Chuyển đổi số để hội nhập thành công với nền kinh tế số
Chuyển đổi số giúp DN có sức chống chịu tốt hơn
Traphaco là một trong những doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thích ứng với nền kinh tế số để có những bước tăng trưởng ngoạn mục. Bà Vũ Thị Thuận, Tổng giám đốc Traphaco, cho biết: Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, Traphaco đã chủ động đầu tư công nghệ dược phẩm hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng rô-bốt trong sản xuất, tạo lợi thế dẫn đầu về Pharma 4.0 tại Việt Nam; Công ty cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bán hàng (DMS); Sử dụng công nghệ thanh toán thông minh, áp dụng phần mềm quản lý đa chức năng (ERP) trong quản lý doanh nghiệp; phân tích và khai thác dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống BI (Business Intelligence), đánh giá năng lực từng đại lý, nhà thuốc để tối ưu hóa các chính sách bán hàng.
Theo Báo cáo tài chính của Traphaco, ước tính trong quý 3/2021, doanh thu Traphaco (mã chứng khoán: TRA) đạt 560 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 70 tỷ đồng, tăng 37% so với quý 3/2020. Dẫu rằng Traphaco đã không tăng giá bán sản phẩm trong 9 tháng đầu năm nay, như vậy doanh thu tăng phần lớn do sản lượng bán hàng đã tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2021, Công ty đặt mục tiêu với doanh thu thuần đạt 2.100 tỷ đồng và 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 10% và 11% so với năm trước. Với kết quả trên, sau 9 tháng đầu năm, Traphaco đã hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 81% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Một doanh nghiệp khác tưởng như gặp muôn vàn khó khăn do đại dịch là Tổng công ty may 10 cũng đạt được những thành tích ấn tượng. Doanh nghiệp này có 4.000 lao động nếu ngưng sản xuất 1 tháng, chỉ riêng tiền lương chờ việc cho lao động đã là 20 tỷ đồng (trung bình 5 triệu đồng/người). Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết: Nhờ chuyển đổi số kịp thời, dẫu phải chịu giãn cách xã hội, Tổng công ty vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Ví dụ trước kia, các chuyên gia kiểm hàng tới May 10 để kiểm tra chất lượng từng sản phẩm một, thì hiện nay, công việc đó phải thực hiện online. Người kiểm soát chất lượng tại May 10 ghi hình rồi gửi toàn bộ quá trình cho khách hàng. Khách hàng kiểm soát chất lượng từ xa thông qua các kết nối internet nhờ đó việc sản xuất được đảm bảo. May 10 đang nỗ lực vượt khó để đạt kim ngạch khoảng 150 triệu USD”,
Với công ty May Việt Thắng, việc chuyển đổi số đã thực sự là “phao cứu sinh”. Nếu theo công nghệ cũ, để cho ra đời một chiếc quần jean thành phẩm phải mất 13 phút, nhưng nay, với công nghệ lập trình trên máy, chỉ cần chưa tới 10 giây để tạo ra một sản phẩm.
Hệ thống thiết bị công nghệ mới được đầu tư của Việt Thắng đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao, có thể thay thế cho 49 công nhân may thủ công.
Một khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính đến nay đã có khoảng 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số, từ khi xảy ra đại dịch, đã có thêm 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số ở các cấp độ khác nhau.
Chuyển đổi số để hội nhập thành công với nền kinh tế số
Ông Trần Văn Lê, giám đốc Công ty TNHH sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh chuyên sản xuất quạt công nghiệp cho biết: Do giãn cách xã hội, khách hàng của ông không trực tiếp đến nhà máy để đàm phán hợp đồng kinh tế, đặt hàng mà chủ yếu là làm việc online. Những cuộc thương thảo được thực hiện thông qua Smart Room, quy trình nghiệm thu sản phẩm, thanh toán đều được số hóa. Nếu mình không chuyển đổi số sẽ không thể làm ăn với họ được.
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng: quá trình thay đổi từ mô hình DN, mô hình quản lý truyền thống sang DN số, Chính phủ số bằng cách áp dụng công nghệ mới như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… đã thay đổi phương thức điều hành doanh nghiệp, quy trình làm việc, văn hóa DN, văn hóa quản lý tại các cơ quan, tổ chức. Việc áp dụng các công nghệ số tiên tiến vào các quy trình, sản phẩm và tài sản giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, gia tăng giá trị của khách hàng, quản lý rủi ro tốt hơn và mở rộng thị trường, tạo ra nhiều cơ hội tạo doanh thu mới.
Sự chuyển đổi này mang tính toàn cầu và do đó liên quan đến việc áp dụng các công nghệ số cho cả hoạt động nội bộ và hoạt động bên ngoài; bao gồm các nỗ lực bán hàng, tiếp thị, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ. Để hội nhập với nền kinh tế số, các doanh nghiệp phải thay đổi cơ bản cách thức hoạt động, sẵn sàng chấp nhận sự thay đổi văn hóa và tư duy lại về hiện trạng của doanh nghiệp mình. Khi hội nhập thành công với nền kinh tế số, sẽ mở ra một thị trường mới không giới hạn trong biên giới quốc gia. Các doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với nguồn lực mới, khách hàng mới và công nghệ mới.
Nhận thức được lợi ích của chuyển đổi số, cộng đồng DN đã chủ động, tích cực tìm hướng đi mới, áp dụng chuyển đổi số trong vận hành DN để có thể duy trì tối đa hoạt động sản xuất-kinh doanh. Mô hình nền kinh tế số đang hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, nhiều DN, trong đó có nhiều DN nhỏ và vừa (SMEs) còn mơ hồ khi định hướng và triển khai hoạt động sản xuất-kinh doanh theo mô hình kinh tế số.
Một khảo sát của Công ty Công nghệ Thông tin VNPT (VNPT-IT) cho hay: Trên 80% lãnh đạo DN cho rằng chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết, khoảng 65% lãnh đạo DN dự kiến sẽ tăng đầu tư cho chuyển đổi số. Những giải pháp ưu tiên cao trong DN hiện nay là làm việc từ xa ở quy mô lớn, an ninh mạng, thương mại và tiếp thị điện tử, cũng như tự động hóa quy trình.
Chuyển đổi số tạo cơ hội kết hợp các phương pháp thực hành và cách thức thực hiện để tạo ra các kỹ thuật, kỹ năng và nguồn thu nhập mới. Nhờ đó mà có thể làm giảm chi phí nhờ tiết kiệm thời gian trong các quy trình; Phân cấp sản xuất bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và liên lạc từ xa; Cải thiện hiệu quả hoạt động và năng suất, mở ra cánh cửa cho các cơ hội kinh doanh và doanh thu mới, cho phép tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới.
Chuyển đổi số còn làm tăng tốc độ phản ứng với những thay đổi của nhu cầu trên thị trường, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty bằng cách nâng cao chất lượng của các sản phẩm được sản xuất.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho răng: chuyển đổi số còn góp phần thúc đẩy văn hóa đổi mới, chuẩn bị cho doanh nghiệp để lường trước bất kỳ sự gián đoạn nào. Đồng thời nó còn cải thiện sự tích hợp và hợp tác nội bộ bằng cách tạo điều kiện giao tiếp giữa các bộ phận. Chuyển đổi số còn hỗ trợ cho việc ra quyết định bằng cách đào sâu phân tích dữ liệu (Big Data) và thu hút tài năng mới, thúc đẩy sự công nhận của các hệ thống và đánh thức sự quan tâm của các chuyên gia chuyên ngành.
Để chuyển đổi số thành công
Trao đổi với một số doanh nghiệp đã chuyển đổi số thành công, dẫu còn có một vài ý kiến khác nhau nhưng có thể tóm tắt lại trong 3 yếu tố quyết định là: Con người; Thể chế và Công nghệ;
Với yếu tố con người, thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số; nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Với mỗi DN, tùy theo hoàn cảnh của mình cần đánh giá phân tích rủi ro của riêng mình, trong đó có thể bao gồm những rủi ro như an toàn, an ninh mạng, quản trị dữ liệu, tính bảo mật, chất lượng giảm, giảm việc làm… Hiện những rủi ro này đang từng bước được hạn chế và khắc phục.
Về mặt thể chế, “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 khẳng định: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Hiện Chính phủ cũng đã ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Theo đó, dịch vụ công trực tuyến sẽ tăng từ 30% năm 2020 lên 100% vào năm 2021.
Các hoạt động của Chính phủ sẽ chuyển nhanh lên môi trường số, kể cả những hoạt động thanh, kiểm tra. Chính phủ sẽ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình này thông qua việc hoàn thiện các thể chế số. Trong năm 2021, Chính phủ đã và đang ban hành nhiều nghị định và chiến lược liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số. Đó là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả và thành công.
Về mặt công nghệ, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, các nhà mạng viễn thông đã thực hiện gói hỗ trợ cước viễn thông và Internet lên tới 10.000 tỷ đồng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng một bộ phần mềm hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, miễn phí từ 3-6 tháng, hiện có trên 10.000 doanh nghiệp đang sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng, tần số, thiết bị đầu cuối, thanh toán điện tử…
Chuyển đổi số đang là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp. Đặc biệt là với các doanh nghiệp chưa chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho công nghệ số. Nhận thức được cơ hội là điều rất quan trọng để từ đó quyết tâm thay đổi mới có thể hội nhập thành công với nền kinh tế số.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu