Chuyện cô giáo giỏi công nghệ

Xây dựng lớp học điện tử cho trẻ mầm non

Nhận thức sâu sắc vai trò của người thầy, nhất là đối với thế hệ măng non, trong 13 năm công tác dù trải qua bao khó khăn vất vả nhưng cô giáo Hà Thị Hồng Nhung vẫn luôn giữ cho mình sự nhiệt huyết trong nghề như những ngày đầu. Là một đảng viên và giáo viên trẻ tuổi, cô luôn năng động, sáng tạo trong công việc, nhiệt tình tham gia các phong trào, các cuộc thi do ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Chuyện cô giáo giỏi công nghệ
Cô giáo Hà Thị Hồng Nhung tổ chức giờ học điện tử cho trẻ mầm non Trường Mầm non Tây Mỗ A, Nam Từ Liêm. (Ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19)

Điển hình là cô Nhung đã tiên phong đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong bài giảng nhằm thu hút sự chú ý và tương tác của học sinh. Nhiều hôm cô thức muộn, miệt mài làm trò chơi mới trên máy tính để sử dụng vào bài dạy. Chính vì thế mà nhiều năm liền cô được nhà trường tin tưởng giao cho tham gia Hội thi công nghệ thông tin cấp quận cũng như Thành phố.

Được sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu nhà trường cùng đồng nghiệp, đặc biệt là với sự mày mò, tâm huyết nghiên cứu, các bài thi của cô năm nào cũng được hội đồng chấm thi đánh giá và đạt giải cao. Ba năm liên tiếp, cô giáo Hà Thị Hồng Nhung đạt giải Nhất công nghệ thông tin cấp quận và cũng 2 năm liên tiếp đạt giải Nhì công nghệ thông tin cấp Thành phố, có bài dự thi lọt vòng chung khảo cấp Quốc gia.

Mỗi năm, cô lại nghiên cứu, tìm tòi, cập nhật những công nghệ mới để làm cho bài giảng của mình được phong phú hơn từ đó giúp trẻ lĩnh hội được những bài học hay và bổ ích, bắt kịp theo xu thế thời đại “giáo dục thông minh trong thời kỳ hội nhập”. Các giải pháp ứng dụng đồ dùng công nghệ vào trong dạy học cấp mầm non của cô được ghi nhận và đánh giá cao về tính sáng tạo, an toàn trong sử dụng.

Cô Hà Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của tiếp cận công nghệ thông tin từ sớm, dựa vào đặc điểm tâm sinh lí của trẻ mầm non và qua thực tế của lớp, tôi đã mạnh dạn lên kế hoạch “Xây dựng lớp học điện tử cho trẻ 5- 6 tuổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong thời kỳ chuyển đổi số”. Sau đó, tôi xin ý kiến chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường và kết hợp với đồng nghiệp cùng lớp, trong khối, đại diện Ban Phụ huynh lớp để đưa mô hình này vào cho trẻ nhằm giúp trẻ được tham gia học một cách tích cực, vui vẻ”.

Chỉ cần vài cái “nhấp chuột”, hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ngay ra với hiệu ứng của những âm thanh sống động, ngay lập tức thu hút được sự chú ý và kích thích hứng thú của trẻ con. Đây có thể coi là một phương pháp ưu việt rất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi mầm mon. Các con thật sự hứng thú, bị cuốn hút bởi nội dung phong phú, hình ảnh đẹp bắt mắt của các trò chơi mang tính tương tác cao. Những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin không chỉ giữ cho riêng mình, cô Nhung đã lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng, trò chơi cho toàn thể giáo viên trong trường qua những buổi họp chuyên môn vào cuối tháng.

Chỉ cần vài cái “nhấp chuột”, hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ngay ra với hiệu ứng của những âm thanh sống động, ngay lập tức thu hút được sự chú ý và kích thích hứng thú của trẻ con. Đây có thể coi là một phương pháp ưu việt rất phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ lứa tuổi mầm mon.

Các con thật sự hứng thú, bị cuốn hút bởi nội dung phong phú, hình ảnh đẹp bắt mắt của các trò chơi mang tính tương tác cao. Những kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin không chỉ giữ cho riêng mình, cô Nhung đã lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm thiết kế bài giảng, trò chơi cho toàn thể giáo viên trong trường qua những buổi họp chuyên môn vào cuối tháng.

Sau khi xây dựng mô hình thành công tại lớp học của mình, sáng kiến này cũng đã được sự nhất trí của Ban Giám hiệu nhà trường để triển khai áp dụng tại 6/6 lớp mẫu giáo lớn và đã nhận được những phản hồi rất tích cực. Với đề tài “Ứng dụng phương pháp giáo dục STEAM vào trong hoạt động góc cho trẻ 5 – 6 tuổi ở trường mầm non”, năm học 2019 – 2020, sáng kiến kinh nghiệm của cô Nhung đã đạt loại B cấp Thành phố.

Người có tấm lòng nhân ái

Ở trường, cô giáo Hà Thị Hồng Nhung luôn hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao, khi về nhà cô cũng luôn làm tròn công việc vừa là người con hiếu thảo, vừa làm mẹ, làm cha của 2 đứa nhỏ. Vì đặc thù công việc, là kỹ sư cầu đường nên chồng cô thường xuyên đi công tác xa nhà, có khi hai ba tháng mới về thăm ba mẹ con một lần. Có những lần cô tâm sự: “Nhiều khi nghĩ cũng buồn vì mỗi ngày đi làm về nhà ba mẹ con lại thui thủi ăn cơm với nhau”.

Bộn bề với công việc, học các lớp nâng cao trình độ cho bản thân rồi lại chăm sóc gia đình nhỏ nhưng cô giáo Hà Thị Hồng Nhung vẫn tích cực tham gia hoạt động tập thể, làm nhiều việc tốt cho xã hội. Cô giáo Nhung rất tích cực tham gia hiến máu nhân đạo và làm tình nguyện ở các chùa và các nhóm thiện nguyện. Mỗi thứ 3 hàng tuần, cô lại cùng nhóm từ thiện nấu cháo phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện K3 cơ sở Tân Triều, thăm hỏi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tham gia chương trình áo ấm vùng cao…

Cô cũng tham gia chương trình “Lọ đựng tình thương”, hàng tháng gửi tiền để cùng chung tay nuôi các em nhà số 12 trong Làng trẻ em SOS. Đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, cô cùng những mạnh thường quân đã tặng quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn để động viên họ vượt qua dịch bệnh.

Đối với đồng nghiệp, cô Nhung cũng rất nhiệt tình, tốt bụng. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh, đồng nghiệp của cô Nhung chia sẻ: Tôi cùng chị Nhung chủ nhiệm lớp mẫu giáo lớn A3, ngay từ đầu năm học chị đã lên kế hoạch cùng với giáo viên trong lớp số hóa toàn bộ hồ sơ sổ sách và bài giảng để tạo cầu nối giữa gia đình và nhà trường một cách tích cực. Được làm cùng chị 2 năm học, tôi đã học hỏi được ở chị rất nhiều từ kỹ năng sư phạm, giao tiếp với phụ huynh, cách truyền đạt kiến thức để trẻ lĩnh hội được bài dạy.

Năm nay, tôi và chị cùng tham gia Ngày Hội công nghệ thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lần thứ V năm 2021. Tôi mới tham gia năm đầu tiên còn chị đã tham gia rất nhiều cuộc thi và lần nào cũng được giải cao. Chị đã không ngại giúp tôi, vừa làm bài của mình vừa hướng dẫn tôi trong suốt quá trình hoàn thiện bài dự thi. Kết quả, tôi đã được giải Nhì cấp quận và giải Khuyến khích cấp Thành phố về thiết kế bài giảng điện tử.”

Đồng nghiệp và phụ huynh đều nhận thấy sự say nghề của cô Nhung, sự tâm huyết, sáng tạo của cô là không ngừng nghỉ. Với những cố gắng và nỗ lực đó, danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2021 của Thành phố dành cho cô giáo Hà Thị Hồng Nhung là vô cùng xứng đáng.

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích