Chuyển đổi số nâng cao năng lực cho ngành giáo dục Thủ đô
Những thành tựu trong chuyển đổi số ngành giáo dục
Những năm qua Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong giáo dục. Cụ thể, để việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trở thành nếp quen trong dạy và học, năm học 2022 – 2023, các trường học trên địa bàn TP. Hà Nội tích cực hướng dẫn giáo viên, học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố đã hoàn thành triển khai phần mềm quản lý chuyên ngành để quản lý 100% hồ sơ học sinh phổ thông, mỗi học sinh có 01 mã định danh duy nhất; hoàn thành quản lý hồ sơ, kết quả học tập của học sinh các cấp học phổ thông và giáo dụng thường xuyên trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo.
Từ năm học 2023 – 2024, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử sẽ được tích hợp chữ ký số; hiện, 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đã triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Sở GD&ĐT cũng đã hợp tác với Trung tâm Giải pháp CNTT giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị liên quan triển khai hệ thống tuyển sinh các lớp đầu cấp. Trong đó, xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10 THPT cho 71.545 học sinh đạt tỷ lệ 100%; đăng ký thi tốt nghiệp THPT có 102.095 thí sinh đăng ký đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, Sở triển khai hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành tập trung cho 100% cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục trên địa bàn, hệ thống hoạt động ổn định, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành của Ngành. Tổ chức phát động giáo viên toàn ngành tham gia xây dựng học liệu số phục vụ giảng dạy và học trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của thành phố Hà Nội đạt 100%…
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Lưu Hoa cho biết, công tác ứng dụng CNTT luôn được lãnh đạo Sở quan tâm, đầu tư, chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ được giao. Về cơ bản, Sở đã hoàn thiện khá đầy đủ các bước của một Hệ thống giải quyết TTHC.
Tháo gỡ vướng mắc, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng CNTT
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, hiện nay, hệ thống phần mềm một cửa dùng chung của Thành phố đang còn một số tồn tại, như: Đường truyền kết nối chưa ổn định, hệ thống biểu mẫu điện tử của các TTHC còn gặp lỗi, hệ thống xác thực qua mã OTP chưa phản hồi về điện thoại người sử dụng. Tại các nhà trường sau khi được ủy quyền giải quyết các TTHC, thì đội ngũ đều là viên chức đều là kiêm nhiệm (không có công chức), chưa được bồi dưỡng nhiều nên gặp nhiều khó khăn.
Về việc Sở GD&ĐT thực hiện ủy quyền giải quyết các TTHC cho các trường THPT trực thuộc, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có kế hoạch rà soát, tổng hợp danh sách người sử dụng gửi Sở TT&TT để cấp tài khoản, cập nhật Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Thành phố.
Liên quan đến chế độ, chính sách ưu đãi để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các trường học, Phó Giám đốc Sở TT&TT Tiến Sỹ cho hay: Ngày 08/12/2020, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố, trong đó, tại khoản 1 Điều 1 quy định định mức hỗ trợ hàng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về CNTT tại các cơ quan đảng, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, để nâng cao kỹ năng CNTT cho giáo viên và học sinh Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Tập đoàn Meta và Trung tâm Công nghệ Thông tin – Truyền thông Vietnet đã phối hợp triển khai chương trình Tư duy thời đại số; tổ chức biên soạn và ra mắt cuốn tài liệu hướng dẫn dạy học kỹ năng số và an toàn internet dành cho giáo viên.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn thành phố cũng góp phần không nhỏ vào lĩnh vực giáo dục Thủ đô, đặc biệt hỗ trợ các hoạt động ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, hệ thống quản lý.
Theo ông Mạc Quốc Anh – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho biết, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 97,2% số doanh nghiệp trên địa bàn, đã không ngừng phát triển, đổi mới, đóng góp hơn 45% GDP cho Hà Nội. Doanh nghiệp và các trường đại học có mối quan hệ chặt chẽ, trường đại học cung cấp các dịch vụ đào tạo ngắn hạn cho nhân sự của doanh nghiệp; cựu sinh viên khi thành công quay lại hỗ trợ nguồn thu cho nhà trường. Ngoài ra, trường và một số doanh nghiệp cũng phối hợp trong việc đào tạo các tín chỉ thực hành, tín chỉ thực tập cho sinh viên. Qua đó, những sinh viên có đóng góp cho cơ sở thực hành, thực tập sẽ được doanh nghiệp tài trợ hoặc trao học bổng. Trong đó việc đào tạo về công nghệ được ưu tiên hàng đầu, vì đối với nhiều nước công nghệ đã có từ lâu nhưng khi về Việt Nam vẫn là công nghệ mới.
Hiện nay, ngành GD&ĐT Hà Nội đang bám sát chương trình chuyển đổi số của Bộ GD&ĐT. Theo GD&ĐT Hà Nội, các cơ sở giáo dục cần tăng cường tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường. Đồng thời triển khai hiệu quả hệ sinh thái chuyển đổi số về dạy học, kiểm tra, đánh giá, số hoá đồng bộ. Cập nhật thông tin thường xuyên lên Trung tâm điều hành thông minh của ngành. Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số, thanh toán không dùng tiền mặt…
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022. Doanh nghiệp có thể tham gia tự đánh giá trực tuyến mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tại địa chỉ: https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn/KhaoSatCDS/KhaoSatMucDoCDS |
Duy Trinh