Chưa được chứng nhận hợp quy về hàm lượng chì theo QCVN 08:2020/BCT, sơn Minano có an toàn?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chì là một trong 10 kim loại nặng cần được quan tâm nhất đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em. Mỗi năm thế giới ghi nhận thêm mới khoảng 600.000 trẻ em bị ảnh hưởng trí tuệ và 143.000 trường hợp tử vong do tiếp xúc chì, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Nhiễm độc chì có thể gây các tổn thương đa dạng và phức tạp lên hầu hết cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể như: cơ quan tạo máu, tim mạch, xương khớp, thận tiết niệu, trí tuệ. Trẻ em có nguy cơ nhiễm độc chì từ nhiều nguồn khác nhau như xăng pha chì, sơn pha chì, đồ chơi, hoạt động khai khoáng, tái chế ắc quy, ô nhiễm môi trường…

Các chuyên gia về chống độc cho hay, chì là chất độc đã được công nhận có tác động đến sức khoẻ trên diện rộng, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá và huyết học. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và do chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ chậm lớn, chiều cao, vòng ngực, vòng đầu thấp hơn so với trẻ em không bị nhiễm độc chì. Ngoài ra, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nếu như người mẹ bị nhiễm chì. Người mẹ có tiếp xúc nghề nghiệp với nồng độ chì máu ≥ 10 µg/dL có nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Một điểm bán và giới thiệu sản phẩm sơn Minano của Công ty Cổ phần Minano Group tại Hà Nội.

Thống kê tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, nhiễm độc chì hiện nay ở Việt Nam còn xảy ra nhiều. Có bệnh nhân đến viện được phát hiện, có bệnh nhân còn đang ở ngoài cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như khai khoáng quặng chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì đặc biệt là chứa hồng đơn… Ngoài ra, sơn chứa chì cũng là vấn đề cần quan tâm.

Sơn là loại vật liệu được sử dụng để quét lên bề mặt sản phẩm mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Chì được làm dung môi để pha chế sơn do có nhiều đặc điểm chuyên dụng tăng thêm các tính năng cho sơn. Khi tiếp xúc ở mức độ nhất định, chì là chất độc đối với động vật cũng như con người. Do đó, tại Việt Nam đã có các quy định về hàm lượng chì tối đa trong sơn.

Trong đó, phải kể đến ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì trong sơn. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022 và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơn phải tiến hành công bố hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp hiện chưa thực hiện quy định này. Điều này làm dấy lên lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng cũng như độ an toàn của các sản phẩm sơn được doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Có thể lấy ví dụ như trường hợp của Công ty Cổ phần Minano Group (có địa chỉ tại Đại Lộ, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội). Bà Trần Thị Trang là người đại diện pháp luật và ông Hoàng Đức Chung là Giám đốc kinh doanh của Công ty này. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Công ty Cổ phần Minano Group đang sản xuất, phân phối nhiều dòng sản phẩm sơn ngoại thất và nội thất. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sơn do công ty này sản xuất, phân phối chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN:8/2020/BCT về hàm lượng chì.

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã gọi điện tới số hotline niêm yết trên website của Công ty Cổ phần Minano Group. Tuy nhiên, khi hỏi về việc vì sao sản phẩm sơn Minano chưa được chứng nhận, công bố phù hợp QCVN 8:2020/BCT vẫn đưa ra thị trường thì người trực điện thoại (một người đàn ông) từ chối trả lời với lý do “chúng tôi chỉ là bên kinh doanh”.

Tiếp đó, phóng viên đã cố gắng liên hệ với ông Hoàng Đức Chung, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Minano Group và ông Hoàng Ngọc Tấn, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Minano Group nhưng không nhận được câu trả lời cho những thắc mắc liên quan tới việc chứng nhận hợp quy cho sản phẩm sơn Minano.

Công ty Cổ phần Minano Group phân phối nhiều sản phẩm sơn chưa được chứng nhận hợp quy về hàm lượng chì.

Việc sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Minano Group không được chứng nhận hợp quy khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng sản phẩm sơn do công ty này phân phối. Bởi trên thực tế, chì là chất độc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dùng. Nếu như hàm lượng chì trong sơn không được kiểm soát, nguy cơ gây hại tới sức khoẻ người tiêu dùng sẽ là rất khó lường.

Dư luận cũng không khỏi thắc mắc liệu sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần Minano Group có đảm bảo chất lượng? Hàm lượng chì trong sản phẩm sơn của Công ty có ở mức giới hạn an toàn với sức khoẻ người dùng? Vì sao công ty này không tiến hành chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm sơn theo QCVN 8:2020/BCT? Trường hợp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sơn do công ty phân phối gặp vấn đề về sức khoẻ, công ty có chịu trách nhiệm? Đối với trường hợp của Công ty Cổ phần Minano Group, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Thanh tra Bộ Công Thương, Thanh tra Tổng cục TCĐLCL, Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc kiểm tra, xử lý sai phạm (nếu có). 

Sản phẩm sơn không chứng nhận hợp quy có thể bị thu hồi

Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy;

– Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền;

– Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

– Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

– Không thực hiện lại việc công bố khi có sự thay đổi về nội dung của hồ sơ công bố hợp quy đã đăng ký hoặc có sự thay đổi về tính năng, công dụng, đặc điểm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã công bố hợp quy;

– Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng:

– Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân;

– Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.

Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau:

– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu;

– Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng;

– Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích