Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động
Theo nhận định của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, thời gian qua, nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu. Hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt một số kết quả bước đầu.
Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực. Ngoài việc trình Quốc hội các dự án Luật liên quan đến chuyển đổi số, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 16 văn bản quan trọng trong năm 2022 (gồm 04 Nghị định, 01 Nghị quyết của Chính phủ và 10 Quyết định, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ); nổi bật là Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị định số 104/2022/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Chính phủ là căn cứ pháp lý quan trọng để thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và chuyển sang môi trường số.
Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển: (i) Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới; (ii) Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến các phường, xã, thị trấn; (iii) Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử…).
Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động…
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả: Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); nhiều dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp được cung cấp kịp thời, hiệu quả (đăng ký dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 02 dịch vụ công liên thông đăng ký khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử – xóa đăng ký thường trú – trợ cấp mai táng phí).
Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Các địa phương phải quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện thu thuế điện tử từ các cửa hàng ăn uống, không cấp phép hoạt động khi chưa thực hiện nộp thuế điện tử; bảo đảm chống thất thu thuế trong ngành du lịch, ngành ăn uống…
Ảnh minh hoạ
Những hạn chế cần khắc phục
Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Chưa phát huy được vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chuyển đổi số; còn 3/12 chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chưa hoàn thành, trong đó, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp bộ còn thấp. Chuyển đổi số còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn. Một số địa phương thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn và chưa nhất quán trong chuyển đổi số. Còn 266 thôn, bản chưa được phủ sóng di động, thiếu điện.
Thể chế, cơ chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung còn chậm.
Hạ tầng số, các nền tảng số quốc gia chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra; các nền tảng số phục vụ giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội còn thiếu. Nhiều CSDL quốc gia, chuyên ngành triển khai còn chậm; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, còn tình trạng cát cứ thông tin, manh mún, chia cắt…
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là thiếu quyết liệt, ngại va chạm trong chỉ đạo, thực hiện, nhất là người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương, chưa coi chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số, xác định phát triển kinh tế nhanh, bền vững phải dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; việc rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách còn chưa tập trung triển khai thực hiện; thiếu kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin, CSDL; các phần mềm chậm được nâng cấp, phát triển, một số dịch vụ công chưa thân thiện với người dùng; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chú trọng bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân; thiếu các công cụ kỹ thuật số để kiểm tra, giám sát chuyển đổi số, còn phụ thuộc vào phương thức truyền thống; việc thông tin, truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 chưa được coi trọng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2030 là năm “Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”, trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; tăng cường bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Chuyển đổi số là vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm, cần phải tiếp thu những thành tựu, kinh nghiệm quốc tế, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Chuyển đổi số nói chung phải được tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị; nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm; dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, bảo đảm phương châm dữ liệu phải “đúng, đủ, sạch, sống”, an toàn thông tin; thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí, đặc biệt là tránh hình thức.
Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, là nguồn lực cho chuyển đổi số, nhằm cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thực chất, hiệu quả và hướng tới việc hình thành công dân số, xã hội số.
Chính phủ số là động lực chính, then chốt, dẫn dắt việc xây dựng nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Bảo Lâm