Chuẩn hóa hoạt động chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả truyền thông về TCĐLCL
Thưa ông, trên hành trình hơn 60 năm phát triển của ngành tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), ông đánh giá như thế nào về đóng góp và vai trò của hoạt động báo chí, truyền thông trong lĩnh vực này?
Có thể nói, hoạt động báo chí, truyền thông trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng có lịch sử khá dày. Đây là thành quả của rất nhiều thế hệ lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL, thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm Thông tin – Truyền thông TCĐLCL giúp cho hoạt động truyền thông toàn ngành, toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong 60 năm qua, chúng ta không chỉ mở rộng hoạt động truyền thông tại các cơ quan Trung ương mà còn ở các địa phương. Từ đó, giúp cho doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn về hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Ngoài ra, chúng ta đã tạo ra một lực lượng phóng viên nòng cốt rất am hiểu về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Do đây là lĩnh vực đặc thù về khoa học kỹ thuật có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, nên rất cần những phóng viên chuyên trách cho chuyên ngành này.
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Hiện nay, thu hút đông đảo độc giả là bài toán chung của báo chí, cũng là vấn đề của truyền thông ngành TCĐLCL. Theo ông, cần có giải pháp như thế nào đối với bài toán trên?
Chúng ta cần phân loại độc giả đối với hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta tập trung truyền thông nhiều đến Bộ, ngành, doanh nghiệp. Đây là những lực lượng quan trọng nhất của nền kinh tế trong việc tiếp cận các thông tin, tri thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh, phục vụ công tác quản lý nhà nước. Trong giai đoạn tới, chúng ta cần tiếp tục đưa hoạt động truyền thông về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến lượng độc giả mới, đó là các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, các hiệp hội. Để họ có nhận thức mới về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và trở thành ý thức tự giác về lĩnh vực này trong sản xuất kinh doanh.
Ông có chia sẻ gì về những thuận lợi và thách thức với người làm báo tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong bối cảnh chuyển đổi số?
Về thuận lợi, có thể thấy là sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo Tổng cục TCĐLCL qua nhiều thế hệ đã tạo mọi điều kiện, mọi thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Thuận lợi thứ hai là chúng tôi đánh giá cao đội ngũ phóng viên, biên tập viên tại Trung tâm Thông tin – Truyền thông TCĐLCL đã thực hiện rất tốt hoạt động chuyển đổi số thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Trong giai đoạn tới, chúng ta cần chuẩn hóa hoạt động chuyển đổi số trong những nhiệm vụ cần giải quyết, cần đối mặt. Bên cạnh những thuận lợi, không ít thách thức được đặt ra, trong đó, việc ứng phó về truyền thông trong giai đoạn chuyển đổi số đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Chính vì vậy, đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần phải trau dồi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.
Tiếp đó, thách thức về yêu cầu của quốc tế sẽ rất khác, khi Việt Nam chính thức thực hiện các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đòi hỏi hoạt động truyền thông cần được nâng cao, trong đó, phóng viên cần am hiểu về vấn đề xuất nhập khẩu, vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế.
TS. Hà Minh Hiệp trả lời phỏng vấn Phóng viên Chất lượng Việt Nam – VietQ.vn.
Không thể phủ nhận TCĐLCL là một lĩnh vực đặc thù và khó, nhưng như ông đã từng nói “TCĐLCL gắn liền với mọi hoạt động trong cuộc sống”. Nhân kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông muốn chia sẻ điều gì nhất với những người làm báo để đưa TCĐLCL trở nên gần gũi hơn?
Chúng ta đã có một chặng đường rất dài và dần dần hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng trở nên gần gũi hơn với người dân. Qua khảo sát và đánh giá các thông tin qua kênh truyền thông, người dân bắt đầu quan tâm đến hàng hóa mình mua đã có tiêu chuẩn hay chưa, doanh nghiệp đã chú trọng hơn trong việc sản xuất kinh doanh hàng hóa theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Việc này cho thấy, hoạt động truyền thông TCĐLCL đã mang lại rất nhiều giá trị và lợi ích cho đời sống xã hội.
Sắp tới cần thay đổi mô hình quản lý, cách thức tiếp cận, cách thức giải quyết vấn đề để làm sao chúng ta trao đổi với người dân, doanh nghiệp về tiêu chuẩn đo lường chất lượng được gần gũi, dễ hiểu, dễ tiếp thu, như vậy sẽ thu hút được lượng lớn độc giả hơn. Ngoài ra, hoạt động truyền thông tiêu chuẩn đo lường chất lượng cũng cần gắn nhiều hơn với thành tựu, quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Hà My (thực hiện)