Chuẩn bị ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ

Thể dục dụng cụ là môn thể thao hỗn hợp, phức tạp, bất kỳ động tác nào khi thực hiện đều phải đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về độ cao, độ xa, biên độ rộng và tốc độ tương đồng. Các vận động viên thể dục dụng cụ thành tích cao thường có kỹ năng, kỹ xảo vận động chuyên môn tốt và có khả năng thực hiện các động tác phức tạp, mạo hiểm. Vì là môn thể thao đòi hỏi sự chính xác, thăng bằng và kỹ thuật nên bất kỳ sai lệch nào so với thiết kế và cấu tạo thiết bị hợp tiêu chuẩn đều có thể dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.

Thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể bị hỏng, trục trặc hoặc không mang lại sự ổn định cần thiết, dẫn đến té ngã và chấn thương cho người tập. Thiết bị không đạt tiêu chuẩn có thể không mang lại hiệu suất ổn định, khiến người tập thể dục gặp khó khăn trong việc phát triển và hoàn thiện kỹ năng của mình. Điều này có thể cản trở tiến độ tập luyện và thi đấu của họ. Khi sử dụng thiết bị không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến thương tích nghiêm trọng. Những người mới tập thể dục cũng có thể gặp rủi ro, nhưng ở mức thấp hơn do họ có thể ít thực hiện các bài tập đòi hỏi độ khó cao.

Mức độ rủi ro phụ thuộc vào các yếu tố như loại thiết bị, mức độ sai lệch so với tiêu chuẩn, trình độ kỹ năng của vận động viên cũng như tần suất và điều kiện sử dụng. Để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo an toàn cho người tập, điều quan trọng là các thiết bị thể dục dụng cụ phải tuân thủ tiêu chuẩn an toàn.

Hiện nay, đa số thiết bị thể dục phân phối trong nước được nhập ngoại từ các nhà sản xuất khác nhau. Một số doanh nghiệp sản xuất thiết bị xà đơn, xà kép, xà lệch, lưới bật, vòng treo, bàn nhảy chống; bục nhảy chống và cầu thăng bằng,lưới bật các loại… Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay không có sự phân loại các thiết bị dành cho đối tượng khác nhau, điều này gây mất an toàn cho những người sử dụng.

 Ảnh minh hoạ

Về hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã công bố 09 TCVN yêu cầu về đặc tính kỹ thuật, về an toàn và phương pháp thử gồm 08 phần liên quan đến thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ, sản phẩm thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử và phần riêng của tiêu chuẩn có liên quan đến loại thiết bị thể dục/thiết bị thể dục dụng cụ. Cụ thể: TCVN 11771:2016 (ISO 378:1980) Thiết bị thể dục – Xà kép; TCVN 11772:2016 (ISO 379:1980) Thiết bị thể dục – Xà đơn; TCVN 12186:2017 (EN 915:2008) Thiết bị thể dục dụng cụ – Xà lệch – Yêu cầu và phương pháp thử; TCVN 12838:2019 Thiết bị thể dục – Bàn nhảy chống – Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử; TCVN 12839:2019 Thiết bị thể dục – Cầu thăng bằng – Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử; TCVN 12840:2019 Thiết bị thể dục – Vòng treo – Yêu cầu chức năng và yêu cầu an toàn, phương pháp thử; TCVN 13318:2021 (BS EN 913:2018) Thiết bị thể dục dụng cụ – Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử; TCVN 13319:2021 (BS EN 916:2003) Thiết bị thể dục dụng cụ – Bục nhảy chống – Yêu cầu an toàn chung và phương pháp thử; TCVN 13320:2021 (BS EN 13219:2008) Thiết bị thể dục dụng cụ – Lưới bật – Yêu cầu về chức năng và an toàn chung, phương pháp thử.

Trong các giải thi đấu mang tính khu vực và quốc tế, hầu hết trang thiết bị được quy định trong Luật thi đấu và cũng chỉ đề cập thiết bị này phải do một nhà cung cấp cụ thể do Liên đoàn Thể dục thế giới (FIG) lựa chọn, chỉ định, như: Janssen – fritsen; Gymnova; AAI, Eurotramp…

Hiện tại các doanh nghiệp của Việt Nam và cơ quan quản lý đang cần kiểm soát các vấn đề về chất lượng, ccơ sở tập luyện và thi đấu thể thao yêu cầu về quản lý an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007, Điều 1 Khoản 7 Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Phân công trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, đối với trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có nội dung liên quan đến Trang thiết bị tập luyện, thi đấu thể dục thể thao.

Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao Điều 14 Cơ sở vật chất, trang thiết bị quy định “Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị thể thao đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành”.

Ngày 10/7/2019 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2415/QĐ-BVHTTDL về việc phê duyệt Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, giao Tổng cục Thể dục thể thao triển khai tổ chức xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các đối tượng sản phẩm hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo các quy định hiện hành, trong đó có nhóm thiết bị thể dục dụng cụ.

Để triển khai trách nhiệm đã được quy định tại Nghị định số 78/2018/NĐCP ngày 16/5/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007, Nghị định số 36/2019/NĐ-CP ngày 29/4/2019 của Chính phủ và nhiệm vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho các đối tượng thuộc Danh mục SPHH nhóm 2, cũng như đáp ứng nhu cầu kiểm soát chất lượng các thiết bị thể dục dụng cụ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì việc triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) về an toàn đối với thiết bị thể dục dụng cụ là cần thiết.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích