Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Tiếp tục quyết liệt trong triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội bền vững

(Xây dựng) – Đó là quan điểm chỉ đạo của Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra mới đây.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Tiếp tục quyết liệt trong triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng chỉ đạo quyết liệt tại thực địa trong một lần đi kiểm tra thực tế tại thành phố Phổ Yên.

Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định: Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực phát huy vai trò là cực tăng trưởng quan trọng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 11 ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ở mức cao hơn so với bình quân chung cả nước, đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra (8%); đứng thứ 4 toàn quốc về giá trị xuất khẩu với giá trị đạt trên 32 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2021; đồng thời đứng thứ 4 về giá trị sản xuất công nghiệp với giá trị đạt trên 932 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2021.

Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên đã sớm phân bổ tất cả các nguồn vốn đầu tư ngay từ những ngày đầu của năm. Lũy kế đến cuối tháng 11, giải ngân vốn đầu tư công đã đạt trên 89,78% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 10 trong số các địa phương trên cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt 3.986,5 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 540 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Trong thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển: Tỉnh Thái Nguyên đang tích cực, tăng cường thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nhiều hình thức đầu tư; triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm quan trọng, các dự án đầu tư công trong đó ngân sách Nhà nước chỉ bỏ ra một phần để giải quyết khâu then chốt, mang tính chất kích cầu, tạo động lực; khởi động nhiều dự án lớn, có sức lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và của cả vùng như: Khởi công Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc, khởi công dự án Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2, khánh thành dự án xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc, thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư mới, đầu tư mở rộng vào các Khu công nghiệp như dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (SEMV) của Tập đoàn Samsung (đầu tư mở rộng với số vốn tăng thêm 1 tỷ 187 triệu USD), dự án Trina Solar Wafer (đầu tư mới 275 triệu USD), dự án Dowooinsys Vina (đầu tư mới 30 triệu USD)… Góp phần đưa tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm 2022 đạt 59,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Đây là điểm nhấn quan trọng về phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2022, góp phần tạo đà tăng trưởng ổn định, bền vững cho tỉnh Thái Nguyên trong thời gian tiếp theo.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Tiếp tục quyết liệt trong triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Dự án xây dựng nút giao khác cốt đường Thống Nhất và đường Việt Bắc đã hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng hiệu quả.

Trong công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, chỉnh trang đô thị đang được tích cực triển khai: UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 13 ngày 25/8/2022 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu dân cư, khu đô thị, dự án nhà chung cư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; Chỉ thị số 17 ngày 26/10/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần nâng cao các tiêu chí phát triển đô thị và hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, hiện đại, văn minh, phát triển bền vững, theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, trên một số lĩnh vực khác như: Công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số; xây dựng Nông thôn mới; an sinh xã hội; văn hóa, thể thao; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản… đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, có được kết quả trên ngoài sức mạnh đoàn kết, tập trung trí tuệ tập thể, bám sát tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể lãnh đạo còn chính là do tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, chủ động đối diện trước những khó khăn, thách thức, cùng với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân, cần phải tiếp tục được phát huy, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội để hướng tới hoàn thành các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025 và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XX đã đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng nhấn mạnh: Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn thách thức, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, trước mắt là năm 2023 cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và có kết quả cụ thể. Nhất là nội dung kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với các giải pháp, cơ chế mang tính đột phá, khả thi, chú trọng việc tạo ra các động lực tăng trưởng mới phù hợp với các đặc điểm, xu thế và điều kiện phát triển trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác chống thất thu ngân sách, xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng thuế, các hành vi trốn thuế; tiếp tục cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI). Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế – xã hội; ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Tiếp tục quyết liệt trong triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Một góc trung tâm thành phố Thái Nguyên.

Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại; chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu vực tập trung đông dân cư, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng hưởng ứng và đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động sáng tạo, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh trong thời gian tiếp theo.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích