Chứng nhận rừng theo tiêu chuẩn FSC góp phần bảo vệ môi trường nhìn từ cơ sở

Lợi ích kép…

Tuyên Quang hiện có hơn 35.000 ha rừng được cấp chứng nhận rừng bền vững FSC, dự kiến trong năm 2022, tỉnh này tiếp tục có trên 19.000 ha được cấp mới. Bà Bùi Thị Thu Hà, Đội trưởng đội Lâm nghiệp Khuôn Do, Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, đội có hơn 200 ha rừng, trong đó 168 ha diện tích có rừng, với 68 hộ đang liên kết. Rừng được cấp chứng nhận FSC từ năm 2016 đến nay.

Ngoài hiệu quả về xã hội, về môi trường thì rừng FSC mang lại hiệu quả về kinh tế cũng cao hơn. Trung bình mỗi khối gỗ FSC bán ra tăng từ 50.000-70.000 đồng so với gỗ thường, đặc biệt đầu ra ổn định do các công ty bao tiêu sản phẩm. Người dân tham gia liên kết, mỗi một chu kỳ (5 năm) thu về khoảng 80 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi hộ dân nhận liên kết tư 5-7 ha rừng, có hộ liên kết tới 40 ha, nhờ liên kết rừng mà nhiều hộ có cuộc sống khá giả.

Ông Đặng Văn Phong, thôn Khuân Ráng, xã Phúc Ứng cho biết, trước đây, chưa có FSC, rừng xấu chỉ thu về từ 40-50 triệu đồng/ha, nay lên tới 70-80 triệu đồng/ha. Hiện gia đình đang liên kết hơn 10 ha rừng, trung bình mỗi năm thu hoạch 2 ha, thu về từ 140-160 triệu đồng.

2(3).jpg
Hiện Tuyên Quang có 35.615,15 ha rừng được cấp chứng nhận FSC, dự kiến trong năm 2022 sẽ có trên 19.000 ha

Còn trường hợp bà Nguyễn Thị Khôi, thôn Vĩnh Sơn, xã Tân Thanh, huyện Sơn Dương tâm sự: Từ năm 2016 khi được cấp chứng nhận rừng FSC, đến nay gia đình đã liên kết gần 10 ha, trong đó đã thu hoạch 5 ha. Mỗi ha rừng gia đình thu về từ 70-80 triệu đồng. So với làm nông nghiệp thì làm lâm nghiệp hiệu quả hơn, trong khi tham gia liên kết trồng rừng tôi vẫn có thời gian làm các công việc khác.

Trao đổi với ông Nguyễn Tiến Khanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết: Giai đoạn 2016-2020, công ty có 2.480 ha được cấp chứng nhận FSC, số lượng gỗ bán ra hơn 52.000m3, giá trị thu được tăng hơn 5 tỷ đồng so với trước khi chưa có chứng nhận FSC. Giai đoạn 2021-2026 diện tích được cấp chứng nhận FSC nâng lên 3.244,4 ha. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá gỗ bán ra chỉ tăng từ 45.000-80.000 đồng/m3 so với gỗ trồng thường.

Giờ đây, nhận thức của cán bộ nhân viên, người dân đã có chuyển biến nhất định, không có hiện tượng vứt bao nilon, mà thay vào đó được người dân chủ động dọn sạch sẽ, không gây hại tới môi trường. Ý thức người dân về đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng được nâng lên; chủ rừng thực hiện đầy đủ chế độ an toàn lao động, chế độ tiền lương với người lao động… ông Khanh cho biết thêm.

Thành công do cách làm khoa học

Trao đổi về cách làm, ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho hay: Khi làm chứng nhận rừng FSC lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm, tỉnh đã tổ chức một đoàn đi dọc một số tỉnh miền Trung để học cách làm chứng nhận rừng. Sau đó bà con rất biết ơn Công ty Woodsland họ đã khích lệ người dân và cam kết bao tiêu đầu vào, đầu ra cho người dân nếu tham ra chứng nhận FSC, thậm chí họ còn chủ động ứng tiền trước cho nhiều hộ có điều kiện kinh tế khó khăn để thực hiện chứng nhận FSC và sau đó trừ dần vào thành phẩm.

1(3).jpg
Lợi ích khi rừng được cấp chứng nhận FSC đã giúp nhiều người dân thoát nghèo, có thu nhập ổn định, góp phần tăng diện tích rừng và bảo vệ môi trường

Ông Thái cho biết thêm: Phải có Nghị quyết từ Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao cho các sở, các huyện đến các xã thực hiện. Làm thành công bởi có sự chỉ đạo từ trên xuống, đây là nhiệm vụ chính trị, đã đưa vào Nghị quyết là phải làm. Ở Tuyên Quang làm rất quyết liệt.

Trao đổi với phóng viên, ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng chi Cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện tỉnh có 35.615,15 ha rừng được cấp chứng nhận FSC, dự kiến trong năm 2022 sẽ có trên 19.000 ha. Để đạt được kết quả như trên mấu chốt thực ra là cách triển khai, mình phải tuyên truyền thật tốt, muốn tuyên truyền tốt phải chỉ đạo theo hệ thống từ tỉnh đến huyện, xuống xã. Cách tổ chức thực hiện phải bài bản, từ văn bản của Trung ương mình phải cụ thể hoá bằng văn bản ngắn của tỉnh, xuyên suốt bằng một kế hoạch rõ ràng và thành lập một tổ chuyên gia, tổ này phải tham mưu cho Sở, cho tỉnh, ký những văn bản thuộc thẩm quyền.

Sau đó, phải hối thúc các bên liên quan thực hiện kế hoạch. Kế hoạch của sở, của tỉnh nhưng người thực hiện là huyện là xã, là các doanh nghiệp thì mình phải hối thúc họ. Chủ tịch phải vào trận, chỉ đạo thành lập Ban Chứng nhận rừng cấp huyện, cấp xã. Dần dần bộ phận thường trực của huyện, của tỉnh, của xã mới trở thành các chuyên gia, các chuyên gia tự học lẫn nhau thông qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, phải có doanh nghiệp đồng hành, doanh nghiệp đồng hành phải có nhu cầu chứng chỉ, người ta làm song phải tiêu thụ được luôn, làm chứng nhận ra phải có người mua, đây là mấu chốt. Bên cạnh đó, khi tuyên truyền cho người dân và bản thân những cán bộ đi làm phải có niềm tin.

Thiết nghĩ, đây là mô hình hay, cách làm khoa học, do đó các tỉnh miền núi phía Bắc cần nhân rộng mô hình trồng rừng tại Tuyên Quang để tăng diện tích rừng, tạo thu nhập bền vững cho người dân, góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, bảo vệ “lá phổi xanh” của con người.

Bạn cũng có thể thích