Chú trọng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo

Chú trọng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo

Theo số liệu từ Savills Việt Nam, tính đến quý III/2023, 20 tòa nhà văn phòng hạng A được công nhận là công trình “xanh”, đạt xấp xỉ 52%. Trong giai đoạn 2024-2026

Không gian làm việc xanh, lan tỏa kiến trúc xanh

Việc áp dụng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc tại Thủ đô Hà Nội không chỉ mang tính nhân văn, tạo ra môi trường làm việc tốt mà còn mang lại lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời lan tỏa xu hướng kiến trúc xanh dần đi vào cuộc sống.

Chú trọng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo- Ảnh 1.
Đặc điểm “xanh” trong thiết kế không gian nội thất đã thu hút sự quan tâm của nhiều người không chỉ vì lợi ích sử dụng mà còn bởi vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Nguyễn Văn Hải khẳng định, trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển vượt bậc của công nghệ và đô thị hóa, không gian làm việc đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Việc xây dựng một môi trường làm việc xanh, hiệu quả và sáng tạo cũng trở thành mục tiêu phấn đấu quan trọng của nhiều quốc gia, tổ chức và doanh nghiệp. Đặc điểm “xanh” trong thiết kế không gian nội thất đã thu hút sự quan tâm của nhiều người không chỉ vì lợi ích sử dụng mà còn bởi vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Theo KTS Nguyễn Văn Hải, để đạt tiêu chuẩn xanh không phải là một nhiệm vụ khó khăn, tuy nhiên, nó yêu cầu một hệ thống và quy trình xác định nghiêm ngặt. Do đó, các kiến trúc sư cần tiếp cận và tìm hiểu về tiêu chuẩn xanh trong không gian làm việc; khám phá những lợi ích mà việc áp dụng tiêu chuẩn này mang lại, bao gồm cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao sức khỏe và sự hài lòng của nhân viên, và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong khi đó, Kiến trúc Hà Nội Phạm Quốc Tuyến Phó Giám đốc Sở Quy hoạch cho rằng, nghiên cứu về kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu, dần đi vào cuộc sống, đòi hỏi nhận thức, chia sẻ để có sự lan toả. Văn phòng xanh là mô hình được Quỹ bảo vệ thiên nhiên toàn cầu WWF đưa ra sáng kiến năm 1997, là hệ thống quản lý môi trường giúp làm giảm đi khí thải và ô nhiễm ngay tại nơi làm việc.

Tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức là hoạt động nghề nghiệp hết sức thiết thực góp phần thúc đẩy sự phát triển của không gian làm việc xanh tại Việt Nam, đưa xu hướng kiến trúc xanh dần đi vào cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển của xã hội”.

Ông Douglas Snyder, Giám đốc Điều hành Hội đồng Công trình xanh Việt Nam cho rằng, thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, và công trình xanh là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, hóa giải thách thức này. Tại Việt Nam, Hội đồng công trình xanh Việt Nam đặt ra mục tiêu khuyến khích xây dựng công trình xanh và giảm thiểu phát thải; bồi dưỡng kiến thức cho các bên liên quan về công trình bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ các công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong việc thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu”.

Những lợi ích cần thiết trong quy hoạch, xây dựng

Nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm xanh, kỹ thuật xanh, thiết kế xanh là yếu tố cần thiết trong quy hoạch, xây dựng. Những lợi ích trong việc thiết kế thi công nội thất đạt các tiêu chuẩn xanh và khả năng đạt chứng nhận “Văn phòng xanh” tại Việt Nam và quốc tế; đồng thời đưa ra giải pháp tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc sáng tạo và hiệu quả.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến trúc – Nội thất Nam Anh, KTS Hà Xuân Nam nêu một số giải pháp thiết kế không gian làm việc xanh, mang lại hiệu quả và sáng tạo như tổ chức mặt bằng công năng khoa học; tối ưu ánh sáng và thông gió tự nhiên, đưa cây xanh vào không gian làm việc; sử dụng các màu sắc và hình khối.

Các giải pháp kỹ thuật cần tính đến như cải tạo hệ thống vi khí hậu bằng cách xử lý hệ thống điều hoà không khí, thông gió hiệu quả và khoa học; sử dụng ánh sáng nhân tạo một cách khoa học và có tính toán từ chuyên gia; sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các sản phẩm nội thất được thiết kế theo tiêu chuẩn nhân trắc học, công thái học sẽ đem lại tiện nghi cao hơn cho người dùng.

Viện trưởng Viện Công nghiệp gỗ và Nội thất, trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, PGS. TS Lý Tuấn Trường cho rằng, trong môi trường làm việc xanh, đồ gỗ nội thất đóng vai trò quan trọng. Trong thiết kế loại vật liệu này cần tuân thủ theo một số nguyên tắc thiết kế như kết cấu dễ tháo dỡ, dễ phân tách, có lợi cho sửa chữa, bảo trì.

Ngoài ra, không sử dụng các loại vật liệu tiềm chứa chất độc hại cho môi trường và sức khỏe con người mà chọn dùng các loại vật liệu tái sinh, đặc biệt ưu tiên sử dụng vật liệu có khả năng tuần hoàn sử dụng cao.

Tổng Giám đốc DPLUS Việt Nam, KTS Đoàn Phương nêu quan điểm trong việc thực hành thiết kế xanh tại không gian làm việc như tối đa hóa việc sử dụng không gian hiệu quả; sử dụng vật liệu thiết kế và xây dựng tiết kiệm năng lượng; sử dụng nguyên vật liệu được sản xuất có trách nhiệm với môi trường; quan tâm nhiều hơn tới tái chế; chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, ưu tiên thông gió tự nhiên và truyền tải thông điệp xanh qua các thiết kế.

Trong khi đó, là người am tường về các tiêu chuẩn LEED AP, LOTUS AP, EDGE Expert & Auditor trong thiết kế nội thất công trình tại Việt Nam và nhiều quốc gia, KTS Tim Middleton đã gợi mở những giải pháp cụ thể nhằm tạo dựng không gian làm việc xanh đáp ứng tiêu chí môi trường không khí, chiếu sáng/ tầm nhìn, tiện nghi nhiệt, đồ nội thất, vật liệu bền vững…

KTS Tim Middleton nhấn mạnh, cần thúc đẩy sự tiện nghi, sức khỏe và năng suất của người sử dụng bằng cách cải thiện chất lượng không khí trong nhà như: thông gió, theo dõi CO2, lọc không khí, cấm hút thuốc. Thêm nữa, cần giảm thiểu ánh sáng điện bằng cách đưa ánh sáng tự nhiên vào không gian làm việc, tăng sự kết nối của người sử dụng với bên ngoài bằng cách bảo đảm tầm nhìn ra thiên nhiên, bầu trời… không bị cản trở.

Tái thiết các không gian đô thị xanh, để hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, đẹp

Không chỉ chú trọng tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo, Hà Nội cũng chú trọng tái thiết các không gian đô thị xanh, để hướng tới một Thủ đô xanh, sạch, đẹp và sáng tạo.

PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, trong những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, quá trình mở rộng và phát triển đô thị đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, cùng với sự lớn mạnh của đô thị hóa, gia tăng nhanh chóng của dân số cơ học đã tạo ra nhiều thách thức về chất lượng môi trường sống.

Trong bối cảnh đó, thời gian qua Hà Nội vẫn đang chú trọng việc phát triển các không gian công cộng, không gian xanh. Hình thái và mô hình phát triển chủ yếu tại các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn, tuy nhiên việc phát triển hỗn hợp (cao tầng, thấp tầng) làm mật độ xây dựng tăng cao, còn thiếu các không gian, chức năng công cộng, công viên vườn hoa.

PGS.TS Lê Quân cho biết, trong dự thảo định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh rõ quan điểm phát triển không gian xanh, không gian công cộng đô thị. Cụ thể, phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỉ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước…

Bên cạnh đó, mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, xây dựng đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử hòa quyện với các lợi thể cảnh quan thiên nhiên có chất lượng môi trường cao…

Một trong 5 khâu đột phá dự thảo nhấn mạnh đó là phát triển không gian sông hồ: “Khai thác không gian Hồ và các dòng sông vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô Xanh, Sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, vừa tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị”.

Ngoài ra, một trong 6 trụ cột phát triển đó chính là đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó không gian hoạt động kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 xác định: “Không gian công cộng (không gian xanh) phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước của Thủ đô bền vững, đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị. Phát triển không gian xanh thủ đô Hà Nội bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục cảnh quan”.

Đưa ra một số giải pháp, kiến nghị, đề xuất phát triển không gian công cộng không gian xanh đô thị trong quy hoạch thủ đô thời ký 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, PGS.TS Lê Quân cho rằng trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung lần này, TP. Hà Nội cần quan tâm đặc biệt đến yếu tố mặt nước, bởi Hà Nội vốn là đô thị có hệ thống sông, hồ quan trọng với nhiều di sản như Hồ Tây, Hồ Gươm, hệ thống kênh rạch sông Tô Lịch, sông Nhuệ… Khi kết nối lại những hệ thống này sẽ tạo ra di sản không chỉ phát huy vai trò về kiến trúc cảnh quan mà còn đem lại giá trị có tính nhận diện đặc trưng cho đô thị Hà Nội.

Ngoài ra, cần chú trọng đến chiến lược hành lang xanh 60-40; Trục không gian xanh sông Hồng; Mạng lưới nêm xanh, vành đai xanh; Phát triển đặc trưng sông hồ, mặt nước, công viên cây xanh; Phát triển chiến lược đô thị, kiến trúc, hạ tầng xanh gắn với phát triển kinh tế xanh, xã hội xanh.

TP. Hà Nội cũng cần nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù trong khuyến khích phát triển không gian công cộng, không gian xanh đô thị với sự tham gia của tư nhân, cụ thế hóa các chính sách và tham khảo mô hình quản lý phù hợp. Đặc biệt cải tạo, tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng và công viên vườn hoa đô thị trung tâm với sự tham gia cộng đồng.

Theo PGS.TS Lê Quân, các giải pháp cần được tiếp cận từ góc độ vĩ mô đến vi mô, cụ thể giải pháp từ quan điểm giữ lại các cấu trúc của các không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh đến gìn giữ, phát triển, kết nối cấc không gian mặt nước, cây xanh trong đô thị. Song song với đó cần có các giải pháp thu hút đầu tư, sự tham gia cộng đồng trong cải tạo tái thiết các hệ thống công viên, vườn hoa, cũng như sự tham gia chia sẻ, xã hội hóa các không gian công cộng của tư nhân cho cộng đồng theo kinh nghiệm quốc tế, cần được thể chế hóa…

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích