Chuyển đổi sang nhà máy thông minh: Nhìn từ doanh nghiệp ‘dò đá tìm đường’

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình hoạt động của nhà máy thông minh đã và đang được triển khai rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản xuất, trở thành xu thế tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, hoạt động chuyển đổi số thúc đẩy các nhà máy sản xuất chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, cho phép thực hiện các giao tiếp từ máy tới máy (M2M) dựa trên nền tảng IoT nhằm mục tiêu tăng khả năng tự động hóa, cải thiện hoạt động kết nối, giao tiếp và giám sát quá trình sản xuất trong nhà máy.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Chia sẻ từ câu chuyện của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty cho biết, chuyển đổi số, nhất là chuyển đổi số một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp truyền thống tiền internet còn khó hơn gấp bội, trong khi không có hình mẫu nhất định. Tuy nhiên, nhờ xác định mục tiêu rõ ràng, tìm con đường đi đến đích bằng cách vừa học, vừa tự học, vừa làm, dò đá tìm đường, Rạng Đông từng bước chuyển mình, trở thành doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số.

“Rạng Đông trở thành doanh nghiệp tiên phong cung cấp hệ thống giải pháp đồng bộ dựa trên công nghệ lõi là chiếu sáng và internet vạn vật (IoT), góp phần kiến tạo ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp chính xác; Thúc đẩy cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên – thông minh – hạnh phúc –  thân thiện với môi trường…”, ông Nguyễn Đoàn Thăng nói.

Trong 4 năm 2020 – 2023, từ đại dịch Covid-19 đến nay, kinh tế thế giới và Việt Nam suy giảm, song nhờ chuyển đổi số thành công, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Rạng Đông vẫn giữ mức cao, cụ thể: năm 2020 tăng 15,6%; 2021 tăng 15,9%; 2022 tăng 21%; 2023 tăng 20,4% so với năm trước; quý I/2024 tăng 32,74% so cùng kỳ.

Triển lãm thiết bị robot để sản xuất trong nhà máy thông minh của Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông. 

Nói sâu hơn về IoT, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, IoT mở ra những tiềm năng lớn trong việc tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả. IoT không chỉ làm thay đổi cách mà các nhà máy hoạt động mà còn tạo ra một môi trường sản xuất linh hoạt và kết nối, giúp tăng năng suất và giảm chi phí.

IoT kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra cánh cửa cho các hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn, nhờ vào dữ liệu trực tuyến và khả năng kết nối với các hệ thống tự động, nhà máy có thể tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu lỗi nhân công và tăng cường độ chính xác. Hệ thống tự động hóa có thể tự động kiểm soát các quy trình sản xuất từ việc lắp ráp đến đóng gói, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cung cấp sản phẩm với chất lượng cao hơn.

Lấy dẫn chứng cụ thể tại Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết, khi kết hợp IoT, công nghệ ánh sáng và AI ứng dụng trong nhà thông minh thì AI sẽ học và điều chỉnh theo cách mà người dùng mong muốn để tối ưu hóa tiện ích và tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống chiếu sáng thông minh được trang bị cảm biến và kết nối mạng thông qua IoT, có khả năng tự động điều chỉnh cường độ, màu sắc và hướng ánh sáng dựa trên các điều kiện môi trường và yêu cầu của người dùng. Tích hợp với AI, hệ thống có thể học và điều chỉnh theo cách mà con người sử dụng không gian, tạo ra một môi trường ánh sáng tốt cho sức khỏe và tiết kiệm năng lượng.

Hay trong nông nghiệp, các cảm biến IoT thu thập dữ liệu về đất đai, thời tiết và cây trồng, AI phân tích dữ liệu để đưa ra giải pháp nông nghiệp thông minh như tưới nước tự động hoặc kiểm soát sâu bệnh. Công nghệ chiếu sáng có thể được sử dụng trong các trang trại thông minh để tạo ra môi trường phát triển tối ưu cho cây trồng, thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng và tăng năng suất.

Hệ thống chiếu sáng được điều khiển thông qua IoT cung cấp ánh sáng tùy chỉnh với bước sóng và cường độ thích ứng với các yêu cầu cụ thể của từng loại cây và từng giai đoạn phát triển. Kết hợp cảm biến đất đai và thời tiết với hệ thống chiếu sáng thông minh, giúp quản lý nước và dinh dưỡng một cách hiệu quả, đảm bảo cây trồng được phát triển trong điều kiện lý tưởng nhất.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang từng ngày, từng giờ nỗ lực chuyển đổi số để bắt nhịp xu hướng số, chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng tin tưởng rằng với sự quyết tâm của doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước,… kỳ vọng đạt được các mục tiêu đề ra.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích