Chuyển đổi số nông nghiệp: Cần có những giải pháp thực tế chứ không chờ làm mới rút kinh nghiệm
Bởi triết lý thành công của chuyển đổi số là phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm, nên cách tiếp cận cùng nhau là bắt buộc đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nó phải dựa trên sự phát triển liên kết chuỗi ngang và dọc, hình thành phương thức mới và các mạng lưới hợp tác, kết nối giữa các đơn vị nội ngành và ngoài ngành, tạo ra nông nghiệp kết nối và chia sẻ, gắn chặt với thương mại số.
Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò đầu tàu, là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập các hợp đồng kinh tế thông minh, bền vững với nông dân, thay đổi nhận thức nông dân, đưa họ cùng tham gia Cộng đồng số (CĐS). Phải có hai doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết số, bên cạnh doanh nghiệp nông nghiệp phải có doanh nghiệp công nghệ số (đơn vị cung cấp công nghệ số và tư vấn CĐS). Tương tự như vậy là câu chuyện CĐS trong các Hợp tác xã (HTX). Tất cả các chủ thể doanh nghiệp, HTX, nông dân phải CĐS cùng nhau, liên kết, hỗ trợ nhau.
Tuy nhiên, bước đi CĐS trong nông nghiệp cần thận trọng. CĐS không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Vì thế, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, CĐS nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh “tham lam” để rồi quá tải và lạc hướng.
Hiện nay chúng ta hay nói đến nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp kết nối, nông nghiệp bền vững…, đó là cách gọi đa dạng của nông nghiệp CĐS theo các góc nhìn từ những công nghệ hàng đầu hiện nay, được tích hợp trong nông nghiệp số. Việc lựa chọn thứ tự ứng dụng các CNTT nêu trên cho phù hợp với khả năng thực tế ở từng giai đoạn phát triển là sự sáng tạo trong CĐS của nông nghiệp của tỉnh.
Thay đổi ngay từ đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính quyền.
Nếu như đối với cả nước, CĐS được thực hiện trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, thì ở khu vực nông thôn, nông nghiệp số không thể đơn độc mà không có cộng đồng nông thôn số, chính quyền nông thôn số các cấp. Vì thế, các đòn bẩy thúc đẩy CĐS trong nông nghiệp cần tạo ra sự chuyển đổi đồng bộ của 2 trụ cột đó.
Đối với tỉnh Đắk Lắk, trước hết cần nhìn nhận ngay trong đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính quyền, người dân nông thôn phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong CĐS, yêu cầu, mục tiêu và lộ trình CĐS nông thôn, từ đó thay đổi tư duy trong mọi việc. Không thể CĐS thành công nếu không có nông thôn số, nông dân số. Để tỉnh Đắk Lắk lọt vào Top 20 trong nước vào năm 2025 – 2030 về hạ tầng số quốc gia, thì mỗi người dân, gia đình nông thôn có trách nhiệm trang bị cho mình thiết bị di động tham gia CĐS, như điện thoại thông minh, kết nối internet cáp quang tốc độ cao… người dân cùng với chính quyền phải xây dựng để nông thôn có hạ tầng số phát triển đến từng nhà, từng người. Nhà nước cần xây dựng các nền tảng (platform) của Việt Nam để lưu trữ tài nguyên dữ liệu trong nước; triển khai định danh số (eID) cần phải đi trước và đi nhanh, để thúc đẩy CĐS ở nông thôn.
Chính quyền các cấp có hai trọng trách:
1) Đi đầu CĐS để trở thành chính quyền số, khẩn trương thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong mọi công việc và cung cấp dịch vụ mới cho người dân;
2) Dẫn dắt CĐS ở nông thôn, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy CĐS cho người dân; chăm lo xây dựng hạ tầng số, thu hút doanh nghiệp đầu tư CĐS ở địa phương…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có vai trò, trách nhiệm đi trước và dẫn dắt CĐS trong ngành, phải là sở trọng tâm, thực hiện CĐS sớm. Đồng thời, cần sớm vạch chương trình, “kịch bản” và kế hoạch đầu tư cho lộ trình CĐS của ngành. Yếu tố tiên quyết đem lại thành công ở đây chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của bộ và các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành.
Bộ cần tập trung và lồng ghép nguồn lực, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp cấp thiết, thực hiện các nhiệm vụ CĐS theo thẩm quyền được giao, như (i) Đổi mới quản lý ngành theo hướng hiện đại, quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất, gắn với đẩy mạnh thực hiện CĐS, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; (ii) Giúp Chính phủ tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; (iii) Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp nông thôn (NNNT)…
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT cần tham gia xây dựng big data cho phát triển NNNT, cần có tổ chức tư vấn số đủ mạnh. CĐS trong nông nghiệp (và nông thôn) cần có trọng tâm, trọng điểm, có mô hình thí điểm để dẫn dắt, nhân rộng. Bộ cần tập trung chỉ đạo, dẫn dắt CĐS ngành bằng cách tạo lập 3 chân kiềng của CĐS nông nghiệp là nền tảng số, hạ tầng số, chính sách số, hỗ trợ các chủ thể nông nghiệp có đủ nguồn lực để phát triển công nghệ sản xuất, ứng dụng 10 loại công nghệ hàng đầu của nông nghiệp chính xác; phát triển “nguồn nhân lực số”, xây dựng “văn hóa CĐS”… đồng thời, chính sách số phải hỗ trợ cho liên kết với cộng đồng doanh nghiệp số.
Để dẫn dắt CĐS trong ngành, Sở NN&PTNT trước hết phải tạo ra quyết tâm của Lãnh đạo và cách thức CĐS phù hợp. Đồng thời phải tạo ra và lan tỏa đến toàn ngành khát vọng đổi mới, bởi đó là khởi đầu của mọi thành công.
Có thể nói “cuộc chơi” chuyển đổi số (CĐS) có tính tuần tự, diễn ra trong một thời gian dài, nhưng cơ hội chiến thắng lại không kéo dài cho những ai chậm chân, đặc biệt là khu vực có trình độ phát triển thấp. CĐS hiện nay không đơn giản chỉ là số hóa (biến đổi dữ liệu trên giấy thành dữ liệu mềm, số hóa quy trình cũ), mà nó yêu cầu phải ứng dụng công nghệ số tạo ra những phương thức làm việc mới, mở ra thời kỳ phát triển “thông minh hóa”, cao hơn hẳn các thời kỳ “cơ khí hóa”, “điện khí hóa”, “tự động hóa” trước đây. Đối với NNNT đó là bậc thang chuyển đổi rất cao, vượt qua được là thách thức rất lớn./.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu