Chuyển đổi năng lượng sạch: Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị tại Việt Nam

Chuyển đổi năng lượng sạch: Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị tại Việt Nam

Thuỷ Anh –  Thứ năm, 29/09/2022 15:44 (GMT+7)

Vừa qua Ủy ban đối ngoại của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lượng phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Hội thảo tập trung thảo luận về các nội dung như: Tổng quan ngành năng lượng Việt Nam; thực trạng tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam; hiện trạng triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực này và phương hướng trong thời gian tới; giải pháp bảo đảm an ninh cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững…

Chuyển đổi năng lượng sạch: Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị tại Việt Nam
“Việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn nhiều rào cản”

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng hiệu quả năng lượng vẫn còn nhiều rào cản như: cần hoàn thiện và ổn định cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư, hỗ trợ giá và nội địa hóa công nghệ; Chi phí đầu tư cao; Năng lượng và trình độ công nghệ sản xuất trong nước còn hạn chế, chất lượng sản phẩm và tuổi thọ thấp, chưa sản xuất được các thiết bị trung tâm của hệ thống… Dó đó, để phát triển năng lực tái tạo cần thúc đẩy mạnh mẽ cơ chế khuyến khích chính sách giá ưu đãi mua điện Feed-in-Tariff (Fit),… Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý, thu hút nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo được lựa chọn thông qua đấu thầu;…

Đại diện Đại sứ quán một số quốc gia, vùng lãnh thổ và đại diện một số tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam cũng đã chia sẻ về tình hình phát triển năng lượng và kinh nghiệm phát triển cũng như đối phó với khủng hoảng năng lượng, khuyến nghị cho Việt Nam các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đồng thời bày tỏ mong muốn được tham gia vào các dự án phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Bà Kristina Buende – Trưởng Ban Hợp tác phát triển Phái đoàn EU cho biết, trọng tâm trong chính sách ứng phó của EU là tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Thỏa thuận Xanh Châu Âu là tiền đề và trung tâm của Chính sách Năng lượng của EU. EU đặt trọng tâm lớn vào các nguồn năng lượng sạch hơn, chẳng hạn như thúc đẩy năng lượng tái tạo và hydro carbon thấp.

Để ứng phó với những khó khăn, bà Kristina Buende cho biết, “chúng tôi đang ứng phó bằng các hành động cụ thể và phù hợp, với các biện pháp ngắn hạn và trung hạn, thực hiện cách tiếp cận tích hợp của EU với các Quốc gia Thành viên của chúng tôi. Chúng tôi đang nhanh chóng đa dạng hóa lĩnh vực năng lượng của mình, tập trung vào quá trình chuyển đổi và tìm nguồn cung ứng năng lượng sạch.”

Bà Kristina Buende lưu ý, cần xem xét tình hình địa chính trị đang phát triển và tác động của nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên toàn thế giới, điều cốt yếu là phải hành động ngay bây giờ. EU sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững thực sự, vì lợi ích của an ninh năng lượng lâu dài và phát triển con người không ngừng.

Phó Đại sứ Australia tại Việt Nam Mark Tattersall cho biết: Australia cũng phải đối diện với những thách thức hiện hữu như: cơ sở hạ tầng năng lượng đã cũ và hệ thống lưới điện cần được đầu tư đấng kể để đáp ứng được tỷ trọng năng lượng tái tạo cao; cần hỗ trợ cộng đồng và thu hút sự tham gia phù hợp của cộng động vào quá trình chuyển đổi năng lượng,… Tuy nhiên, Australia đã xây dựng một kế hoạch toàn diện nhằm giảm lượng phát thải, dự án Hệ thống tích hợp năm 2022, sản xuất điện bằng công nghệ tại Australia…

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, ông Mark Tattersall nêu rõ, phải lồng ghép các mục tiêu khí hậu với việc sản xuất điện, thị trường carbon và công nghiệp; xây dựng niềm tin của thị trường với các thể chế và quy định về xếp hạn đầu tư/độc lập. Ngoài ra, việc điều chỉnh phù hợp những khác biệt xung quanh các mục tiêu và quỹ đạo phát thải sẽ là chìa khóa cho tiến trình xây dựng chính sách. Cần phải có sự đồng thuận để cân bằng những kỳ vọng khác nhau của các bên liên quan;…

Các chuyên gia cũng lưu ý, cần đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch diễn ra công bằng và bình đẳng cho mọi thành viên trong xã hội; giảm chi phí năng lượng tiêu dùng, tăng cường an ninh năng lượng và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính;… Việc phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thủy triều… được coi là trọng tâm trong chiến lược chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, phát triển năng lượng tái tạo cần đi đôi với giải pháp lưu trữ năng lượng nhất là khi tỷ trọng tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện ngày càng cao.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích