Chung cư cũ và nỗi lo khi mùa mưa bão

Còn đó nỗi lo

Là cán bộ về hưu, sinh sống tại Khu tập thể cũ C8 Giảng Võ trong nhiều năm, mỗi lần nhắc đến khu nhà của mình, bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1955) không dấu nổi sự lo lắng. “Nhiều lần chúng tôi nghe tin nơi này sẽ được tu sửa, thậm chí là xây mới nhưng mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ thông tin và chưa có hành động cụ thể nào. Chờ đợi trong nhiều năm dài nên người dân cũng không còn quá quan tâm nữa”, bà Hà cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thu, cũng ở khu tập thể C8 Giảng Võ, người dân hiện đã đồng thuận đến 86% về việc chấp nhận di dời khỏi nhà tập thể cũ. Tuy nhiên sau nhiều năm chờ đợi chỉ đạo của Thành phố xét quy hoạch tổng thể nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Chung cư cũ và nỗi lo khi mùa mưa bão
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1990 và hầu hết đều đã có dấu hiệu xuống cấp.

Sau hơn 40 năm sử dụng, nhất là tình trạng người dân tự ý cơi nới, lấn chiếm, nhà C8 khu tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, được xây dựng bằng phương pháp lắp ghép các tấm bê-tông lớn từ năm 1970-1971, đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng của thành phố đã tiến hành kiểm định, đánh giá chất lượng và xác định mức độ nguy hiểm nhà C8 ở cấp độ C. Tòa nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm cục bộ, khả năng chịu lực của một bộ phận kết cấu không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường…

Riêng đơn nguyên số 3, được Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm ở cấp độ D, có khả năng sập đổ. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão Sở Xây dựng Hà Nội lại có văn bản “đốc thúc” Ủy ban nhân dân quận Ba Đình lên phương án di dời người dân khu nhà C8 để đảm bảo về tài sản và tính mạng người dân. Nhưng từ đó đến nay, trong hơn 100 hộ gia đình tại khu chung cư C8, mới chỉ có 10 hộ đã di dời, số còn lại vẫn sống trong thấp thỏm. Còn tại đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công, khối nhà đã nghiêng, tách hẳn khỏi khối nhà liền kề với vết nứt nơi rộng nhất lên đến 0,8-1,2m. Ông Nguyễn Văn Chi (phòng 407, đơn nguyên 2 nhà G6A Thành Công) cho rằng, ngay từ khi mới đưa vào sử dụng (năm 1990), khối nhà đã lún nghiêng như vậy và… vẫn giữ ổn định từ đó đến nay…

Không chỉ riêng địa bàn quận Ba Đình, báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố có 1.579 chung cư cũ, xây dựng trong giai đoạn 1960-1990. Từ năm 2006 đến nay, Thành phố đã tiến hành 5 đợt kiểm định, từ đó phân loại theo các cấp độ nguy hiểm tăng dần: Cấp A (chỉ cần sửa chữa nhỏ), cấp B (cần sửa chữa nhỏ nhưng chưa thật cấp bách), cấp C (cần sửa chữa lớn để bảo đảm sử dụng bình thường), cấp D (phải xây dựng mới, ưu tiên làm ngay vì có nguy cơ sụp đổ). Qua các đợt kiểm định (tổng số 377 nhà chung cư cũ), các cơ quan chức năng đã xác định 7 nhà cấp D, gồm: B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 2 nhà G6A Thành Công; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp (đều tại quận Ba Đình) và tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa).

Chung cư cũ và nỗi lo khi mùa mưa bão
Một mùa mưa bão nữa lại đến. Những cảnh báo về an toàn kết cấu hạ tầng tại các chung cư cũ, về an toàn tính mạng tài sản của người dân lại được đưa ra…

Trên cơ sở kết quả kiểm định này, từ năm 2016, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có các quyết định di dời khẩn cấp người, tài sản tại các nhà chung cư cấp độ D để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, đại diện phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), đến nay mới có 2/7 chung cư cũ nguy hiểm cấp D hoàn thành di dời các hộ dân, thực hiện cải tạo, xây dựng mới; đó là nhà B6 Giảng Võ; C1 Thành Công; 5/7 chung cư cũ cấp D chưa hoàn tất việc này.

Chờ giải pháp phù hợp

Trước những bất cập về chính sách trong cải tạo, xây dựng chung cư cũ thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP (ngày 2/10/2015) về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nghị định 69/2021/NĐ-CP tạo ra sự đột phá mới trong chính sách cải tạo chung cư cũ. Bởi nghị định này đã quy định cụ thể cơ chế như đất đai, huy động vốn, các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc bố trí nhà ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng chung cư cũng đã được quy định chi tiết. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng, của Ủy ban nhân dân các địa phương, người dân, của chủ đầu tư… đều đã được đề cập cụ thể.

Có thể nói, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp, nguy hiểm là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Do đó, trong nhiều năm qua thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, song tiến độ vẫn không có chuyển biến đáng kể. Việc cải tạo chung cư cũ vẫn khó và rối, ngay cả với các chung cư nguy hiểm cấp D, do đó chính quyền có trách nhiệm phải di dời, thậm chí cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn cho người dân.

Ngoài ra, Nghị định số 69/2021/NĐ-CP căn cứ từ “thực tế” đã có nhiều cơ chế, chính sách đột phá, đồng bộ, khả thi, như: Quy định điều kiện phá dỡ và lựa chọn chủ đầu tư chỉ cần tối thiểu 70% chủ sở hữu/sử dụng đồng ý. Giải pháp quy gom một số chung cư cùng địa bàn cấp xã, cấp huyện để tái định cư các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư, vừa hợp lòng dân, vừa sát thực tế. Các nguyên tắc xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời phù hợp với tâm tư, nguyện vọng… “Đáng chú ý, thông qua Nghị định 69, Chính phủ tái khẳng định, việc cải tạo chung cư cũ phải tuân thủ quy hoạch, trên cơ sở những quy hoạch cấp trên, Nhà nước sẽ đứng ra lập quy hoạch chi tiết”, ông Nghiêm cho hay.

Được biết, trên cơ sở Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, các cơ quan, đơn vị liên quan của Hà Nội đang khẩn trương hoàn chỉnh “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố” để báo cáo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, thống nhất, phê duyệt để triển khai thực hiện. Thành phố cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã tập trung tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại được quy định tại Nghị định số 69/2021/NĐ-CP; xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021-2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để tổ chức lập quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư.

Tin tưởng, với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP, “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố” sẽ mang tính tổng thể hơn, không chỉ đề xuất cơ chế chính sách mà sẽ đưa ra được giải pháp phù hợp để sớm triển khai thực hiện, đảm bảo an toàn cho đời sống người dân./.

Tuấn Dũng

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích