Chuyển biến tích cực trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Một trong những giải pháp quan trọng, giúp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động về công tác này.

Theo Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, năm qua, các cơ quan chức năng của Thành phố đã phối hợp tốt với cơ quan truyền thông của Trung ương và địa phương cung cấp kịp thời tin, bài, tư liệu để phục vụ công tác tuyên truyền thông tin sâu rộng về công tác ATVSLĐ sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực.

Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022, toàn Thành phố đã có trên 4565 băng rôn, khẩu hiệu, áp phích được treo tại các khu vực sản xuất và cổng ra vào của các cơ quan, doanh nghiệp; có 5.000 tờ rơi và 32.000 ấn phẩm sách, báo, sổ tay, tạp chí về ATVSLĐ được phát trực tiếp cho người lao động.

Hà Nội: chuyển biến tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
Đông đảo đại biểu, công nhân lao động xem phóng sự về công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 được phát tại Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng Công nhân năm 2023 của thành phố Hà Nội. (Ảnh minh họa: Nguyễn Công)

Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội đã phối hợp với Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương và Hà Nội cung cấp các tin, bài… bám sát chủ đề của Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 để thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và công tác ATVSLĐ, đồng thời phản ánh thực tế điều kiện làm việc của người lao động (tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ và khu, cụm công nghiệp tập trung nhiều lao động…).

Riêng LĐLĐ Thành phố đã phát trực tiếp tận tay người lao động 25.750 ấn phẩm sách, báo, sổ tay, tạp chí về ATVSLĐ; in 8.000 cuốn tài liệu về “Tai nạn lao động và các chế độ bồi thường trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp“ phát cho các Công đoàn cơ sở. LĐLĐ Thành phố cũng đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức tuyên truyền, huấn luyện công tác ATVSLĐ cho đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở và mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Ngoài ra, các Công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức 1.715 lớp tập huấn cho 95.970 lượt cán bộ Công đoàn, mạng lưới an toàn vệ sinh viên và người lao động tại cơ sở.

Ngoài ra, các Sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố, các quận, huyện, thị xã, các Tổng Công ty trực thuộc UBND Thành phố cũng đều đẩy mạnh các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp về công tác ATVSLĐ, qua đó đã giúp cho nhận thức, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, công dân và người lao động về ATVSLĐ được nâng cao.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực như: Chủ động xây dựng bộ máy làm công ATVSLLĐ, xây dựng các kịch bản ứng phó thích ứng với phòng chống các dịch bệnh; đầu tư kinh phí mua sắm máy, thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc và môi trường lao động qua đó hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện thiếu sót

Cùng với tuyên truyền, công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ cũng được Thành phố hết sức chú trọng. Năm qua, Thành phố đã giao Sở LĐTBXH và LĐLĐ thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ tại doanh nghiệp.

Hà Nội: chuyển biến tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động
Công đoàn ngành Dệt – May Hà Nội khảo sát việc thực hiện chính sách pháp luật vê ATVSLĐ tại doanh nghiệp nhân dịp Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. (Ảnh minh họa: PV)

Các đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện thiếu sót, tồn tại trong công tác ATVSLĐ của các đơn vị, doanh nghiệp và đã kiến nghị, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh khắc phục tồn tại, sai phạm. Ngoài ra, các đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tạm đình chỉ 15 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vi phạm quy định về an toàn trong quá trình sử dụng; xử phạt vi phạm hành chính các 29 đơn vị, công trình xây dựng vi phạm về ATVSLĐ.

Qua kiểm tra 151 đơn vị, công trình xây dựng đã có 405 kiến nghị yêu cầu khắc phục ngay những tồn tại, thiếu sót về an toàn, vệ sinh lao động, từ đó góp phần giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc xâydựng môi trường lao động đảm bảo an toàn, ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.

Các Sở, ngành như: Sở Y tế, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, UBND các quận, huyện, thị xã đều thành lập các đoàn kiểm tra ATVSLĐ phù hợp với đặc thù công việc, ngành nghề. Riêng UBND các quận, huyện, thị xã đã tổ chức 46 cuộc kiểm tra về công tác ATVSLĐ tại 715 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và đã có 1.345 kiến nghị yêu cầu các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp khắc phụ những tồn tại, thiếu sót về công tác ATVSLĐ.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, việc phát hiện các thiếu sót, tồn tại và vi phạm về ATVSLĐ đã giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện và thực hiện công tác ATVSLĐ được tốt hơn, môi trường lao động sản xuất an toàn hơn, góp phần tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp bền vững.

Tai nạn lao động có xu hướng giảm

Ngoài những biện pháp kể trên, năm qua, các cấp chính quyền, các Sở, ban ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội cũng thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với việc sử dụng các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; đăng ký kiểm tra chất lượng về hàng hóa nhập khẩu; chú trọng tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ; quan tâm công tác khen thưởng, thăm hỏi, tặng quả cho các gia đình có người bị tai nạn lao động… qua đó đã giúp cho công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn Thành phố đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Điều này thấy rõ ở việc, năm qua, tình hình tai nạn lao động và cháy, nổ trên địa bàn Thành phố đã được phòng ngừa, kiềm chế sự gia tăng tai nạn lao động, giảm thiểu thiệt hại về người và đã góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn

Cụ thể, theo báo cáo của UBND Thành phố, năm qua, trên địa bàn Thành phố xảy ra 194 vụ tai nạn lao động làm 198 người lao động bị nạn. Trong đó, số vụ tai nạn lao động theo hợp đồng lao động có 114 vụ làm 116 người bị nạn (25 người chết, 36 người thương nặng, 55 người thương nhẹ); số vụ tai nạn lao động không theo hợp đồng lao động 82 vụ tai nạn lao động làm 84 người bị nạn, làm 17 người chết và 36 người bị thương nặng.

So sánh với tình hình tai nạn lao động của năm 2021, năm 2022, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) giảm 1 vụ, số người chết giảm 1 người, số người bị thương nặng giảm 41 người so với năm 2021.

Năm 2023, thành phố Hà Nội đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ATVSLĐ. Trong đó, cùng với tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATVSLĐ, các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ; xử lý nghiêm các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và của công dân.

Phạm Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích