Chuẩn bị nâng cấp 9 ga đường sắt lớn tại khu vực phía Bắc

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía Bắc.

chuan bi nang cap 9 ga duong sat lon tai khu vuc phia bac
Ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Ảnh: Ngọc Tùng/TTXVN

Tổng mức đầu tư dự án này là 350 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Dự án có mục tiêu cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng và dịch vụ vận tải đường sắt; tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút hành khách và hàng hóa, nhằm nâng cao thị phần vận tải, khai thác hiệu quả đường sắt hiện có; từng bước nâng cao tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt.

Dự án sẽ nâng cấp 9 ga trên các tuyến đường sắt quốc gia khu vực phía Bắc: Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Đồng Đăng và Yên Viên – Lào Cai. Cụ thể, có 3 ga hành khách là ga Gia Lâm (tuyến Hà Nội – Đồng Đăng); ga Cẩm Giàng và ga Hải Dương (tuyến Gia Lâm – Hải Phòng) sẽ được cải tạo, nâng cấp công trình nhà ga và các công trình đồng bộ. Cải tạo, nâng cấp, xây dựng ke ga, mái che ke ga.

Trong khi đó, 6 ga hàng hóa được lựa chọn là ga Vật Cách và ga Thượng Lý (tuyến Gia Lâm – Hải Phòng); ga Yên Viên Nam, ga Đồng Đăng, ga Lạng Sơn (tuyến Hà Nội – Đồng Đăng); ga Xuân Giao (tuyến Yên Viên – Lào Cai). Các ga này sẽ được cải tạo, nâng cấp, xây dựng nhà kho, bãi hàng; kéo dài hoặc bổ sung mới một số đường ga, đường sắt trong bãi hàng để phục vụ xếp dỡ, tác nghiệp hàng hóa; cải tạo, nâng cấp đường bộ vào ga của một số ga; xây dựng tường rào ga.

Tổng mức đầu tư dự án là 350 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2022 đến năm 2024; trong đó, dự kiến kế hoạch vốn giai đoạn 2021 – 2025 là 350 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm bàn giao toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến dự án cho Ban Quản lý dự án đường sắt và chủ động phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt trong qua trình triển khai các bước tiếp theo.

Ban quản lý dự án đường sắt được yêu cầu căn cứ kết quả thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan, số liệu khảo sát chi tiết, chủ động phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát, tính toán, lưa chọn công trình, quy mô và giải pháp tối ưu trên cơ sở so sánh kinh tế – kỹ thuật, phù hợp với mục tiêu dự án; chuẩn xác quy mô đầu tư bảo đảm tránh trùng lặp, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối vốn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích