Chuỗi sự kiện ID. Forum và Gala I.S.A: Tôn vinh giá trị cốt lõi và hướng tiếp cận đa dạng trong toàn cầu hóa ngành thiết kế nội thất
(Xây dựng) – Ngày 21/5, tại Hà Nội, Diễn đàn sinh viên nội thất Việt Nam phối hợp và các đơn vị chuyên môn tổ chức chuỗi sự kiện hội thảo ngành thiết kế nội thất và Gala trao giải thưởng sinh viên nội thất Việt Nam. Sự kiện đã quy tụ hàng loạt các tên tuổi kiến trúc sư, nhà thiết kế từ đa quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp, Nhật, Việt Nam… và thu hút hơn 500 khán giả tham dự.
Diễn giả Nguyễn Xuân Mẫn chia sẻ về ứng dụng của AI trong thiết kế của XMArchitect. |
ID.Forum – những tiếp cận mới
Với thông điệp “Những tiếp cận mới”, chương trình kiện hội thảo ngành thiết kế nội thất lần đầu tiên khai thác những chủ đề nóng được bàn luận gần đây như: Sức mạnh và ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo trong thiết kế sáng tạo; Mối liên hệ giữa sự nguyên bản và đa dạng đối với nền nội thất toàn cầu… Đồng thời, sự tham gia đồng hành của Hiệp hội thiết kế nội thất Thái Lan (TIDA) cũng đánh dấu một bước khởi đầu mới giao lưu, trao đổi giữa các quốc gia trên thế giới xoay quanh câu chuyện thiết kế nội thất.
Với góc nhìn đa chiều về trí tuệ nhân tạo, trong chương trình tọa đàm đầu tiên mang tên: “Thiết kế nội thất trong kỷ nguyên mới – AI thay thế ai?”, bộ ba nhà tham luận bao gồm: Ông Lê Anh Tuấn (Founder Cộng đồng VietCG), ông Nguyễn Xuân Mẫn (XMArchitect) và ông Đoàn Phương (Dplus Việt Nam) đã đưa ra quan điểm trong cục diện hiện nay của một thế giới phẳng, thông minh và siêu kết nối, thay vì bài trừ hoặc e ngại sức mạnh của AI, thì việc hiểu rõ và quản lý AI cũng như các công cụ hỗ trợ là cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, tích cực của ngành sáng tạo nói chung và thiết kế nội thất nói riêng.
Trong sự kiện, rất nhiều ví dụ minh họa trực diện và một màn “trình diễn” tương tác về cách sử dụng các công cụ AI như Mid-Journey, Stable Diffusion thông qua việc sử dụng công cụ gợi ý “prompt” để viết những câu lệnh. Kết quả khả quan từ cách phối hợp màu sắc, bố trí và tùy biến tỷ lệ… khiến nhiều người xem trầm trồ với không gian thiết kế bởi AI.
Tuy nhiên, trên thực tế, các diễn giả cho biết, concept chỉ là một phần rất nhỏ của quá trình thiết kế nội thất, do vậy việc AI có thể thay thế con người thực hiện công việc thiết kế nội thất ở thời điểm hiện tại là rất khó, mặc dù chúng vẫn đang được cải tiến từng ngày. Thay vào đó, theo kiến trúc sư Lê Anh Tuấn, nghề thiết kế đồ họa được cho là sẽ dễ bị thay thế hơn.
Thiết kế nội thất toàn cầu: Nguyên bản hay đa dạng?
Trong tọa đàm “Thiết kế nội thất toàn cầu: Khám phá sự đa dạng và nguyên bản” với sự tham gia chia sẻ của 4 Kiến trúc sư đại diện cho 4 nền văn hóa, kiến trúc nội thất khác nhau: KTS Salvador Pérez Arroyo (Tây Ban Nha – chủ nhân của kiến trúc bảo tàng Quảng Ninh), KTS Romain Duval (Pháp), KTS Takashi Niwa (Nhật Bản) và KTS Lê Trương (Việt Nam) đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tư duy phản biện như một kỹ năng “cốt lõi” để các nhà thiết kế trẻ có thể tìm được cách tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới, những công nghệ mới để đối mặt với sự bất biến và thay đổi của toàn cầu hóa.
Điều phối tọa đàm Nguyễn Phan Thuỳ Dương và các diễn giả KTS Lê Trương, KTS Romain Duval, KTS Takashi Niwa, KTS Salvador Pérez Arroyo (từ trái qua phải). |
“Trong thế giới kết nối ngày nay, các nền văn hóa không còn bị cô lập và cảm hứng thiết kế được lấy từ nhiều nguồn khác nhau. Do đó, nội thất toàn cầu giống như một tấm thảm của tính nguyên bản và đa dạng, kết hợp giữa truyền thống văn hóa phong phú với sự nhạy cảm trong thiết kế hiện đại của các quốc gia, dân tộc khác nhau. Theo đó, muốn thể hiện được sắc màu nguyên bản trong thiết kế nội thất, nhà thiết kế cần đi sâu vào nguồn gốc văn hóa của những không gian chủ đề. Điều này đòi hỏi nghiên cứu sâu rộng, khám phá và thực sự trải nghiệm tham gia với cộng đồng địa phương”, kiến trúc sư người Pháp Romain Duval chia sẻ.
Trong khi đó, KTS Lê Trương (CEO TT-Associates) lại dùng một khái niệm khá trừu tượng về “cấu trúc gen nghệ thuật” – ở đó “trường” – quy trình di truyền ngang và “mạch” – quy trình di truyền dọc, luôn song hành và ảnh hưởng biện chứng lẫn nhau. Qua đó, ông muốn ẩn dụ cho sức mạnh của một nền nội thất thăng hoa cần động lực từ những khát vọng thay đổi trong bối cảnh mới, song vẫn tiếp tục thừa hưởng, kết tinh các giá trị truyền thống và thành tựu nghệ thuật của thế hệ trước.
KTS Lê Trương có cách tiếp cận thú vị về Trường và Mạch khi khám phá về sự đa dạng và nguyên bản trong thiết kế nội thất. |
Đồng thời, thông qua tọa đàm, các diễn giả đã truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về tư duy phản biện như một kỹ năng “cốt lõi” để các nhà thiết kế trẻ có thể tìm được cách tiếp thu có chọn lọc những giá trị mới, những công nghệ mới để đối mặt với sự bất biến và thay đổi của toàn cầu hóa.
Vinh danh 10 đồ án thiết kế xuất sắc
Bước sang năm thứ 4 liên tiếp tổ chức, Gala trao giải I.S.A (Interior Design Student Awards) đã vinh danh 10 trên hơn 200 đồ án thiết kế nội thất xuất sắc từ các trường Đại học, cao đẳng trên toàn quốc. Ban tổ chức và giám khảo đã lựa chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải tại gala.
Thí sinh Võ Quân Bảo đạt giải Nhất Giải thưởng I.S.A. 2022. |
Trong đó, giải nhất thuộc về Võ Quân Bảo với đồ án “Khách sạn nghỉ dưỡng “Huyền Thoại Lãnh Mỹ A” Cát Bà”. Giải nhì: Tăng Thanh Đạt – Bảo tàng Nghệ thuật Kh’mer Tây Nam Bộ – “Hạ Nguồn Rực Rỡ”. Hai giải ba thuộc về tác giả Nguyễn Tuấn Khanh với đồ án Resort Nghỉ Dưỡng Bãi Ông Lang; Nguyễn Văn Minh Thắng với đồ án Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng đã trao 3 giải chuyên đề và 3 giải khuyến khích cho các đồ án xuất sắc.
Nguồn: Báo xây dựng