Chung tay bảo vệ “tấm lá chắn” của Trái đất – Việt Nam quyết tâm quản lý, loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn

(TN&MT) – Trong nhiều năm qua, Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã chung tay nỗ lực bảo vệ tầng ô-dôn, kiểm soát và loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn. Sau quá trình chuẩn bị, Việt Nam sẽ bắt đầu đưa vào quản lý những môi chất lạnh gây hiệu ứng nhà kính từ năm 2024.

Luật hóa quy định bảo vệ tầng ô-dôn

Thực hiện Nghị định thư Montreal, đến nay, Việt Nam đã loại trừ hoàn toàn một số chất làm suy giảm tầng ô-dôn như CFC, Halon, CTC; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu Methyl Bromide và thực hiện loại trừ theo lộ trình các chất HCFC. Các môi chất này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị làm lạnh, sản xuất xốp, dập cháy và kiểm dịch cho hàng xuất khẩu.

8-1-.jpg

Xác định độ cao của tầng ô-dôn.

Với mục tiêu loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC trong giai đoạn 2020 – 2025, hạn ngạch nhập khẩu các chất HCFC áp dụng cho Việt Nam chỉ còn 2.600 tấn và dự kiến sẽ giảm dần trong giai đoạn sau đó, cho đến khi chấm dứt nhập khẩu hoàn toàn các chất HCFC vào năm 2040.

Những môi chất lạnh HFC (gọi tắt HFC) dùng thay thế cho HCFC sau này được chỉ ra có tiềm năng gây hiệu ứng nhà kính cao, đồng nghĩa với việc trở thành tác nhân gây ra biến đổi khí hậu. Bởi vậy, năm 2019, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal đã đưa ra lộ trình quản lý, giảm dần các chất HFC. Thực hiện Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 4/9/2019 của Chính phủ phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali, Việt Nam sẽ thực hiện lộ trình quản lý, giảm dần các chất HFC trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2045.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các bên liên quan xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal và dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong năm 2023.

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết, một trong những bước tiến mạnh mẽ trong công tác quản lý bảo vệ tầng ô-dôn là việc nội luật hóa các quy định về bảo vệ tầng ô-dôn tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật gồm: Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Nghị định đã đề ra các nội dung cơ bản về lộ trình quản lý, loại trừ các chất theo trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam thực hiện Nghị định thư Montreal; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chất được kiểm soát; quy định nguyên tắc quản lý và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong quản lý các chất được kiểm soát.

“Để các quy định được ban hành và thực thi có hiệu quả, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước là rất quan trọng” – ông Tăng Thế Cường nhấn mạnh.

Đóng góp cho nỗ lự phát thải ròng về “0”

Với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050 đã đặt mục tiêu Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Trong lĩnh vực môi chất lạnh và các chất được kiểm soát để bảo vệ tầng ô-dôn, Bộ TN&MT cũng đã đề xuất các nội dung đóng góp vào quá trình đạt được mục tiêu này, bao gồm quản lý tòa nhà và quản lý môi chất lạnh trong phát thải trực tiếp.

Theo bà Nguyễn Đặng Thu Cúc – Phó trưởng phòng Quản lý và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT), cùng với các Nghị định, Thông tư, Bộ TN&MT cũng đã ban hành 4 danh mục các chất được kiểm soát theo Nghị định thư Montreal, bao gồm: Danh mục cấm; danh mục kiểm soát các chất gây suy giảm tầng ô-dôn HCFC; danh mục kiểm soát các chất gây hiệu ứng nhà kính HFC; danh mục thiết bị có chứa các chất được kiểm soát. Với 4 danh mục này, doanh nghiệp cũng rõ hơn về những đối tượng cần khai báo khi thực hiện các thủ tục, hoạt động sử dụng liên quan.

“Hiện nay, Cục Biến đổi khí hậu đã tiến hành phân bổ hạn ngạch đối với nhập khẩu HCFC, và tiếp tục đưa HFC vào quản lý, chính thức được áp dụng theo các quy định này. Trước đó, chúng tôi đã có văn bản trao đổi với Bộ Công Thương để tiếp nhận các hồ sơ đã được xử lý và thông báo cho doanh nghiệp nhập khẩu về các quy định quản lý mới. Phía Hải quan cũng đã thực hiện theo dõi trừ lùi hạn ngạch trên hệ thống điện tử. Với các chất HFC, việc áp hạn ngạch sẽ được áp dụng từ năm 2024. HFC thậm chí còn được ứng dụng nhiều hơn các chất HCFC. Do vậy, Nhà nước cần có lộ trình quản lý để làm sao hạn chế tối đa tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – bà Nguyễn Đặng Thu Cúc nhấn mạnh.

Quá trình triển khai thực thi pháp luật, Bộ TN&MT cũng song hành với quá trình phổ biến và hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thí điểm chuyển đổi công nghệ, giúp doanh nghiệp định hướng để họ điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp nhất. Mới đây nhất, Dự án quản lý, loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn giai đoạn 2, Cục Biến đổi khí hậu đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh và sản xuất xốp loại trừ tiêu thụ HCFC. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị ngoài Bộ tổ chức đào tạo cán bộ nguồn, cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực bảo dưỡng thiết bị điều hòa… Với sự chuẩn bị kỹ càng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được các mục tiêu loại trừ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chung tay với cộng đồng quốc tế bảo vệ tầng ô-dôn – tấm lá chắn cho sự sống của Trái đất.

Bạn cũng có thể thích