Chứng khoán mất gần 16 tỷ USD vốn hóa trong tháng 7

VN-Index giảm gần 7% trong tháng vừa qua dù có hồi phục vào cuối tháng 7, vốn hóa sàn HoSE theo đó mất hơn 358.840 tỷ đồng.

Trong nửa đầu năm, thị trường chứng khoán tăng gần 28%, VN-Index thậm chí đạt đỉnh 1.420 điểm ngay đầu tháng 7. Sau đó, HoSE phối hợp với FPT bắt đầu vận hành hệ thống giao dịch mới nhằm giải quyết vấn đề nghẽn lệnh. Thị trường đã vận hành khá thông suốt nhưng chỉ số lại diễn biến tiêu cực khi nhà đầu tư lo ngại về dịch bệnh diễn biến phức tạp.

VN-Index có phiên điều chỉnh mạnh xuống mức thấp nhất 1.244 điểm (ngày 19/7), tức giảm hơn 12% so với vùng đỉnh. Trong tuần giao dịch cuối tháng 7, VN-Index hồi phục lên 1.310 điểm, nhưng tính chung vẫn giảm gần 7% trong tháng vừa qua. Mức giảm này đưa chỉ số đại diện sàn HoSE vào top 5 thị trường chứng khoán giảm điểm tệ nhất tháng 7, theo thống kê từ StockQ.

Thanh khoản giảm 16%

Đà phục hồi trong những phiên cuối tháng đã đưa giá trị vốn hóa sàn HoSE lên lại mức 4,93 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 7, quy mô sàn chứng khoán lớn nhất cả nước vẫn bị “bốc hơi” hơn 358.840 tỷ đồng (tương đương 15,6 tỷ USD).

Đợt điều chỉnh mạnh còn thể hiện ở thanh khoản thị trường nhiều phiên gần như “mất hút”. Đỉnh điểm là phiên 28/7 ghi nhận giá trị giao dịch sàn HoSE chỉ xấp xỉ 13.000 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 2 đến nay.

Tính chung tháng 7, thanh khoản bình quân mỗi phiên tại HoSE chỉ đạt 19.862 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với mức kỷ lục của tháng 6 nhưng vẫn tương đương với mức bình quân 6 tháng đầu năm.

chung khoan mat gan 16 ty usd von hoa trong thang 7
Diễn biến VN-Index trong tháng 7. Đồ thị: TradingView.

Tâm lý bi quan về dịch bệnh gây tác động không nhỏ đến hoạt động giao dịch chứng khoán. Làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 lan rộng khiến các đầu tàu kinh tế như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai… phải thực hiện giãn cách xã hội ở cấp độ cao và hoạt động của khối doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nhiều đơn vị phân tích đã phải điều chỉnh lại mô hình dự báo dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh. Dragon Capital tin rằng đợt bùng phát này phức tạp hơn tất cả 3 đợt trước cộng lại nên đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có.

Tương tự Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa hạ dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống con số 5,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7% do các tác động từ dịch Covid-19.

Định giá hấp dẫn hơn

Đợt điều chỉnh mạnh cũng giúp định giá thị trường hấp dẫn hơn. Số liệu từ Bloomberg cho thấy hệ số P/E của VN-Index hiện còn 16,7 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 19,2 lần được thiết lập vào cuối tháng 6.

Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Chiến lược Đầu tư Dragon Capital mới đây ước tính P/E thị trường sẽ quay về mức 14-15 lần trong trường hợp tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp năm nay đạt 35-40%.

Thậm chí ở năm 2022, nếu tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp khoảng 22-25% thì PE tiếp tục giảm còn 11,5-12 lần, tổng thể định giá không đắt. Do đó, ông Tuấn dự báo vùng 1.200 – 1.250 điểm là đáng quan tâm, có thể xuống tiền mua cổ phiếu doanh nghiệp tốt.

Cùng quan điểm khi Giám đốc Phân tích đầu tư Chứng khoán Mirae Asset Lê Quang Minh tin rằng đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu khi VN-Index có thể hướng đến 1.440-1.500 điểm. Tổng giám đốc Passion Investment Lã Giang Trung có phần tích cực hơn khi dự báo chỉ số có thể đạt 1.600-1.700 điểm với điều kiện Covid-19 được khống chế trong tháng 8-9.

Một điểm sáng khác cho thị trường là khối ngoại bắt đầu quay lại mua ròng gần 5.000 tỷ đồng trên sàn HoSE, sau khi bán ròng kỷ lục hơn 31.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Dòng tiền của khối ngoại phần lớn đến từ vốn của các quỹ ETF ngoại, đáng kể nhất là Fubon FTSE Vietnam ETF thu hút ròng 175 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng) để giải ngân toàn bộ vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Vaneck Vectors Vietnam ETF cũng hút ròng gần 10 triệu USD hay CUBS ETF huy động khoảng 5 triệu USD.

Có cổ phiếu tăng 4 lần

Trên thị trường chứng khoán luôn có những cổ phiếu đi ngược lại xu hướng chung. Trong tháng 7, sàn UPCoM ghi nhận 4 cổ phiếu tăng bằng lần.

Tăng đột biến nhất trong tháng vừa qua là cổ phiếu HNT của Công ty Xe điện Hà Nội từ mức 3.000 lên 16.000 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 433%. Tuy nhiên, thanh khoản là điều đáng nói khi mỗi phiên chỉ giao dịch vài trăm cổ phiếu.

Đây là công ty chuyên vận tải xe buýt tại khu vực TP Hà Nội; ngoài ra còn hoạt động vận tải hàng hóa, taxi chở khách, dịch vụ bến bãi và trông giữ ô tô… Quy mô doanh thu hàng năm khoảng 200-300 tỷ đồng. Vào tháng 5, công ty vận tải này có bầu Chủ tịch HĐQT mới là ông Nguyễn Thủy.

Một số cổ phiếu tăng mạnh khác như Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (DPS) tăng 167% lên 800 đồng/cổ phiếu với thanh khoản lớn hàng triệu đơn vị mỗi phiên. Cổ phiếu KLM của Kim loại màu Nghệ Tĩnh tăng 104% lên 19.600 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu SVG của Hơi Kỹ nghệ Que hàn cũng tăng 104% lên 15.500 đồng/cổ phiếu.

chung khoan mat gan 16 ty usd von hoa trong thang 7

Trên sàn HoSE, mã chứng khoán tăng mạnh nhất tháng vừa qua là PTL của Petroland hiện đạt 8.300 đồng/cổ phiếu, tương đương có thêm 57% giá trị. Đứng ở vị trí tiếp theo là nhóm cảng biển với HAH tăng 45% và TCO tăng gần 39%.

Tại sàn niêm yết HNX, gây ấn tượng nhất là HDA của Hãng sơn Đông Á với mức tăng giá gần 75%. Tiếp đến Đầu tư và Xây dựng Vina2 (VC2) tăng gần 65% và Điện Bắc Nà (EBA) tăng gần 44%.

Xét riêng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VN30, tăng mạnh nhất là Masan Group (MSN) khi có thêm hơn 20% giá trị trong tháng vừa qua, lên mức đỉnh lịch sử 134.000 đồng/cổ phiếu. Hầu hết lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này đều có kết quả tích cực trong nửa đầu năm như Masan MeatLife, VinCommerce, Masan Consumer…

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích