Chung tay bảo vệ “tấm lá chắn” của Trái đất – Tuân thủ quy định để ngành điện lạnh vững bước

(TN&MT) – Thời gian tới, việc sử dụng các loại thiết bị làm lạnh, môi chất lạnh bảo vệ môi trường sẽ dần trở thành yêu cầu bắt buộc. Quá trình thay đổi, chuyển tiếp sẽ gặp những khó khăn gì, Báo TN&MT đã phỏng vấn TS. Nguyễn Xuân Tiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và điều hòa không khí Việt Nam, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực điện lạnh tại Việt Nam hiện nay để thông tin thêm về vấn đề này.

PV: Ông nhận định như thế nào về xu hướng gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị lạnh, điều hòa không khí tại Việt Nam?

9-2-.jpg

TS. Nguyễn Xuân Tiên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kỹ thuật Lạnh và điều hòa không khí Việt Nam

TS. Nguyễn Xuân Tiên: Ngày nay, tủ lạnh hay điều hòa đã trở thành loại vật dụng thiết yếu trong mỗi gia đình. Không chỉ phổ biến tại đô thị, các gia đình ở vùng nông thôn mỗi phòng có một chiếc điều hòa là chuyện bình thường. Lý do vì Việt Nam là nước nóng ẩm, nhiệt độ thời tiết những năm gần đây ngày càng khắc nghiệt và cuộc sống của người dân được nâng cao nên nhu cầu sử dụng điều hòa hết sức cấp thiết.

Ở khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam có tốc độ phát triển thị trường điều hòa nhanh hàng đầu. Giai đoạn năm 2017 – 2019, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15 – 20%/năm; năm 2020 – 2021 bị chững lại do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng đến năm 2022 đã bắt đầu lấy lại phong độ.

Bên cạnh nhu cầu dân dụng là nhu cầu phục vụ công việc, phát triển kinh tế, điển hình là ngành xuất khẩu thủy – hải sản, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 10 tỷ đô la và tất cả sản phẩm đều phải qua đông lạnh. Ngoài thủy sản, hầu hết các ngành đều có những nhu cầu làm lạnh để tăng thời gian bảo quản thiết bị, thuốc men, thực phẩm… Vậy nên, có thể nhận định, ngành lạnh ở Việt Nam sẽ rất phát triển trong thời gian tới.

PV: Trong tương lai, ngành sản xuất thiết bị lạnh, điều hòa không khí chắc chắn phải giảm phát thải theo Luật Bảo vệ môi trường. Làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu thực tiễn các thiết bị và yêu cầu về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Tiên: Các hệ thống lạnh bắt buộc phải sử dụng môi chất lạnh. Đây là chất trung gian để có thể truyền nguồn nhiệt có nhiệt độ thấp ra môi trường. Trong giai đoạn phát triển sản xuất điều hòa không khí, thiết bị lạnh mạnh nhất, thế giới sử dụng chủ yếu là môi chất lạnh gốc F gây suy giảm tầng ô-dôn, sau này có các chất khác thay thế thì lại phát thải khí nhà kính gây biến đổi khí hậu.

9-1-.jpg

Mô phỏng vai trò ngăn tia cực tím từ mặt trời chiếu xuống trái đất của tầng ô-dôn.

Môi chất lạnh thế hệ mới hiện nay phải đảm bảo 2 yêu cầu chủ yếu: Có khả năng làm lạnh tốt và không gây hại môi trường (không phát thải các chất phá hủy tầng ô-dôn hay khí nhà kính). Vấn đề này không đơn giản. Thế giới đã tìm ra một số chất nhưng giá thành cao nên chưa thể phổ biến. Việt Nam không có đủ điều kiện để tự nghiên cứu, nhưng có thể tập trung vào việc quản lý sử dụng.

Theo lộ trình, Việt Nam sẽ loại trừ hoàn toàn HCFC đến năm 2040. Điều này rất khó khăn, đặc biệt, nhiều doanh nghiệp gặp hạn chế về nguồn lực tài chính. Muốn dùng môi chất lạnh mới, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi máy móc, dây chuyền sản xuất mới, có thể lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Mặc dù doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về vấn đề này nhưng đây là bài toán khó, không thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Tôi có theo dõi việc hỗ trợ trong lĩnh vực này của một số tổ chức quốc tế. Phổ biến nhất là cho vay vốn, nhưng điều kiện vay đi kèm rất ngặt nghèo nên doanh nghiệp không mấy mặn mà. Về hỗ trợ kỹ thuật, đơn cử, Nhật Bản đã hỗ trợ về thiết bị tiêu hủy HCFC 22, tổ chức hội thảo hướng dẫn cách thức thu hồi, vận chuyển, dự trữ, tiêu hủy. Dự án thiết thực và có ích, nhưng hiệu quả chủ yếu là nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ. Còn thực tế, chi phí cho cả quá trình này không hề rẻ và không phù hợp với quy mô doanh nghiệp Việt Nam.

Giải pháp giảm phát thải bao trùm, tổng thể vẫn là phải ban hành cơ chế, chính sách loại trừ HCFC, HFC. Chính sách cần hết sức cụ thể, phù hợp với thông lệ Việt Nam và cam kết quốc tế. Bộ TN&MT đã làm tốt vấn đề này với việc xây dựng các quy định liên quan trong Luật Bảo vệ môi trường, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể, sát với thực tiễn. Bộ Công Thương cũng có những chính sách về tiết kiệm năng lượng và đã xây dựng thành công thị trường dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Riêng ngành lạnh và điều hòa ghi nhận mức độ tiết kiệm năng lượng rất tốt. Chi phí điện cho điều hòa, làm lạnh thường chiếm 20 – 40% nên nếu tiết kiệm dù chỉ 1% cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể. Như vậy, chính sách cần đúng và kịp thời, bên cạnh đó, cần có bộ phận quản lý, kiểm tra việc thực thi.

Theo tôi, những đơn vị nhập khẩu, tiêu thụ môi chất lạnh lớn như khách sạn lớn, nhà máy lớn, kho lạnh lớn… cần tiên phong tiến hành giảm phát thải nhằm xây dựng ý thức trong xã hội. Một mặt, Nhà nước ban hành chính sách cứng rắn để doanh nghiệp thực hiện. Mặt khác, thị trường sẽ tự đào thải những doanh nghiệp nào không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.

Bản thân doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần chủ động chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Bộ TN&MT; có kế hoạch và biện pháp cụ thể sử dụng các thiết bị có môi chất không phá hủy tầng ô-dôn cũng như không phát thải khí nhà kính và sử dụng những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.

PV: Theo ông, cần làm gì để nâng cao trình độ nhân lực, đáp ứng yêu cầu tiếp thu khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực lạnh và điều hòa không khí?

TS. Nguyễn Xuân Tiên: Thợ điện, lạnh ngày nay đã hiểu biết hơn rất nhiều về vấn đề bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng so với trước. Đây là thành quả từ quá trình phổ biến kiến thức của Bộ TN&MT. Đội ngũ nhân lực trong ngành đã phát triển vượt bậc về mặt số lượng, với sự tham gia đào tạo của ngày càng nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề. Có trường, lượng học viên ngành điện, lạnh chiếm tới 30 – 50%. Tại Trường Đại học Bách khoa, chúng tôi đào tạo hơn 100 học viên mỗi năm và khi ra trường, tất cả đều có việc làm. Điều này cho thấy, nhu cầu nhân lực cực lớn.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực sẽ cần phải được cải thiện trong thời gian tới. Đơn giản nhất là làm sao để họ có thể sử dụng gas lạnh hợp lý, sử dụng máy móc không làm rò rỉ gas, tiết kiệm năng lượng; am hiểu các quy trình kỹ thuật khi sử dụng vận hành sửa chữa các thiết bị, không xả môi chất lạnh ra môi trường mà thu hồi lại để đem đi tiêu hủy…

Theo tôi biết, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) trong thời gian tới sẽ cấp chứng chỉ nghề điện, lạnh nhằm đảm bảo những người thợ sẽ đạt các yêu cầu, quy chuẩn cần thiết.

Quá trình đào tạo, tuyên truyền cần được thực hiện thường xuyên và đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cũng có thể thích