Chuyển đổi số để phát huy di sản mỹ thuật
Minh chứng là vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) xây dựng Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức” nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan. Nhờ đó, khách tham quan không bắt buộc phải đến tận quầy để mua vé vào thăm Bảo tàng mà có thể chủ động mua vé trực tuyến từ bất kỳ nơi đâu và tự soát vé bằng nhiều phương thức một cách nhanh gọn và dễ dàng.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh khẳng định, việc áp dụng hệ thống vé điện tử không chỉ giúp Bảo tàng nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại tiện ích thiết thực cho khách tham quan, thuận lợi hơn cho hướng dẫn viên và doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Bảo tàng, mà đây còn là cơ hội quảng bá Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tới công chúng trong nước và quốc tế, thể hiện nỗ lực không ngừng của Bảo tàng trong quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính, phù hợp với xu thế của thời đại.
Du khách tham quan Bảo tàng bằng vé điện tử in tại quầy. |
Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ triển khai áp dụng Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, ông Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) cho biết, đây là giải pháp mới, hoàn toàn khác biệt và vượt trội với các hệ thống vé điện tử đang được giới thiệu trên thị trường, nhằm hỗ trợ các điểm du lịch đổi mới phương thức quản trị hệ thống vé tham quan, từ khâu bán vé, kiểm soát vé, báo cáo thống kê vé theo hướng khoa học, thuận tiện. Sự khác biệt này thể hiện thông qua 3 từ khóa quan trọng của hệ thống là “Trực tuyến”, “Liên thông” và “Đa phương thức”.
Trong đó, “Trực tuyến” là hỗ trợ du khách, công ty lữ hành, hướng dẫn viên đặt mua vé trực tuyến thông qua Ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”;
“Liên thông”: Hỗ trợ các điểm du lịch có thể liên kết bán vé tham quan liên tuyến, mua vé một lần ở một điểm và sử dụng ở nhiều điểm. Hướng tới liên thông giữa các dịch vụ: du lịch, vận tải, y tế, ngân hàng…
“Đa phương thức”: Du khách có thể sử dụng một trong 3 phương thức khác nhau để sử dụng vé vào cửa: Vé điện tử in tại quầy; Vé tích hợp trên ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel”; Vé tích hợp trên Thẻ Việt – Thẻ du lịch thông minh.
Ngoài ra, tính năng vé tập thể, vé đoàn cho phép khách đi theo đoàn có thể sử dụng 1 vé duy nhất cho tất cả thành viên, thay vì mỗi người một vé như cách truyền thống.
Việc áp dụng hệ thống này sẽ tạo thuận lợi cho khách đến tham quan, giảm thời gian chờ đợi, xếp hàng, thúc đẩy giao dịch không dùng tiền mặt; tăng tính chủ động cho các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên trong việc đưa khách đến tham quan; loại bỏ vé giấy truyền thống, góp phần tiết kiệm chi phí, giảm rác thải, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cung cấp công cụ hữu hiệu cho ban quản lý điểm đến kiểm soát, nắm bắt được nhu cầu, hành vi, xu hướng của các đối tượng khách khác nhau; đồng thời tăng tính liên kết giữa các điểm đến, dịch vụ công cộng mang lại trải nghiệm toàn trình cho du khách.
“Cùng với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hiện nay, Trung tâm Thông tin du lịch đã hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm đến trên địa bàn thành phố Hà Nội như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Đền Quán Thánh. Qua thực tiễn đã chứng minh được hiệu quả hoạt động vượt trội, mang lại rất nhiều tiện ích cho du khách, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên và ban quản lý điểm đến”, ông Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch chia sẻ thêm.
Chuyển đổi số đang là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành du lịch Việt Nam, trong đó có các bảo tàng, di tích và các cơ sở du lịch. Nghị quyết 82 của Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy nhanh chuyển đổi số trong ngành du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh hỗ trợ công tác quản lý nhà nước, kinh doanh dịch vụ du lịch và nâng cao trải nghiệm du khách.
Trong thời gian qua, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh đồng bộ, thống nhất. Trung tâm Thông tin du lịch được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam giao xây dựng hệ sinh thái số dùng chung trong ngành như nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch, ứng dụng Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel, Thẻ du lịch thông minh… trong đó có Hệ thống vé điện tử “Trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức”.
Đây là một giải pháp mới nhằm hỗ trợ các điểm tham quan, bảo tàng, khu di tích đổi mới phương thức bán và soát vé tham quan, tạo thuận lợi cho cả 3 bên: Khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành và ban quản lý điểm đến.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc đánh giá: “Việc ra mắt hệ thống vé điện tử ngay trong những ngày đầu năm mới 2024 và trước thềm Tết nguyên đán Giáp Thìn là hoạt động rất ý nghĩa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan”. Đồng thời mong muốn các doanh nghiệp lữ hành sẽ tận dụng các tính năng ưu việt đặt vé trực tuyến, tăng cường kết nối đưa nhiều hơn khách du lịch đến với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để chiêm ngưỡng những bộ sưu tập quý giá của nền mỹ thuật Việt Nam và trải nghiệm nhiều hoạt động sáng tạo thú vị tại Bảo tàng.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng hệ thống vé điện tử “Trực tuyến – Liên thông – Đa phương thức” sẽ phát huy hiệu quả thiết thực, giúp Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước, trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến với Thủ đô Hà Nội. Qua đó, góp phần tích cực vào hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành du lịch là đón 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 850 nghìn tỷ đồng như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Nguồn: Báo lao động thủ đô