Chùa Bửu Minh – Dấu ấn giữa đại ngàn
Để đến chùa Bửu Minh, du khách sẽ đi qua cung đường tuyệt đẹp với Hồ T’nưng tĩnh lặng, hàng thông cổ sừng sững giữa đất trời, đồi chè trăm tuổi cả nghìn héc-ta với gió mát lạnh khiến ai từng đến đều say đắm. Chùa có bề dày lịch sử, chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) hơn chục cây số.
Chùa Bửu Minh từ trên cao Ảnh: Phan Nguyên |
Mặt tiền chùa Bửu Minh hướng Tây nhìn về Hồ T’nưng. Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế bằng bê tông cốt thép, kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ với mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung nước ta cùng kiểu dáng chùa Nhật Bản và Đài Loan. Đặc biệt, chùa chỉ có một đòn dông duy nhất, một mái trước và một mái sau dốc đến 45 độ, tạo dáng cao vút và thanh thoát như mái nhà rông Tây Nguyên. Chiều cao từ nền chánh điện đến đỉnh tháp hơn 47m, được xem là một trong số ít những ngôi chùa có đỉnh mái cao ở Việt Nam. Các góc mái của 3 tầng tháp có những con rồng được làm tinh xảo. Phần cong tại các góc mái vươn dài ra hơn 3m, được gắn kết hình cá rồng theo mô típ của chùa Một Cột và đầu rồng theo mô típ chùa Tây Phương ở Hà Nội.
Chánh điện rộng 520m2 nền vách được phối bởi màu sắc phù hợp, tạo cảm giác ấm cúng và sự trang nghiêm khi vào lễ. Riêng trung tâm của chánh điện là tượng Phật Thích Ca ngồi (bằng đá trắng cao 3m). Vách sau lưng tượng được thiết kế một con rồng uốn mình vươn lên, miệng ngậm chiếc “bảo cái” (như lộng che) trên đầu Phật.
Theo thầy Thích Giác Tâm, Trụ trì chùa Bửu Minh, đầu thế kỷ XX, tại khu vực Biển Hồ, cư dân từ đồng bằng lên lập ngôi làng mang tên “Xóm Cỏ May”. Từ nhu cầu tín ngưỡng của nhiều người, một nơi thờ tự có tên “Sơn Hải Miếu” được dựng lên. Đến năm 1936, chùa được xây dựng lần đầu với tên gọi là “Chùa Phật Học”, sau đó ngôi chùa tiếp tục được trùng tu và chính thức mang tên là Bửu Minh từ năm 1961 đến nay.
Với thầy Thích Giác Tâm, đặc biệt nhất của chùa là nhà đặt kinh luân (bánh xe cầu nguyện) nằm trong khuôn viên nên thơ của chùa. Đó là một hành lang rộng, dài khoảng 30m bắc qua hồ nước nhỏ, hai bên lắp hàng ống đồng 61 chiếc hình trụ xoay tròn quanh trục, vỏ ngoài chạm nổi chân ngôn Lục Tự Đại Minh của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Mỗi tiểu kinh luân có đường kính 40cm, cao 1m; đại kinh luân có đường kính 2,5m, cao 4,5m, đúc tại Nepal. Tất cả được chế tác bằng đồng đỏ, kích thước lớn vào hàng nhất nhì cả nước.
“Đạo Phật luôn dấn thân nhập thế. Chức năng của ngôi chùa là để phụng sự chúng sinh. Chùa luôn hướng đến sự cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt, mọi người an hưởng sự an lạc bình an. Giữa lúc Việt Nam và cả thế giới đang oằn mình gánh chịu nỗi đau do đại dịch COVID-19 gây ra, nhà chùa lắp đặt bộ kinh luân này với mong muốn cùng cầu nguyện, góp một phần năng lượng an lành để xoa dịu nỗi đau ấy. Cầu cho thế giới hòa bình, khắp nơi an lạc, cùng nhau sớm vượt qua đại dịch này”, thầy Thích Giác Tâm bày tỏ.
“Cầu cho thế giới hòa bình, khắp nơi an lạc, cùng nhau sớm vượt qua đại dịch này”, thầy Thích Giác Tâm bày tỏ. |
Nguồn: Báo xây dựng