Chuẩn hóa chế độ báo cáo, chuyển từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử
Ngày 3/12, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức hội nghị tập huấn thực hiện báo cáo điện tử trên Hệ thống thông tin báo cáo của VPCP.
Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho hay, trước năm 2019, chế độ báo cáo được các bộ, cơ quan, địa phương quy định tùy nghi tại nhiều loại văn bản và cũng xuất hiện những bất cập như: nội dung yêu cầu báo cáo chưa rõ ràng, chưa cụ thể, trùng lặp; không quy định hoặc quy định không phù hợp thời gian chốt số liệu, thời hạn gửi báo cáo; không có hướng dẫn mẫu đề cương, biểu số liệu; chủ yếu là báo cáo giấy, chưa quy định ứng dụng công nghệ thông tin…
“Do đó, dẫn đến tình trạng phải bố trí nhiều biên chế để thực hiện công tác báo cáo ở cả Trung ương và địa phương; không kiểm soát được chất lượng thông tin báo cáo; thiếu tính đồng bộ, tương thích, thiếu tính hệ thống. Thậm chí, chúng tôi phát hiện có báo cáo chỉ sửa mỗi ngày tháng!”, ông Ngô Hải Phan nêu.
Trước thực trạng trên, VPCP đã phối hợp với các bộ, địa phương, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước với mục tiêu, yêu cầu cụ thể là: thông qua công tác báo cáo, hình thành nguồn thông tin, dữ liệu được số hóa để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thiết lập khung pháp lý thống nhất về quy định và thực hiện chế độ báo cáo theo hướng đổi mới, giảm gánh nặng hành chính trong công tác báo cáo.
Thực hiện Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 phê duyệt “đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước” và Nghị định số 09/2019/NĐ-CP, số lượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan sau khi rà soát, chuẩn hóa là 1.220 chế độ báo cáo, giảm gần 1.400 chế độ báo cáo trùng lắp, không cần thiết.
Đối với các địa phương, chỉ quy định các chế độ báo cáo theo yêu cầu chỉ đạo, điều hành của địa phương (63 địa phương có khoảng 630 chế độ báo cáo) và các chế độ báo cáo của Trung ương quy định, địa phương chỉ thực hiện, không quy định lại.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ kết nối, liên thông các hệ thống thông tin báo cáo, cơ sở dữ liệu của 74 bộ, cơ quan, địa phương; cung cấp dữ liệu của 15/150 chế độ báo cáo; 152/200 chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo Quyết định số 293/QĐ-TTg; kết nối, tích hợp 37 chỉ tiêu, dữ liệu trực tuyến từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của bộ, cơ quan, địa phương; kết nối, tích hợp, cung cấp 8 chỉ tiêu kinh tế – xã hội hằng tháng của các địa phương trên; thiết kế khoảng 250 bảng hiển thị dữ liệu cho các chỉ tiêu trên Hệ thống.
Hệ thống thông tin báo cáo của VPCP được triển khai từ quý I/2021, đã thực hiện 3 kỳ báo cáo công tác kiểm soát thủ tục hành chính và báo cáo gửi – nhận văn bản điện tử. Đối với báo cáo kiểm soát thủ tục hành chính, có 6/24 bộ, cơ quan và 46/63 địa phương thực hiện thành công ít nhất một kỳ báo cáo trên hệ thống.
“Như vậy là có sự cải cách trong chế độ báo cáo, tuy nhiên, kết quả mới là bước đầu và năm 2022, cần tăng cường hơn nữa việc chuẩn hóa chế độ báo cáo, lấy công nghệ thông tin để phục vụ cải cách, chuyển mạnh sang báo cáo điện tử”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.
Nhận định chung, ông Ngô Hải Phan cho rằng, hiện nay, tiến độ chuẩn hoá báo cáo của một số bộ, cơ quan, địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Một số bộ, cơ quan đến thời điểm này chưa hoàn thành việc chuẩn hóa báo cáo thông qua việc ban hành thông tư của bộ.
Hệ thống thông tin báo cáo của đa số các bộ, cơ quan, địa phương mới ở giai đoạn thử nghiệm hoặc đang hoàn thiện các chức năng theo quy định tại Nghị định 09. Một số hệ thống thông tin có chức năng báo cáo chưa được tích hợp với hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan nên các thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành còn nằm rải rác trên nhiều hệ thống…
Tránh 2 xu hướng gây lãnh phí, ảnh hưởng kho dữ liệu
Theo ông Ngô Hải Phan, trong thời gian tới, các bộ, cơ quan, địa phương cần thường xuyên rà soát, chuẩn hóa chế độ báo cáo; xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan, địa phương theo đúng yêu cầu của Nghị định 09; đồng thời phối hợp với VPCP xác định các thông tin, dữ liệu cần thiết, quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cung cấp trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Đặc biệt, lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tránh 2 xu hướng, đó là hệ thống thông tin báo cáo của địa phương triển khai lại các chế độ báo cáo của bộ, cơ quan Trung ương đã được triển khai trên hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan. Điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến tính thống nhất của nguồn thông tin, dữ liệu.
Ngoài ra, nếu hệ thống thông tin báo cáo của bộ, cơ quan không triển khai tới cấp đầu tiên cung cấp dữ liệu mà chỉ triển khai tới cấp tỉnh, hoặc chỉ nhập dữ liệu từ đầu mối của bộ, sẽ dẫn đến không hình thành được kho dữ liệu gốc gắn với trách nhiệm của cơ quan/người cung cấp dữ liệu; không có dữ liệu số để phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền.
Sau hội nghị tập huấn này, các bộ, cơ quan, địa phương cần giao văn phòng bộ, cơ quan, địa phương làm đầu mối thực hiện các nhiệm vụ; thực hiện ngay việc tạo tài khoản, phân quyền tài khoản, phân công thực hiện các báo cáo; tập huấn lại cho các cán bộ, công chức liên quan của bộ, địa phương để thực hiện đầy đủ 6 báo cáo trên hệ thống (chấm điểm PAR Index 2021); phối hợp chặt chẽ với VPCP và VNPT trong quá trình thực hiện báo cáo.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu