn kiểu nhà đầu tư ném hàng tỷ đồng vào những bất động sản không có pháp lý. Hơn thế, nhiều người dân mua bất động sản không chỉ để đầu tư kiếm lời, mà còn mua để dành, để lại cho các đời con cái. Vì vậy, theo tôi, chúng ta hãy hướng đến các căn hộ trung – cao cấp không chỉ về chất lượng hạ tầng mà cần phải chất lượng cả về mặt pháp lý,” ông Tuyến nói.

Cùng bàn về vấn đề trên, tiến sĩ Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, cho rằng để phát triển thị trường bất động sản, việc tháo gỡ khó khăn về pháp lý là rất cấp thiết.

Đó cũng là lý do mà trong khoảng 1 tháng qua, Quốc hội và Chính phủ đã có 4 quyết sách vô cùng quan trọng, gồm: Nghị định 08 tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 về tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường hiện nay, bao gồm ba nhóm vấn đề pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội; Đề án 338 về phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030; Nghị định số 10 – cơ sở pháp lý chính thống cho bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch, để có cơ sở cấp sổ hồng cho condotel, officetel…

“Tôi đánh giá rất cao, chưa bao giờ trong một tháng có các quyết sách như vậy. Trên cơ sở đó, các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đã bắt đầu rà soát lại các dự án vướng mắc để tháo gỡ,” ông Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Lực cũng bày tỏ vui mừng khi các luật liên quan đến thị trường bất động sản (như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất Đai và Luật Tổ chức tín dụng) đang được lấy ý kiển để sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam cũng khẳng định một trong những vấn đề cần tháo gỡ hiện nay là vấn đề pháp lý.

“9 năm qua, condotel vẫn tắc nghẽn. Và bây giờ, dưới nhiều áp lực, chúng ta bắt đầu tháo gỡ dần. Tôi hy vọng lần này sẽ là khởi đầu cho làn sóng cải cách lần hai của nền kinh tế và thị trường bất động sản của chúng ta. Một loạt các biện pháp đang làm sẽ hỗ trợ cho sự phục hồi và hy vọng thị trường chung cư trung – cao cấp sẽ có cơ hội phục hồi vào cuối năm nay,” ông Lộc nhấn mạnh./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích