Chuyển đổi số là “sân bay” cho du lịch cất cánh
(Xây dựng) – “Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính Covid-19 đã đưa ra cuộc chơi mới cho các doanh nghiệp rằng chuyển đổi số hay là không tồn tại nữa”, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định tại diễn đàn “luồng xanh” cho du lịch cất cánh do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 18/5 tại Hà Nội.
Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, chuyên đề II “Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững”. |
Đây là chuyên đề thứ hai được tổ chức, nối tiếp chuyên đề I “Mở cửa du lịch linh hoạt – an toàn – hiệu quả diễn ra tháng 3 vừa qua, nhằm đưa ra những cách tiếp cận mới giúp ngành Du lịch nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Lê Phúc – Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, chuyển đổi số đang là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành Du lịch. Đây là xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh Covid-19. Chuyển đổi số mang lại cơ hội cho ngành Du lịch có thể phát triển bền vững hơn.
Hiện nay, Tổng cục Du lịch đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đáp ứng yêu cầu tại Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Trong đó, tập trung vào rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật Du lịch, các kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ về chuyển đổi số. Đề xuất điều chỉnh phù hợp các quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các hoạt động giao dịch trên môi trường số trong lĩnh vực du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn, nhất là trong triển khai marketing số, phát triển sản phẩm mới, thiết kế các nền tảng thương mại điện tử… Phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, thông qua việc tổ chức các cuộc thi, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Đại diện cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ VietSens chia sẻ: “Cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phần lớn là nhỏ và vừa, có nguồn lực hạn chế. Do vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp, các sản phẩm công nghệ của ngành Du lịch cần được thiết kế theo hướng hình thành nền tảng số dùng chung, giúp các doanh nghiệp có cơ hội khai thác thông tin, tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả quản trị kinh doanh. Trong đó, tiêu biểu là ứng dụng hướng dẫn du lịch Việt Nam phục vụ các doanh nghiệp lữ hành và hướng dẫn viên; Trang vàng du lịch Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm dịch vụ và kết nối với khách du lịch”.
Nguồn: Báo xây dựng