Chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam đang làm ăn thế nào?
Việt Nam hiện nay được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi. Dân số đang bước vào giai đoạn “già hóa”. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng tăng lên. Không những thế, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật… là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của ngành dược.
Theo thống kê của Cục Quản lý Dược Việt Nam, ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục 2 con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021, đạt 16,1 tỷ USD năm 2026, với tỷ lệ tăng trưởng kép lên tới 11%.
Ngoài các yếu tố kể trên, lĩnh vực dược càng trở nên hấp dẫn hơn khi chưa một thương hiệu nào đủ sức chi phối mảng bán lẻ. Bên cạnh những thương hiệu lâu đời như Guardian, Medicare, Phano, nhiều tập đoàn lớn trong nước cũng thể hiện tham vọng trong lĩnh vực này như FPT với chuỗi nhà thuốc Long Châu hay Vingroup với VinFa. Nổi bật trong số này, không thể không nhắc tới CTCP Dược phẩm Pharmacity – chủ sở hữu chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam hiện nay.
CTCP Dược phẩm Pharmacity được thành lập vào năm 2012, vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 7 tỷ đồng với các cổ đông sáng lập ban đầu gồm bà Phạm Thị Thanh Hoài (90%) và 4 cổ đông cá nhân khác. Thời điểm ban đầu, bà Phạm Thị Thanh Hoài (SN 1987) cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc, kiêm Người đại diện theo pháp luật Pharmacity.
Từ năm 2017, vị trí Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc Pharmacity đổi sang ông Christopher Randy Stroud (hay còn được biết đến với tên Chris Blank, Hoàng Trí). Dù vậy, nữ doanh nhân sinh năm 1987 vẫn là Chủ tịch HĐQT Pharmacity.
Ngoài Pharmacity, ông Chris Blank còn nắm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc và cũng là cổ đông sở hữu 1,41% vốn CTCP Maroon Bells – một pháp nhân có ít nhiều liên hệ tới Pharmacity.
Pharmacity gây chú ý giới đầu tư khi liên tục mở rộng mạnh mẽ hệ thống phân phối. Tính đến tháng 3/2021, chuỗi nhà thuốc này đã có tới 538 cửa hàng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Thậm chí, Pharmacity còn có tham vọng mở rộng lên 1.000 cửa hàng bán lẻ thuốc và thực phẩm chức năng vào năm 2021.
Nhằm đạt được mục tiêu này, Pharmacity đã gây ấn tượng khi vốn điều lệ liên tục tăng mạnh. Tính tới tháng 9/2021, vốn điều lệ công ty đạt hơn 552 tỷ đồng, tức tăng gấp gần 79 lần so với con số 7 tỷ đồng vào năm 2014.
Không chỉ tăng vốn, Pharmacity còn đẩy mạnh việc hút vốn qua kênh trái phiếu và tín dụng.
Cụ thể, chỉ trong vòng hơn 2 tháng (từ tháng 10/2019 – tháng 12/2019), Pharmacity đã hoàn tất 3 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với tổng giá trị 150 tỷ đồng. Trong đó, các lô trái phiếu Pharmacity.Bond.2019.01 và Pharmacity.Bond.2019.02 có lãi suất lên đến 13%/năm.
Trước đợt phát hành trái phiếu, quỹ Mekong Enterprise Fund III vào tháng 5/2019 công bố hỗ trợ tài chính cho Pharmacity. Đầu năm 2020, nhà phân phối dược phẩm này công bố nhận được thêm khoản đầu tư 31,8 triệu USD vòng series C cũng từ chính Mekong Enterprise Fund III.
Ngoài ra, Pharmacity thời gian gần đây còn thế chấp một số tài sản tại HDBank hay MBBank.
Bên cạnh Pharmacity, một pháp nhân khác trong hệ sinh thái là CTCP Maroon Bells cũng huy động thành công 1.023 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm, lãi suất 8%/năm.
Lô trái phiếu được một nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua trọn dưới sự thu xếp của CTCP Chứng khoán SSI. Maroon Bells dự kiến dùng số tiền thu được để mở các cửa hàng mới và bổ sung vốn lưu động cho các cửa hàng mới.
Với chiến lược mở rộng hệ thống như đã đề cập, doanh thu Pharmacity liên tục tăng trưởng trong giai đoạn 2016 đến tháng 6 năm 2020.
Cụ thể, dữ liệu giai đoạn 2016-2019 cho thấy, doanh thu Pharmacity đã tăng gấp 7,8 lần từ 123,2 tỷ đồng năm 2016 lên 966,5 tỷ đồng năm 2019.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi các chi phí, Pharmacity lại liên tục báo lỗ. Tính dồn từ năm 2016 đến nửa đầu năm 2020, công ty lỗ lũy kế 737,2 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tính tới ngày 30/6/2021, tổng tài sản công ty đạt 530,6 tỷ đồng, giảm 20,7% so với số đầu kỳ. Sự suy giảm của tổng tài sản có thể hiểu là do nợ phải trả giảm gần 76% còn 122,46 tỷ đồng.
Mặt khác, với nguồn lực được gia tăng từ các cổ đông, vốn chủ sở hữu công ty lại tăng gấp 2,5 lần lên 408,2 tỷ đồng, bất chấp phải liên tục chịu lỗ ròng. Điều này phần nào cho thấy tiềm lực của các cổ đông chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện đại lớn nhất Việt Nam, cũng như chiến lược chấp nhận thua lỗ của họ trong ngắn hạn để mở rộng thị phần.
Tương tự như Pharmacity, Maroon Bells chưa phát sinh doanh thu và lỗ lớn trong giai đoạn 2016-2019, riêng năm 2018 lỗ sau thuế 325,5 tỷ đồng và năm 2019 lỗ hơn 266 tỷ đồng.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu