Chuyển đổi số bổ trợ cho ngành xây dựng và bất động sản

(TN&MT) – Xu hướng chuyển đổi số trong ngành xây dựng và bất động sản (BĐS) đang mang lại cho doanh nghiệp nhiều cơ hội cạnh tranh và phát triển. Các chuyên gia đánh giá đây là điều cần thiết để nâng cao hiệu suất làm việc và bắt kịp xu thế toàn cầu.

ab.jpg
Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số để thích ứng với sự thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg về Ngày Chuyển đổi số quốc gia, lấy ngày 10/10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức. Theo các chuyên gia, Ngày Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực tiến tới toàn cầu. Ngành xây dựng Việt Nam và ngành BĐS cũng không đứng ngoài cuộc. Với mong muốn sớm “bắt nhịp” kịp cùng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, các hiệp hội, công ty ngành xây dựng, BĐS cũng đã khởi động nhiều dự án, kế hoạch thiết thực.

Bà Đinh Thị Mỹ Bình – Giám đốc Công ty CP Valenta cho rằng: “Chuyển đổi số trong ngành xây dựng là thuật ngữ khá mới mẻ. Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất sơn và cung ứng cho ngành xây dựng, chúng tôi cũng thấy được sự cần thiết của việc chuyển đổi số. Tuy vậy, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty Valenta cũng cảm thấy bỡ ngỡ, khó khăn và không biết sẽ bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào.

Vì thế, Công ty Valenta chúng tôi rất cần được các chuyên gia sẻ chia kinh nghiệm, chia sẻ về những kiến thức để các doanh nghiệp ứng dụng lý thuyết và thực tế, thực hành tốt hơn. Thực tế, thời gian qua, chuyển đổi số đã mang lại những giá trị vượt trội cho doanh nghiệp, không chỉ nâng cao hiệu suất làm việc của tập thể mà còn tạo nền tảng vững vàng để xây dựng giá trị cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới”.

Còn ông Phan Trung Kiên – Giám đốc Công ty TNHH TM XNK Phan Khang, một trong những đơn vị dẫn đầu về việc triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử ngành hàng “Vật liệu xây dựng” cho rằng: “Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện chỉ dành riêng cho những doanh nghiệp lớn. Đó là câu chuyện tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Ngày nay, khả năng áp dụng các thay đổi trong công nghệ của nhân sự chiếm 80% đến sự thành bại của dự án chuyển đổi số. Ở quy mô nhỏ như cửa hàng thì năng lực nhân sự còn nhiều hạn chế.

Doanh nghiệp luôn mong muốn đạt được những điều to lớn nhưng năng lực nội tại không đáp ứng được. Hiện nay, người tiêu dùng đã thay đổi lối sống và thói quen mua hàng do tác động của dịch Covid-19. Nhiều thói quen đã ăn sâu vẫn có thể thay đổi do xu hướng toàn cầu. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ – Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch. Điều này thôi thúc các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số để thích ứng”.

Đối với lĩnh vực BĐS, các chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định: Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu. Điều này giúp minh bạch thị trường BĐS, giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Đồng thời, doanh nghiệp chủ động thích ứng và có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng trải nghiệm cho khách hàng, mở rộng thị trường, từ đó tăng doanh thu, làm gia tăng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chậm chạp và không có chiến lược chuyển đổi số phù hợp sẽ bị tụt lại và có nguy cơ bị đào thải.

cds(1).jpg
Chuyển đổi số trong lĩnh vực BĐS là xu hướng tất yếu

Ông Trần Ngọc Anh – Chủ tịch Công ty CP BĐS Công nghệ MGI đã chia sẻ về ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động môi giới BĐS. Theo ông Ngọc Anh, về thị trường BĐS Việt Nam còn quá nhiều thứ để làm. Thị trường như mới sơ khai thôi, tiềm năng còn quá lớn. Và Việt Nam nằm trong những quốc gia có dân số lớn trong khu vực Đông Nam Á, nhu cầu nhà ở lớn, thị trường khá non trẻ so với quốc gia khác nên cần phát huy hơn nữa thế mạnh của chúng ta.

Ông Trần Ngọc Anh lấy ví dụ ở nước ngoài thì thông thường môi giới BĐS rất chuyên nghiệp, họ có giấy phép và đứng ra thực hiện giao dịch cho người bán. Họ phải phải học rất nhiều thứ để trở thành một chuyên gia, nếu làm sai thì bị tước bằng và rất khó khăn quay lại với nghề. Việt Nam là thị trường BĐS lớn nhưng lại thiếu những môi giới chuyên nghiệp, bài bản, số lượng đông nhưng chất lượng ít. Khách hàng cũng không biết được môi giới nào làm tốt để đặt niềm tin, đây cũng là “nỗi đau” của người mua nhà và chủ nhà.

“Thứ nhất, môi giới có sản phẩm nhưng không có đầu ra. Thứ hai, môi giới có khách nhưng lại không có nguồn hàng, MGI sẽ giúp họ tiếp cận môi giới nơi mà khách cần nguồn hàng để tăng tính hiệu quả. Nguồn hàng tại MGI gồm sản phẩm bán sơ cấp, thứ cấp và cho thuê khắp cả nước và cả nước ngoài nên rất phong phú cho môi giới. Tại MGI, khách hàng cũng nhìn thấy môi giới phụ trách khu vực, môi giới sẵn sàng chia sẻ hoa hồng với nhau, như vậy người có khách có thể kết hợp với người có sản phẩm để đi đến kết quả tốt hơn.

Thứ ba, trong quá trình môi giới giao dịch cho khách thì hệ thống cũng có thể kết nối ngân hàng, văn phòng luật, phòng công chứng để hoàn tất hồ sơ nhanh chóng hơn. Trước đây môi giới phải tự làm, nhưng MGI sẽ có hợp tác với các ngân hàng, họ chỉ cần bấm nút thì sẽ tự động kết nối với ngân hàng và ngân hàng sẽ chủ động xử lý hồ sơ cho môi giới”, ông Trần Ngọc Anh chia sẻ thêm.

Theo các chuyên gia, trong quá trình xây dựng các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành xây dựng, BĐS thì cần phải nghiên cứu, xem xét lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số. Cụ thể, chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành xây dựng, BĐS. Kế hoạch xác định trung tâm của chuyển đổi số là phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số, do vậy, thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Bạn cũng có thể thích