Chứng khoán 30/8-1/9: VN-Index di chuyển trong sóng điều chỉnh xuống
Tuần giao dịch tiếp theo từ ngày 30/8-1/9, VN-Index có khả năng sẽ nối tiếp nhịp hồi phục kỹ thuật vào đầu tuần trước khi tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn.
(Ảnh: Vietnam+) |
Thị trường chứng khoán tiếp tục điều chỉnh giảm trong tuần, VN-Index mất điểm trong ba phiên và hai phiên hồi phục, lần lượt chạm mức cao nhất 1.327,04 điểm và mức thấp nhất 1.285,16 điểm. Như vậy, VN-Index đã giảm 16,23 điểm (-1,2%) sau một tuần và xuống mức 1.313,2 điểm.
Tuy nhiên, HNX-Index vẫn duy trì đà tăng nhẹ trong tuần với 0,73 điểm (+0,2%) và lên mức 338,79 điểm, mức cao nhất và thấp nhất lần lượt tại 340,75 điểm và 329,47 điểm.
Mã VMD và DAT nổi bật với đà tăng giá mạnh nhất trên sàn HoSE đến 40%, (tương ứng từ 48.150 đồng lên 67.400 đồng/cổ phiếu và từ 23.200 đồng lên 32.400 đồng/cổ phiếu). Ở chiều ngược lại, FIT là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất tuần và xuống 16% (từ 21.100 đồng về còn 17.700 đồng/cổ phiếu).
Phía sàn HNX, cổ đông của SMT ghi nhận giá trị cổ phiếu tăng đến 60% (từ 7.900 đồng lên 12.400 đồng/cổ phiếu), tuy nhiên những người chủ của KKC lại không may mắn, khi giá cổ phiếu rơi đến 24% (từ 31.800 đồng xuống 24.100 đồng/cổ phiếu)
Khối ngoại bán ròng mạnh mẽ
Trong tuần, các nhà đầu tư nước ngoài quay lại bán ròng mạnh mẽ với giá trị 1.044,9 tỷ đồng (tương ứng khối lượng ròng 13,15 triệu cổ phiếu) trên sàn HoSE và FUEVFVND là mã bị bán ròng nhiều nhất với 9,1 triệu chứng chỉ quỹ, tiếp theo là HPG với 6,9 triệu cổ phiếu. Ngược lại, MBB là mã được khối ngoại mua ròng lớn nhất với 10,2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng với giá trị 56,66 tỷ đồng trên HNX (tương ứng khối 1,61 triệu cổ phiếu), trong đó mã VND bị bán ròng nhiều nhất với 636.000 cổ phiếu và DXS là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với 1,4 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, các nhóm cổ phiếu trụ cột có sự phân hoá mạnh, cụ thể nhóm dược phẩm và y tế dẫn đầu nhóm tăng với 5% giá trị vốn hoá, các cổ phiếu tiêu biểu như AMV (+9,2%), DVN (+12,6%), TNH (+4,2%), DMC (+7%), DBD (+5,5%), JVC (+3%), DHG (+7%)…
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 2,2% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu trong ngành như MWG (+1,5%), FRT (+3,5%)… Ngoài ra, các nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng 1,6%, công nghiệp tăng 1,5%, hàng tiêu dùng tăng 0,6%….
Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng điều chỉnh mạnh nhất, giảm 3,8% giá trị vốn hoá với các mã VCB (-2,3%), CTG (-4,7%), BID (-4,4%), VPB (-2,1%), MBB (-6,4%), TCB (-4,9%), ACB (-5,5%), SHB (-1,8%)… Sau đó là nhóm cổ phiếu tài chính giảm 0,9%, ngành công nghệ thông tin và dầu khí cùng giảm nhẹ 0,3%.
Thanh khoản sụt giảm
Như vậy, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh giảm tuần thứ hai liên tiếp với mức thanh khoản suy giảm. Cụ thể, thanh khoản trên hai sàn đã thấp hơn mức trung bình 20 tuần với giao dịch trung bình đạt khoảng 24.300 tỷ đồng/phiên. Trong đó, giá trị giao dịch trên HoSE giảm 26,9% và đạt 103.361 tỷ đồng/tuần, khối lượng giao dịch cũng giảm 24,5% với 3.186 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng. Trên sàn HNX, giá trị giao dịch tụt xuống 27,6% và đạt 18.149 tỷ đồng/tuần, khối lượng giao dịch sụt giảm 23,3%, tương ứng 745 triệu cổ phiếu.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), chỉ số VN-Index giảm 1,2% trong tuần thứ hai liên tiếp và đây là mức giảm nhẹ so với tuần liền trước. Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường cũng đi xuống so với tuần trước và thấp hơn mức trung bình 20 tuần.
“Điều này cho thấy áp lực bán ra trong tuần qua đã suy giảm. Tuy nhiên, động thái bán ròng 1.100 tỷ đồng của khối ngoại trên hai sàn càng làm cho tâm lý thị trường trở nên tiêu cực hơn. Về kỹ thuật, VN-Index vẫn đang di chuyển trong sóng điều chỉnh đồng thời dư địa giảm vẫn còn,” ông Thắng nhấn mạnh.
Theo đó, ông Thắng dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo từ ngày 30/8-1/9, VN-Index có khả năng sẽ nối tiếp nhịp hồi phục kỹ thuật tiếp tục điều chỉnh về các vùng giá thấp hơn. Hiện, vùng kháng cự đáng lưu ý của VN-Index trong khoảng 1.335-1.340 điểm và ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Tuy nhiên với mức dự phòng xa hơn, vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index sẽ trong khoảng 1.200-1.250 điểm.
“Những nhà đầu tư vẫn đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Song, các nhà đầu tư đã chốt lời danh mục ngắn hạn trước đó nên tiếp tục quan sát và giải ngân trở lại khi thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh trong khoảng 1.200-1.250 điểm,” ông Thắng khuyến cáo.
Về điều này, nhóm phân tích tại Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) chỉ ra dòng tiền đang tương đối hạn chế với mức thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện.
Theo VCBS, mặc dù chính phủ vẫn luôn thể hiện quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2021 nhưng tâm lý của nhiều nhà đầu tư trên thị trường vẫn khá dè dặt trong việc giải ngân, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp.
Do vậy, nhóm phân tích của VCBS khuyến nghị nhà đầu tư đề cao sự thận trọng và chưa nên vội vàng giải ngân với tỷ trọng lớn trong giai đoạn này. Và, chiến lược thích hợp hơn trong những phiên tới nên là giải ngân từng phần các mã cổ phiếu có tính chất “phòng thủ,” trong đó ưu tiên các cổ phiếu vốn hóa trung bình đang cho tín hiệu bước vào nhịp tăng mới.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT có cái nhìn tích cực hơn và nhấn mạnh việc VN-Index ghi nhận sự hồi phục nhẹ trong phiên cuối tuần. Cụ thể, lực cầu bắt đáy xuất hiện tại vùng hỗ trợ 1.280-1.300 điểm của VN-Index và điều này đã giúp thị trường ngăn chặn được đà lao dốc trước đó.
“Chúng tôi cho rằng đó cũng là vùng hỗ trợ mạnh cho chỉ số VN-INDEX trong các tuần giao dịch sắp tới. Theo đó, nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số VN-INDEX giữ vững trên mốc 1.300 điểm trong tuần tới và với thanh khoản hồi phục trở lại. Trong đó, hoạt động đầu tư có thể ưu tiên tại các nhóm ngành bất động sản và vật liệu xây dựng (sắt, thép, đá xây dựng, xi măng) nhờ được hưởng lợi từ đầu tư công, nhóm bất động sản khu công nghiệp, logistics, cảng biển và nhóm doanh nghiệp định hướng xuất khẩu,” ông Hinh nói./.
Nguồn: Báo xây dựng