Chuyển đổi số ngành Xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững: Chuyển đổi thông qua đổi mới, sáng tạo

(Xây dựng) – Trong 02 ngày 20 và 21/03/2023, Hội thảo CDSD2023 với chủ đề “Chuyển đổi số ngành xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững: Chuyển đổi thông qua đổi mới, sáng tạo” (Construction Digitalisation for Sustainable Development: Transforming through Innovation) đã diễn ra tại Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

Chuyển đổi số ngành Xây dựng vì mục tiêu phát triển bền vững: Chuyển đổi thông qua đổi mới, sáng tạo

PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tiếp nối thành công của Hội thảo CDSD2020 lần thứ nhất, Hội thảo CDSD lần thứ hai được tổ chức vào tháng 3 năm 2023 nằm trong chuỗi các sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 60 năm đào tạo (1963-2023), 55 năm ngày thành lập (1968-2023) Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng. Hội thảo được tổ chức kết hợp với các sự kiện trong khuôn khổ dự án “Đổi mới và công nghệ đột phá: Đổi mới doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua công nghệ đột phá và tạo mẫu nhanh (In 3D)” được thực hiện từ tháng 7 năm 2019 (Dự án BC HEP 2019) với chủ nhiệm dự án là Đại học Tổng hợp Manchester Metropolitan (MMU), Vương Quốc Anh, tài trợ bởi Hội đồng Anh (về phía Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Viện Quản lý đầu tư xây dựng được giao triển khai Dự án này).

Buổi khai mạc và phiên toàn thể của Hội thảo diễn ra trong ngày 20/03, đã có 9 bài thuyết trình được trình bày (Kỹ năng cần trang bị cho kỹ sư kinh tế xây dựng trong chuyển đổi số ngành Xây dựng; Công nghiệp 4.0 và ngành Xây dựng; Quản lý thông tin tài sản mô hình hóa (BIMFM): Kinh nghiệm từ Malaysia; BIM trong công trình thủy lợi: kinh nghiệm từ IICM-HUCE; Nền tảng cộng tác và tự động hóa BIM mã nguồn mở dựa trên đám mây; Chuyển đổi số cho phát triển bền vững ngành Xây dựng: Một cách tiếp cận nhiều cấp độ, Ordsall Chord – Cách xây dựng đường ray hiện đại; Thực hành BIM 5D trong dự án xây dựng, ERPCons: giải pháp quản trị toàn diện doanh nghiệp xây dựng và dự án đầu tư xây dựng) và trong ngày 21/03 đã có 06 phiên chuyên đề chi tiết xoay quanh chủ đề chính của hội thảo, các chủ đề chi tiết bao gồm:

Chủ đề 1: Hệ sinh thái kỹ thuật số cho quản lý kỹ thuật & kinh tế xây dựng (Digital Ecosystem for Construction Engineering and Economics Management).

Chủ đề 2: Mô hình thông tin công trình, dữ liệu lớn và quản lý dữ liệu (Building Information Modelling, Big Data and Data Management).

Chủ đề 3: Công nghệ đột phá & sáng tạo trong xây dựng (Disruptive & Innovative Technologies in Construction and Civil Engineering).

Chủ đề 4: Đô thị, cơ sở hạ tầng và năng lượng thông minh, bền vững (Smart, Sustainable Cities, Infrastructure and Energy).

Chủ đề 5: AI, Robot và Tự động hóa trong xây dựng (AI, Robotics and Automation in Engineering & Construction).

Chủ đề 6: Giáo dục và Đào tạo, chuyển đổi sang nền Công nghiệp 4.0 (Education and Training, Transformation towards Industry 4.0).

Cũng trong khuôn khổ Hội Thảo, Ban tổ chức đã tổ chức trưng bày các bài thi đạt giải và trao giải “Cuộc thi sáng tạo sinh viên ngành Xây dựng” cho 11 ý tưởng nghiên cứu của các sinh viên trong nước và quốc tế.

Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp. Các bài báo toàn văn được chấp nhận sau phản biện sẽ được xuất bản trong Kỷ yếu hội thảo do AIP xuất bản có chỉ mục Scopus và thuộc danh mục ESCI của Web of Science. Ban tổ chức Hội thảo sẽ làm việc với Tạp chí International Journal of Building Pathology and Adaptation (Nhà xuất bản Emerald, thuộc danh mục của các cơ sở dữ liệu Scopus và WoS-ESCI) để biên tập các số đặc biệt cho các bài báo có chất lượng cao được lựa chọn từ Hội thảo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích