Chuyển đổi số trong ngành tư pháp: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm

Bộ Tư pháp vừa phối hợp cùng Phái đoàn Liên minh châu Âu và Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Diễn đàn pháp luật “Chuyển đổi số trong ngành tư pháp”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, thực hiện chương trình chuyển đổi số, Bộ Tư pháp đã ban hành các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số và đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ để thực hiện các chính sách, chương trình chuyển đổi số của Chính phủ. Cổng dịch vụ công của Bộ Tư pháp thường xuyên được hoàn thiện, đầu tư nâng cấp.

Chuyển đổi số trong ngành tư pháp: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Toàn cảnh Diễn đàn.

Cho đến nay, toàn bộ các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp đã được đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia, các dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý của ngành tư pháp như đăng ký khai sinh, kết hôn, khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được 63 địa phương trên cả nước cung cấp qua cổng dịch vụ công. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc từng bước hình thành.

Những kết quả này đã góp phần làm đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính, phiền hà, thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng cho rằng, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi số ở Việt Nam nói chung và ngành tư pháp nói riêng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, trong đó có các vấn đề như: Nhận thức về chuyển đổi số chưa đầy đủ; sự hạn chế về nhân lực, hạ tầng công nghệ số và nguồn lực để triển khai, thực hiện… Để thực hiện được chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi Bộ, ngành tư pháp phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận về hai chủ đề: Tổng quan về chuyển đổi số và sự cần thiết chuyển đổi số đối với ngành tư pháp và yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành tư pháp.

Các đại biểu đã trình bày tham luận, thảo luận về chuyển đổi số và yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong chuyển đổi số; yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra đối với chuyển số trong ngành tư pháp; chuyển đổi số trong ngành tư pháp từ góc nhìn quốc tế; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; cung cấp dịch vụ công; phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường tiếp cận pháp luật của người dân…

H.L

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích